Có một quốc gia có vẻ đẹp tự nhiên nhất trên thế giới, và cũng là một trong những quốc gia ít được ghé thăm nhất. Và có thể sẽ không ai còn cơ hội để được đặt chân đến nơi này bởi nó đang dần biến mất.
Tuvalu là một quốc đảo nằm ở phía tây trung tâm Thái Bình Dương, ngăn cách giữa Australia và Hawaii. Đây là một quốc đảo san hô vòng, có nghĩa là nó nằm trên một rạn san hô hình vòng bao quanh một khu đầm phá với hệ thống đảo chạy dọc theo vành đai.
Quốc gia này là một ốc đảo tuyệt đẹp như "thiên đường trên hạ giới", nhưng hiện đang phải đối mặt với nguy cơ biến mất hoàn toàn khỏi bề mặt Trái đất.
Chín hòn đảo của nó bao gồm sáu đảo san hô nhỏ với dân cư thưa thớt sinh sống và ba hòn đảo đá ngầm với những bãi biển có hàng cọ bao quanh.
Chỉ có khoảng 11.000 người ở đất nước có diện tích chưa đến 26 km2 này, thế nhưng chính họ đã thiết lập được một nền văn hóa và lối sống riêng biệt của mình.
Mặc dù là quốc gia nhỏ nhất chỉ xếp sau Thành phố Vatican, Monaco và Nauru, Tuvalu vẫn có đồng tiền riêng là đồng đô la Tuvalu, và họ cũng sử dụng đồng đô la Úc trong giao dịch hàng ngày.
Người Tuvalu sử dụng tiếng Tuvaluan (có quan hệ họ hàng gần với tiếng Samoa) làm ngôn ngữ mẹ đẻ. Tuy nhiên, ngôn ngữ được dạy trong trường học và được sử dụng rộng rãi vẫn là tiếng Anh.
Phần lớn người dân đảo quốc Tuvalu đến Nhà thờ Tuvalu để thực hành các nghi lễ tôn giáo.
Cuộc sống của người dân trên đảo rất bình yên và lạc quan. Người dân sử dụng phương tiện di chuyển chính là xe máy để di chuyển dọc theo các con đường trên đảo, ngủ trưa trên võng và đốt lửa trại nhảy múa trên bãi biển vào ban đêm.
Thể thao đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày ở Tuvalu. Có thể bắt gặp những người trẻ đạp xe, chơi bóng chuyền, bóng rổ và bóng đá trên đường băng vào những thời điểm không có máy bay cất và hạ cánh.
Những doi cát trắng tinh giữa làn nước biển màu ngọc lam rợp bóng râm với những cây dừa rậm rạp mang đến một khung cảnh tuyệt đẹp để tận hưởng một ngày nhẹ nhàng với nhiệt độ trung bình từ 27-29°C.
Tuvalu là một quốc đảo độc lập trong Khối thịnh vượng chung của Liên hiệp vương quốc Anh. Chúng ta có thể thấy trong ảnh là Nữ hoàng Elizabeth II đến thăm Tuvalu vào năm 1982.
Hoàng tử William và Vương phi Kate Middleton cũng đã đến thăm Tuvalu vào năm 2012. Cả hai đã cùng thưởng thức món nước dừa tươi mát từ cây dừa do Nữ hoàng trồng trong chuyến thăm trước đó vào năm 1982.
Thủ đô của Tuvalu là Funafuti. Đây là một đảo san hô nhỏ có trang bị sân bay làm điểm đến hàng không duy nhất trên đảo. Điểm cao nhất của đảo chỉ cao 4.572 met so với mực nước biển. Có khoảng 1/3 dân số sống ở thủ đô Funafuti.
Tại khu Bảo tồn Funafuti nằm ngoài khơi bờ biển của thủ đô Funafuti có một vùng nước yên tĩnh để người dân và du khách trải nghiệm lặn với ống thở chiêm ngưỡng các loài rùa biển và cá nhiệt đới. Ngoài ra, còn có một số hòn đảo nhỏ không có người ở trở thành địa điểm trú ẩn của nhiều loài chim biển tuyệt đẹp.
Dừa là loài cây phát triển mạnh ở Tuvalu cùng với cây sa kê, dứa dại, khoai môn và chuối. Lợn và gà được nuôi trên đảo, cá và các loài hải sản khác cũng được đánh bắt để làm thức ăn cho cư dân ở đây.
Quốc gia này nằm ở vùng trũng thấp vốn được Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) xếp vào loại "cực kỳ dễ bị tổn thương" trước tác động của biến đổi khí hậu.
Quốc đảo xinh đẹp này đang phải vật lộn để đối phó với các tác động liên quan đến biến đổi khí hậu, chủ yếu là do mực nước biển dâng cao 5mm mỗi năm kể từ năm 1993, cao hơn nhiều so với mức trung bình trên toàn cầu.
