Đó là cuộc sống bên trong bộ lạc Mosuo, một tộc người gốc Tây Tạng đang cư trú tại thung lũng dưới chân dãy Himalayas, thuộc địa phận tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Được biết, họ đều theo tín ngưỡng Phật giáo và là dân tộc thiểu số duy nhất theo chế độ mẫu hệ còn sót lại ở quốc gia này.
Phụ nữ Mosuo được quyền quyết định mọi vấn đề lớn nhỏ trong cuộc sống.
Đối với người Mosuo, phụ nữ sẽ có quyền quyết định mọi vấn đề quan trọng, bao gồm việc kiểm soát tài chính, sở hữu đất đai hay nuôi nấng trẻ nhỏ.
Do không tin vào khái niệm hôn nhân nên phái yếu ở đây thường "qua đêm" với rất nhiều bạn tình khác nhau.
Còn nam giới chỉ đóng vai trò như những người "hiến tinh trùng" và chẳng bao giờ được tham gia vào quá trình dạy bảo con cái, cho dù đó là máu mủ ruột già của mình.
Đứng đầu mỗi gia đình là một "nữ tướng" lớn tuổi nhất.
Khi muốn "truyền ngôi" cho con cháu trong nhà, bà sẽ trao cho thế hệ tiếp theo chiếc chìa khóa nhà kho - nơi chứa lương thực cùng các nhu yếu phẩm cần thiết rồi mới thông báo cho mọi người về việc chuyển giao quyền lực này.
Bộ lạc Mosuo cũng rất thân thiện với du khách bốn phương.
Nhưng liệu cuộc sống của hơn 40.000 người thuộc bộ lạc Mosuo có thực sự tuyệt vời như bạn vẫn nghĩ, và nó có thể còn tồn tại khoảng bao nhiêu lâu trong dòng chảy xã hội hiện đại tại Trung Quốc?
Bà Choo Waihong, một nhà hoạt động vì nữ quyền người Singapore gốc Hoa đã đặt chân tới đây để tìm hiểu điều đó.
Nơi phụ nữ thoải mái "tình một đêm" mà không bị kỳ thị
Được biết đến với cái tên khác là "Vương quốc phụ nữ", những con người thuộc bộ lạc Mosuo đã cùng nhau sinh sống và gìn giữ truyền thống bản địa suốt hơn 2.000 năm qua.
Bà Waihong cũng sớm nhận ra những đứa trẻ tại đây chỉ sống dưới sự nuôi nấng, bao bọc và chở che từ họ hàng đằng ngoại.
"Trẻ em Mosuo đều lớn lên như vậy. Còn cha ruột của chúng phải về phụng dưỡng mẹ đẻ cùng các chị em gái trong nhà".
Ngoài ra, do từng sống dưới sự gia trưởng của người cha độc đoán, từng làm việc tại môi trường công sở với hàng loạt quy định có lợi cho nam giới nên bà Waihong cũng rất yêu thích sự phân tầng xã hội của bộ lạc này.
"Tôi và cha đã từng cãi nhau rất nhiều, đơn giản vì ông là một người vô cùng gia trưởng và còn đứng đầu một gia đình gốc Hoa truyền thống tại Singapore. Đồng thời, tôi luôn rơi vào tình thế bất lợi khi công tác ở nơi công sở".
Mặc dù đàn ông Mosuo vẫn có thể đưa ra ý kiến cá nhân trong những vấn đề quan trọng, song quyết định cuối cùng vẫn thuộc về người phụ nữ đứng đầu – thường là mẹ hoặc chị của các thành viên khác.
Nếu tôn thờ chế độ nữ quyền, chắc hẳn bạn sẽ rất yêu thích nơi đây vì phụ nữ luôn được đối xử bình đẳng như bao người khác.
Trong mắt những du khách tới đây thăm thú, có lẽ xã hội người Mosuo là một cộng đồng "dị thường" khi tình trạng bà mẹ đơn thân đang ngày một tràn lan.
Họ chỉ ngủ chung với nhau như tình một đêm, hoặc cũng có thể là một mối quan hệ thân mật hơn và thậm chí là trở thành cặp tình nhân thực sự.
"Sinh con mà không hề cưới xin vẫn được coi là một điều bất bình thường trong xã hội Trung Quốc. Nhưng trong mắt người Mosuo thì hôn nhân mới là khái niệm khó hiểu nhất.
Tất cả đều tồn tại theo cách thức hoàn toàn khác biệt", bà Waihong chia sẻ.
Phụ nữ Mosuo cũng không cần biết cha đẻ của đứa trẻ là ai, bởi chúng sẽ được chăm sóc rất cẩn thận bởi họ hàng đằng ngoại của mình.
