Liệu bán vũ khí khắp thế giới sẽ giúp "Nước Mỹ vĩ đại lần nữa"?
Ngày 10/7, tờ Bloomberg dẫn nguồn từ Nhà Trắng đưa tin Bộ Quốc phòng Qatar cam kết mua các hệ thống phòng không NASMS và MIM-104 Patriot của Raytheon.
Cam kết được đưa ra chỉ một ngày sau cuộc gặp của Emir (nguyên thủ quốc gia) Qatar Tamim bin Hamad Al Thani và Tổng thống Mỹ Donald Trump và chỉ vài ngày sau hợp đồng cung cấp xe tăng M1A2T và tên lửa Stinger cho Đài Loan.
Hệ thống phòng không NASAMS
Các nhà sản xuất vũ khí Mỹ đã thống trị thương mại vũ khí toàn cầu trong nhiều thập kỷ. Họ đã chiếm khoảng 1/3 số lượng và hơn 50% giá trị của tất cả doanh số xuất khẩu vũ khí toàn cầu.
Chính quyền của TT Trump đã định hướng lại chính sách bán vũ khí của Mỹ bằng việc quảng bá các mặt hàng có "giá trị lớn" như máy bay tàng hình F-35, xe tăng M1A2 và hệ thống phòng thủ tên lửa trên khắp thế giới.
Theo tuyên bố của ông Trump, việc thương mại vũ khí tăng lên sẽ tạo thêm nhiều việc làm trong chính nước Mỹ. Nhưng điều này rõ ràng ảnh hưởng đến tình hình nhân quyền toàn cầu.
Bằng chứng về vấn đề này có thể được nhìn thấy khi Cựu Tổng thống Obama đình chỉ bán vũ khí cho Nigeria, Bahrain và Arab Saudi.
Việc nối lại cung cấp vũ khí của chính quyền Trump cho ba nước nói trên đã làm gia tăng các hành động bạo lực nhằm vào người biểu tình ở cả ba nước và làm kéo dài và đẫm máu hơn cuộc xung đột ở Yemen.
Tuy nhiên, cái chết và sự hủy diệt hóa ra không hẳn là công cụ tạo ra thêm nhiều việc làm hiệu quả tại Hoa Kỳ. Chi tiêu quân sự chỉ tạo ra số lượng việc làm trên mỗi USD ít hơn đáng kể so với hầu hết các loại đầu tư khác.
Thực tế là việc làm lại được gia tăng ở các cơ sở liên danh ở nước ngoài, đặc biệt là các thỏa thuận chia sẻ quá trình sản xuất với các quốc gia mua vũ khí như Italia, Nhật Bản, Arab Saudi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE và các đồng minh khác của Hoa Kỳ.
Bom dẫn đường bằng laser GBU-12 Paveway II là vũ khí gây thương vong lớn cho thường dân Yemen nay đã được lắp ráp tại Arab Saudi trong một liên doanh với các nhà thầu Hoa Kỳ.
Để lấy một ví dụ, một trong những mục tiêu của kế hoạch cải cách kinh tế của Arab Saudi được công bố vào năm 2017 là đảm bảo rằng đến năm 2030, một nửa giá trị vũ khí mua sắm sẽ được sản xuất trong nước.
Các công ty Mỹ đã cạnh tranh nhau và thành lập các chi nhánh tại thủ đô Riyadh của Saudi và dưới sự chấp thuận của chính phủ, họ bắt đầu lắp ráp máy bay trực thăng quân sự, tên lửa tấn công ở đó.
Đối với hầu hết người Mỹ, đây là những câu hỏi nghiêm túc về lợi ích kinh tế của việc bán vũ khí ở nước ngoài và ý nghĩa của câu tuyên ngôn của ông Trump: "Nước Mỹ vĩ đại lần nữa".
Nhưng đối với các nhà sản xuất vũ khí đang tìm cách tăng doanh số và lợi nhuận, thì cách tiếp cận của ông Trump đã thành công rực rỡ. Và dường như, đó chỉ là khởi đầu.
Kết quả của 4 năm can thiệp của Liên minh do Arab Saudi dẫn đầu tại Yemen: Phá hủy phần lớn nhà ở và cơ sở hạ tầng, Hàng triệu người dựa vào viện trợ để tồn tại, 50% dịch vụ chăm sóc sức khỏe không còn hoạt động hoặc chỉ hoạt động một phần, 1.5 triệu trẻ em không được đi học.
Vũ khí hủy diệt hàng loạt "chậm" của ông Trump
Doanh số khổng lồ của hàng trăm xe tăng, máy bay trực thăng và máy bay chiến đấu tàng hình thực sự là một kỳ quan nghiệt ngã của thế giới hiện đại.
Tuy nhiên, một mối nguy hiểm tiềm tàng trong việc tăng trưởng thương mại vũ khí thậm chí còn nhận được ít quan tâm hơn so với việc bán các mặt hàng giá trị lớn đó là xuất khẩu vũ khí hạng nhẹ, đạn dược và các trang thiết bị liên quan.
Những người ủng hộ kiểm soát vũ khí toàn cầu đã gọi những vũ khí hạng nhẹ như súng trường tấn công và súng ngắn là những vũ khí hủy diệt hàng loạt "chậm" vì chúng là những thứ được sử dụng trong số 40 cuộc xung đột vũ trang hiện đang diễn ra trên toàn thế giới.