Mực nước biển dâng cao gây thiệt hại cho các loại cây trồng khi nước mặn dâng lên, tràn qua đảo san hô trên đất liền và tàn phá các đồn điền trồng khoai môn và sắn.
Nước mặn đầu độc lớp đất nông nghiệp làm cho việc trồng trọt trở nên rất khó khăn. Điều này khiến người dân Tuvalu ngày càng phụ thuộc vào hàng nhập khẩu vốn rất đắt đỏ.
Mực nước biển dâng cao cũng đang gây ra lũ lụt ở quốc gia nằm ở vùng thấp mỗi khi xảy ra triều cường và thủy triều dâng cao. Lũ lụt ảnh hưởng đến nhà cửa tài sản của người dân và đe dọa lối vào đường băng của sân bay.
Cùng với tình trạng nước biển dâng thì nhiệt độ tăng cao cũng là mối đe dọa nghiêm trọng đối với đảo quốc này. Nó làm cho bờ biển của các đảo san hô đang bị xói mòn và thu hẹp vùng đất vốn đã quá nhỏ bé này.
Với hiện tượng biến đổi khí hậu, mức độ nghiêm trọng của lốc xoáy và hạn hán được dự đoán sẽ trở nên tồi tệ hơn, tạo ra sự xói mòn gây nên do sóng đánh vào bờ nhiều hơn với cường độ lớn. Ngoài ra, cây cối bị cuốn ra biển khiến hòn đảo bị cắt xén, càng làm cho nơi này dễ bị lũ lụt và xói mòn hơn.
Tuvalu cũng đang bị ảnh hưởng bởi hiện tượng tẩy trắng san hô do nhiệt độ tăng cao. Điều này có thể gây ngộ độc cho các loài cá sống quanh các rạn san hô bởi chúng ăn phải vi tảo do san hô tẩy trắng thải ra, từ đó gây bệnh cho người dân ăn những loài cá này.
Ở đây chỉ có hệ thống hứng nước mưa và giếng cung cấp nước ngọt, thế nhưng do nước biển dâng cao làm ô nhiễm nguồn cung cấp nước ngầm dưới nước, Tuvalu trở nên hoàn toàn phụ thuộc vào nước mưa được trữ trong các bể thu gom lớn. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đang làm tăng tần suất hạn hán và làm ít đi các cơn mưa.
Nhiều nhà khoa học dự đoán rằng, Tuvalu có thể trở thành nơi không thể ở được trong vòng 50 đến 100 năm nữa hoặc ít hơn nếu mực nước biển tiếp tục tăng với tốc độ như hiện nay. Một số người thậm chí còn nhìn thấy viễn cảnh Tuvalu sẽ trở thành quốc gia đầu tiên biến mất do biến đổi khí hậu.
Trong nỗ lực hạn chế ô nhiễm, bốn trong số các hòn đảo thuộc quốc gia nhỏ bé này đang tận dụng tới 97% năng lượng mặt trời làm nguồn năng lượng chính phục vụ cuộc sống. Chính phủ nước này cũng đang nỗ lực để đạt được 100% năng lượng tái tạo từ gió và mặt trời vào năm 2025.
Tuvalu được cho là đang xem xét việc xây dựng một hòn đảo nhân tạo bằng cách nạo vét và khai hoang đất ở phía nam Fongafale, nâng đất ở đây lên 10m so với mực nước biển để xây dựng nhà ở mật độ cao. Kế hoạch táo bạo này dự kiến tiêu tốn 300 triệu đô la Mỹ, và là nỗ lực của chính phủ Tuvalu nhằm thích ứng với các kiểu thời tiết thay đổi để có thể có thể tiếp tục tồn tại.
Fiji được cho là đã đề nghị cấp đất cho chính phủ Tuvalu để di dời dân cư của họ về phía nam khoảng 1.200 km, tuy nhiên Tuvalu từ chối sự giúp đỡ này. Cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd cũng từng đề nghị cấp quốc tịch Úc cho người dân Tulavu để đổi lấy quyền hàng hải và nghề cá của đảo quốc này nhưng vẫn chỉ nhận được cái lắc đầu từ chối, kể cả khi ngày càng có nhiều người trẻ tìm đường định cư tại Úc và New Zealand.
Ngược lại, phần lớn dân số lớn tuổi không muốn di chuyển vì họ sợ đánh mất bản sắc, lối sống, văn hóa và giá trị truyền thống của mình.
Nhiều nhà khoa học dự đoán rằng, Tuvalu có thể trở thành nơi không thể ở được trong vòng 50 đến 100 năm nữa hoặc ít hơn nếu mực nước biển tiếp tục tăng với tốc độ như hiện nay. Một số người thậm chí còn nhìn thấy viễn cảnh Tuvalu sẽ trở thành quốc gia đầu tiên biến mất do biến đổi khí hậu.