Trong khi giá bitcoin trên thị trường thế giới mới xoay quanh mức 6.000 USD thì tại Zimbabwe, giá trị của đồng tiền ảo này đã lên gần 10.000 USD từ đầu tháng 10/2017 do tình trạng yếu kém của nền kinh tế.
Do gặp khó khăn khi thực hiện các khoản thanh toán quốc tế qua hệ thống ngân hàng, người dân Zimbabwe đã chuyển hướng sáng sử dụng tiền ảo như một công cụ để sử dụng trong kinh doanh hơn là đầu tư. Nhờ bitcoin, người dân nước này có thể mua hàng qua các trang thương mại điện tử hoặc tar tiền cho những nhà cung cấp hay vận tải quốc tế.
Câu chuyện thiếu tiền mua hàng
Từ năm 2009, người dân Zimbabwe đã sử dụng USD như một đồng tiền chính thức bởi đồng nội tệ của nước này đã hoàn toàn mất giá trị.
Câu chuyện này bắt đầu từ đầu thập niên 2000 khi Tổng thống Zimbabwe lúc đó là ông Robert Mugabe tịch thu những trang trại nông nghiệp thương mại được sở hữu phần lớn bởi những người Zimbabwe gốc Anh.
Việc thiếu lương thực cũng như trình độ thấp, nền chính trị bất ổn đã khiến người dân Zimbabwe bất bình và chính phủ khi đó đã thực hiện chính sách cải cách ruộng đất, qua đó tịch thu các trang trại của người da trắng để chia cho những người dân địa phương nghèo.
Động thái trên đã thu hút được sự ủng hộ của tầng lớp dân chúng nghèo nhưng lại đem đến hệ quả vô cùng tai hại. Việc thiếu chiến lược phát triển nông nghiệp dài hạn, tình trạng tham nhũng cũng như không hỗ trợ cho người dân đã khiến sản lượng nông nghiệp của nước này suy giảm mạnh do các hộ nông dân hoạt động quá manh mún.
Ngay sau vụ việc trên, nguồn thu nông nghiệp của Zimbabwe sụt giảm mạnh, trong khi các nhà đầu tư tháo chạy khỏi đất nước do lo ngại chính phủ sẽ tịch thu tài sản của họ, dẫn đến Ngân hàng trung ương nước này dần cạn ngoại hối.
Đến giữa thập niên 2000, chính phủ nước này quyết định in thêm đồng Dollar Zimbabwe để thanh toán cho quân đội, cảnh sát và các cơ quan hành chính. Việc in lượng lớn tiền đã khiến nước này có siêu lạm phát nghiêm trọng.
Người dân Zimbabwe bắt đầu phải vác bao tải tiền đi mua sắm và hiện tượng tích trữ hàng hóa để trao đổi xuất hiện do người dân mất niềm tin vào hệ thống tài chính. Đến năm 2009, Tổng thống Mugabe buộc phải thay thế đồng nội tệ bằng đồng USD nhằm ổn định tình hình.
Sau đó, mức lạm phát tại Zimbabwe đã được ổn định nhưng Ngân hàng trung ương nước này lại phải tìm cách kiếm USD cho giao dịch trong nước bởi họ không thể in loại đồng tiền này.
Thống đốc John Magudya của Zimbabwe cho biết nước này phải “nhập khẩu” 10 triệu USD hàng tuần nhằm đáp ứng nhu cầu giao thương trong hệ thống tài chính và nền kinh tế.
Người dân Zimbabwe bán tiền nội tệ trên chợ để đổi đồng USD hay các nhu yếu phẩm khác
Hệ lụy của tình trạng này là ngành xuất nhập khẩu của đất nước chịu ảnh hưởng nghiêm trọng do không đủ tiền thanh toán. Hàng ngày mỗi người dân nước này chỉ được phép rút khoảng 20 USD tùy thuộc vào số tiền họ tích trữ trong tài khoản ngân hàng. N
hiều người thậm chí đã phải ngủ qua đêm tại các ngân hàng để có thể rút tiền sớm bởi họ đã mất niềm tin vào hệ thống tài chính.
Bitcoin không cứu được Zimbabwe
Để đối phó với tình trạng lạm phát trên, ngân hàng trung ương nước này đã phát hành phiếu ghi nợ có giá trị tương đương đồng USD nhưng hầu hết những nhà cung cấp quốc tế đều từ chối sử dụng chúng hoặc nếu có cũng chỉ chấp nhận 50% giá trị.
Trước tình hình này, đồng tiền ảo bitcoin là sự lựa chọn hiệu quả đối với người dân cũng như những công ty xuất nhập khẩu và lẽ dĩ nhiên, nhu cầu tăng lên trên thị trường này đã đẩy giá bitcoin cao hơn so với thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, bitcoin cũng thể giải quyết hết được tình trạng khó khăn ở Zimbabwe hiện nay. Giá các nhu yếu phẩm đang tăng dần lên bất chấp việc chính phủ sử dụng đồng USD hay có sự tham gia của bitcoin.
Nguyên nhân chính là các nhà máy dần thiếu nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất do không đủ tiền thanh toán đúng hạn. Trong khi đó, những nhà bán lẻ tại đây thì từ chối các đồng tiền ảo mà chỉ chấp nhận đồng USD, qua đó gây khó khăn cho người dân.
Gần đây, Zimbabwe đã phải cấm nhập khẩu hoa quả cũng như rau xanh nhằm tiết kiệm nguồn ngoại hối của mình, qua đó làm khan hiếm hơn các nhu yếu phẩm trên thị trường.