Các vũ khí hạng nhẹ đã chịu trách nhiệm cho gần một nửa trong số khoảng 200.000 cái chết hàng năm cả trong và ngoài khu vực xung đột. Chúng bao gồm súng bắn tỉa và súng trường tấn công AR-15/M-16, thứ vũ khí được ưa thích trong các vụ giết người hàng loạt xảy ra ở Mỹ.
Một kho vũ khí gồm súng trường tấn công AK/AR-15/M-16, súng bắn tỉa Barrett M50 của băng đảng Los Zetas gần biên giới Mỹ-Mexico.
Và chính quyền của ông Trump hiện đang giúp các nhà sản xuất của Mỹ dễ dàng hơn nhiều trong việc thúc đẩy các cuộc chiến nói trên diễn ra trên toàn thế giới.
Dưới thời ông Trump, vũ khí Mỹ đã trở nên dễ tiếp cận hơn đối với các băng đảng vũ trang, băng đảng ma túy và các tổ chức khủng bố.
Ông Trump thậm chí đã loại bỏ vai trò của Quốc hội phải nhận được thông báo trước các thỏa thuận vũ khí lớn bằng cách chính sách "khẩn cấp", đây được coi là "lỗ đen" vũ khí của mọi thời đại.
Việc vô hiệu hóa Quốc hội sẽ có nghĩa là các quốc gia như Mexico, Philippine, Thổ Nhĩ Kỳ và UAE, cũng như các quốc gia Trung Mỹ khác sẽ dễ dàng tiếp cận với nhiều loại súng của Mỹ hơn trước.
Và điều đó có nghĩa là vũ khí do Mỹ cung cấp sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các cuộc chiến tàn khốc như ở Yemen và nhiều khả năng sẽ rơi vào tay những nhóm dân quân địa phương, các biệt đội tử thần và băng đảng ma túy.
Và hãy nhớ cho, chính sách xuất khẩu súng của Mỹ không phải được khai sáng từ thời kỳ ông Trump nắm quyền, chúng đã tàn phá ở các nước láng giềng từ lâu.
Trong các cuộc điều tra tội phạm ở 15 quốc gia Tây bán cầu năm 2014 và 2016, điều đáng kinh ngạc là 50.000 khẩu súng do Mỹ sản xuất đã được phát hiện và thu hồi.
Băng ma túy Los Zetas trớ trêu thay lại thành lập từ một nhóm lực lượng đặc biệt Mexico được Hoa Kỳ huấn luyện để chống tội phạm ma túy
Trong khi ông Trump luôn nói về bức tường biên giới giữa Mỹ-Mexico và tội phạm có vũ trang có thể thâm nhập Hoa Kỳ, ông đã bỏ qua việc xuất khẩu bạo lực theo hướng ngược lại bằng súng hợp pháp và bất hợp pháp từ Mỹ sang Mexico và Trung Mỹ.
Nói tóm lại, Hoa Kỳ đã vũ khí hóa một cách hiệu quả cả mạng lưới tội phạm có tổ chức và lực lượng an ninh cứng rắn ở các quốc gia đó.
Nói cách khác, vũ khí Mỹ đóng một vai trò quan trọng trong việc một số lượng đáng kể dân thường vô tội thiệt mạng ở các quốc gia đó, làm tăng áp lực lên các gia đình phải tìm đường đến Hoa Kỳ để tìm kiếm một nơi an toàn hơn.
Đề xuất mới của Trump có khả năng sẽ khiến tình hình này trở nên tồi tệ hơn rất nhiều và bức tường lớn của ông sẽ phải phát triển lớn hơn nữa.
Tuy nhiên, kế hoạch của ông Trump là tin tốt cho những người lính đánh thuê như Blackwater, nhà thầu tư nhân mà nhân viên của họ đã giết 17 thường dân ở Baghdad trong một vụ việc khét tiếng năm 2007.
Nhân viên của Black Water tham chiến bên cạnh lính Mỹ ở Iraq
Các công ty như vậy sẽ có thể đào tạo lực lượng quân sự nước ngoài mà không cần xin giấy phép từ Bộ Ngoại giao, cho phép họ hoạt động ở những nơi đang xung đột như ở Libya.
Trong một bầu không khí chính trị bị chi phối bởi một vị Tổng thống thất thường và một Quốc hội với số lượng lớn thành viên là những nhà sản xuất súng, thực tế này được cho là khó có thể đảo ngược
Trong thời gian chờ đợi một "tia hi vọng" nào đó, chào mừng bạn đến với thế giới súng đạn của Mỹ và bắt đầu nghĩ về ông Donald Trump với tư cách là tổng tư lệnh, người vũ trang và đẩy chúng ta ra chiến trường.
Tác giả William Hartung là giám đốc của Dự án Vũ khí và An ninh tại Trung tâm Chính sách Quốc tế và là tác giả của cuốn sách "Tiên tri Chiến tranh: Lockheed Martin và Khu liên hợp Công nghiệp-Quân sự".
Nhật Bản đưa máy bay tàng hình F-35 sản xuất trong một liên doanh với Mỹ vào trang bị từ năm 2018.