"Đàn ông Mosuo thực sự tôn thờ theo tư tưởng nữ quyền. Trẻ em trai sẵn sàng đảm nhiệm việc chăm sóc và đem theo em gái của mình đi khắp nơi.
Có lần tôi đã phải đứng đợi một người đàn ông lớn tuổi thay tã cho 2 bé gái sinh đôi trước khi chịu nói chuyện với tôi", bà Waihong kể.
Xã hội tôn thờ sự độc thân
Sau lần tới thăm đầu tiên, bà Waihong dần cảm thấy gắn bó với xã hội người Mosuo. Bà đã xây một căn nhà tại làng của người Mosuo và thường xuyên bay từ Singapore tới đây khoảng vài tháng mỗi năm.
"Tôi quá quen với việc bay qua, bay lại giữa Singapore và hồ Lugu. Tôi còn nhận một cô gái tên Ladzu và một chàng trai tên Nongbu làm con nuôi của mình. Chúng dạy tôi cả ngôn ngữ riêng biệt của bộ lạc Mosuo".
Do không tồn tại hôn nhân, ràng buộc xã hội hay vấn đề tài chính nên đàn ông và phụ nữ ở đây chỉ ở bên nhau nếu thực sự yêu nhau hoặc cảm thấy thoải mái khi được gần gũi với người kia mà thôi.
Và điều này khiến bà Waihong - một người phụ nữ không chồng luôn tỏ ra vui vẻ như đang ở nhà vậy.
Mọi người thuộc bộ lạc Mosuo đều phải có trách nhiệm chăm sóc người già và trẻ nhỏ trong làng.
"Hầu hết tất cả phụ nữ Mosuo đều độc thân. Tôi thường xuyên được những người bạn mời đi ăn tối và họ cũng hối thúc tôi tìm kiếm cho mình một người bạn tình thuộc bộ lạc Mosuo".
Chính vì cuộc sống luôn xoay quanh chế đô nữ hệ nên việc làm mẹ là một điều hiển nhiên đối với phụ nữ Mosuo. Đó cũng là mục tiêu lớn nhất mà mỗi cô gái Mosuo trẻ phải đạt được trong đời.
Bà Waihong nhấn mạnh: "Họ đều mong muốn được làm mẹ, và chỉ được coi là hoàn thiện nếu trở thành một người mẹ thực sự.
Nếu không thể sinh con hay chỉ sinh được con trai thì người phụ nữ sẽ tiến hành nhận một bé gái khác làm con nuôi.
Với tư cách của một người chưa có con, tôi cảm thấy mình đang được họ thương hại. Tuy nhiên, họ quá lịch sự để nói thẳng điều đó với tôi".
Đây là một khía cạnh khiến cho dư luận cảm thấy xã hội người Mosuo vô cùng lạc hậu so với quan điểm hiện đại, khi mà người phụ nữ vẫn phải đảm nhiệm thiên chức "máy đẻ" của mình và trở thành bà nội trợ có quyền "sinh sát" trong tay.
Bà Waihong cũng thực sự không thoải mái với điều này lắm: "Con gái nuôi Ladzu năm nay mới 22 tuổi, thế nhưng nó đã làm mẹ được vài năm rồi. Tôi cảm thấy vô cùng đáng tiếc".
Tồn tại đến bao giờ?
Kể từ lúc khu vực này bắt đầu được đầu tư phát triển du lịch vào năm 1990 với những con đường nhựa cùng hệ thống sân bay hiện đại, cuộc sống truyền thống đang dần trở nên lạc hậu trong mắt thế hệ trẻ tại đây.
Hơn một nửa số phụ nữ dưới 30 tuổi tại đây đã bắt đầu chung sống bên cạnh người mình yêu. Thậm chí, con gái nuôi của bà Waihong cũng cưới một người đàn ông gốc Hán và đang sống bên cạnh chồng con trong một căn nhà riêng ở hồ Lugu.
"Nhiều người dân Mosuo cảm thấy rất bi quan và cho rằng lối sống của họ sẽ hoàn toàn bị thay thế trong vòng 30 năm tới, nhất là khi ngày càng nhiều người trẻ rời đi để học tập. Nhưng tôi lại không nghĩ vậy", bà Waihong khẳng định.
Theo bà thì sau khi tiếp xúc với những mặt trái của lối sống hiện đại, người Mosuo trẻ sẽ nhận ra lối sống truyền thống mới là con đường dẫn tới tương lai, đặc biệt là khi phong trào nữ quyền vẫn đang phát triển mạnh mẽ tại Trung Quốc.