Giá bất động sản ngang ngửa một số tuyến phố tại trung tâm Hà Nội
Nhờ có những lợi thế "trời ban" như khí hậu mát mẻ quanh năm và cảnh đẹp hùng vĩ ẩn hiện trong sương mờ giúp Thị xã Sa Pa (Lào Cai) phát triển tốt về du lịch. Đặc biệt, tháng 9/2014 cao tốc Hà Nội - Lào Cai được đưa vào sử dụng giúp thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Lào Cai giảm một nửa. Nhờ đó, du lịch tại Sa Pa nhiều năm nay thu hút được lượng khách lớn cả trong và ngoài nước tới.
Cùng với sự tăng trưởng du lịch, giá bất động sản tại Sa Pa luôn có mức giá neo cao, thậm chí dù có tiền cũng khó mua. Ghi nhận thực tế, các mảnh đất có vị trí ngoài trung tâm Thị xã Sa Pa mức giá bán hiện tại khoảng 50 - 100 triệu đồng/m2. Cá biệt, các vị trí đất vàng như phố Cầu Mây có thể lên tới 230 - 250 triệu đồng/m2, tại phố Xuân Viên giá cao nhất đạt 250 - 260 triệu đồng/m2…
Đơn cử, một khách sạn tại phố Cầu Mây, có diện tích 200m2, đã được xây dựng 5 tầng, trong đó có 22 phòng kinh doanh đang được rao bán với mức giá 50 tỷ đồng, tương đương 250 triệu đồng/m2.
Hay một khách sạn tại đường Mường Hoa có diện tích 282m2 đã được xây dựng gồm 60 phòng kinh doanh đang được rao bán với mức 110 tỷ đồng, tương đương 390 triệu đồng/m2.
Nếu so sánh giá bất động sản tại khu trung tâm Thị xã Sa Pa như Cầu Mây, Xuân Viên thì đã ngang ngửa, thậm chí cao hơn giá ở một số tuyến phố sầm uất của Hà Nội ở khu vực Hà Đông, Thanh Xuân, hay Hoàng Mai.
Theo anh Trung Dũng, môi giới bất động sản tại khu vực cho biết, trong 7 - 8 năm trở lại đây, Thị xã Sa Pa được “thay da đổi thịt”, du khách từ các nơi đổ về nghỉ ngơi, tham quan du lịch. Từ đó, tạo nên tiềm năng kinh doanh cho khu vực này, khiến giá bất động sản liên tục tăng cao.
“Các khu vực như Cầu Mây, Xuân Viên luôn có mức giá cao ngất ngưởng. Thời gian dịch bệnh diễn ra, một số khách sạn vì không làm ăn được đã phải rao bán. Khi đó, mức giá bán cao nhất được ghi nhận còn lên tới 400 triệu đồng/m2”, anh Dũng nói.
Lượng giao dịch ít nhưng giá không giảm
Tuy nhiên, theo người môi giới này, đến nay dịch bệnh đã được kiểm soát, du khách thập phương tới ngày càng đông, ít có người bán lại khách sạn, mặt bằng kinh doanh,... Nếu có cũng chỉ từ những nhà đầu tư “ngộp” tài chính, song giá vẫn không rẻ đi.
Anh Dũng còn khẳng định chắc nịch: “Thời điểm này, cầm 20 tỷ đồng vẫn khó mua được bất động sản ưng ý tại khu vực trung tâm Thị xã Sa Pa. Nguyên nhân là do không có người bán lại. Trường hợp có người đồng ý bán thì giá cũng rất cao và diện tích khá rộng”.
Do hiếm có người bán nên lượng giao dịch bất động sản tại trung tâm Thị xã Sa Pa duy trì ở mức thấp. Bên cạnh đó, dù thị trường bất động sản chung đang duy trì nhịp độ trầm lắng, nhưng giá địa ốc tại Thị xã Sa Pa ít bị ảnh hưởng nên vẫn neo cao ở hiện tại.
Vì quỹ đất tại các khu vực trung tâm khan hiếm nên một số nhà đầu tư chuyển hướng lựa chọn mua tại khu vực các bản. Song, dù chỉ là đất nông nghiệp, rừng nhưng mức giá cũng lên tới hàng chục triệu đồng mỗi m2.
Theo chị Nguyễn Mai, môi giới bất động sản tại khu vực Thị xã Sa Pa, hiện nay nhiều nhà đầu tư bỏ qua khu vực trung tâm Thị xã mà quan tâm tới khu vực các bản làng với mục đích xây dựng homestay kinh doanh. Tuy nhiên, đất tại các bản làng chủ yếu là đất nông nghiệp, rừng sản xuất nên giao dịch chỉ bằng hình thức viết tay, lập vi bằng.
Thực tế, việc đầu tư vào bất động sản chưa hoàn chỉnh pháp lý có thể gây ra nhiều rủi ro cho người mua. Do đó, người mua cần cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi “xuống tiền”.