GenZ dần trở thành thế hệ thận trọng nhất? Dù mới ra trường, vừa đi làm đã phải nhắc bản thân phải cố mua vàng cho bằng được!

NGUYỆT - DESIGN: NGÔ HOÀNG SƠN |

Với họ, mua vàng là hình thức tích lũy tài sản trong dài hạn.

GenZ dần trở thành thế hệ thận trọng nhất? Dù mới ra trường, vừa đi làm đã phải nhắc bản thân phải cố mua vàng cho bằng được!- Ảnh 1.

Từng được mặc định là "thế hệ khum thích vàng", thế nhưng thực tế là ngày càng nhiều GenZ đã quan tâm hơn "bộ môn" kim loại quý này. Chứng kiến sự tăng giá phi mã của vàng trong những năm gần đây, những người trẻ cũng không đứng ngoài làn sóng mua vàng, dù để lướt sóng nhanh hay tích sản lâu dài cũng đều mang lại mức sinh lời ổn định.

Mặt khác, Gen Z mới đi làm, ai mà chẳng nghe vài lần từ ông bà, cha mẹ, rằng: "Năng nhặt thì chặt bị", "Còn cái gì quý hơn vàng ư?...". Đây cũng chính là mẹo tài chính hiệu quả mà thế hệ đi trước truyền lại cho con cháu. Bắt đầu từ những lời rủ rỉ về giá trị của vàng, người trẻ lại càng thích tích lũy kim loại quý này, kỳ vọng không mua được tài sản lớn từ vàng thì ít nhất cũng tiết kiệm được tiền và chống lạm phát.

Nghe lời mẹ đi mua vàng: Kiếm được 10 đồng thì phải biết giữ lại 6-7 đồng

Trâm Anh (SN 1998, Thanh Hóa) - một GenZ điển hình cho biết, từ thời điểm mới ra trường, khi chưa tìm hiểu về đầu tư thì cô nàng đã chọn mua vàng. Nguyên nhân chẳng có gì xa lạ ngoài trừ những lời rủ rê tích tài sản này từ cha mẹ.

Trâm Anh nhớ lại: "Khi mới đi làm, mức lương chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng nên mình chưa nghĩ nhiều về tiết kiệm hay cố gắng mua được tài sản nào đó cho bản thân. Mình từng nghĩ, cứ như thế sống qua ngày, khi nào tăng lương thì tính chuyện học cách quản lý tài chính cá nhân sau.

Chứng kiến mình tiêu xài chưa hiệu quả, mẹ đã dạy mình: 'Con gái kiếm được 10 đồng thì phải biết giữ lại 6-7 đồng. Sau này, con mới có vốn lo cho tương lai hay tự mình mua tài sản riêng trước khi lấy chồng'. Lời nói đó khiến mình không còn 'lương tháng nào thì dùng hết tháng đó nữa', bắt đầu đi vào con đường mua vàng để tiết kiệm".

GenZ dần trở thành thế hệ thận trọng nhất? Dù mới ra trường, vừa đi làm đã phải nhắc bản thân phải cố mua vàng cho bằng được!- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Cho đến nay, Trâm Anh đã dành 4 năm để theo đuổi đam mê mua vàng tích sản. Cô chia sẻ, giờ đây mua vàng đã không chỉ là thói quen mà còn là động lực để phấn đấu đi làm. Bởi tháng nào mà không mua được vàng thì Trâm Anh cảm thấy khó chịu và tự nhủ tháng sau phải mua bù được.

Những ngày đầu mới đi làm, cô chỉ mua được chiếc nhẫn nửa chỉ 3 triệu đồng, cứ thế tăng dần qua thời gian lên 1-2 chỉ vàng. Tần suất mua vàng cũng tăng dần, từ nửa năm mới xuống còn 1-2 tháng là mua thêm vàng. Đỉnh điểm có lúc giá vàng đi xuống, cô còn chi tiền mua liền 3 chỉ vàng cùng lúc.

"Bên cạnh vàng nhẫn và vàng miếng, mình còn mua vàng trang sức như vòng tay, vòng chân. Vàng nhẫn và vàng miếng để bán ngay, còn vang trang sức đeo lấy may trước, sau này dùng để tích lũy và tiết kiệm" , Trâm Anh chia sẻ.

Tháng nào cũng phải trích tiền lương mua vàng

Lâm Phương (24 tuổi, Hà Nội) chia sẻ về động lực mua vàng như một khoản đầu tư phù hợp với tài chính cá nhân: "Chứng khoán đóng băng, bất động sản không phù hợp với người lương ba cọc ba đồng như mình. Do đó, tiền nhàn rỗi thì mình gửi hết vào vàng.

Bên cạnh đó, mình cũng rất ấn tượng trước câu chuyện thế hệ cô chú 'đổi đời' nhờ mua vàng tích sản, sau này đợi thị trường bùng nổ thì bán vàng mua đất và nhà. 20-30 năm sau, nếu nắm một lượng vàng trong tay, dù mình chưa chắc mua được nhà nhưng có lẽ cũng đủ để làm một số việc lớn trong đời rồi".

GenZ dần trở thành thế hệ thận trọng nhất? Dù mới ra trường, vừa đi làm đã phải nhắc bản thân phải cố mua vàng cho bằng được!- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Cô nàng bắt đầu mua vàng từ một năm nay trở lại đây. Tháng nào, cô cũng trích ít nhất 20-30% thu nhập để mua vàng. Mặc kệ giá tăng hay giảm, cô cũng sẽ cố gắng mua thêm nửa phân - 1 chỉ vàng khi nào có đủ tiền.

Lâm Phương nhận định: "Thời buổi kinh tế khó khăn, mọi người càng quan tâm đến vàng hơn vì các khoản đầu tư khác biến động mạnh và sinh lời cao. Còn mình thấy, không chỉ trong thời buổi kinh tế khó khăn mà lúc kinh tế bình thường, vàng cũng là khoản đầu tư lý tưởng. Dù đôi khi giá vàng chững lại, thậm chí sụt giá nhưng về lâu dài, mua chúng luôn có lời".

Vun vén tài chính như thế nào để có tiền mua vàng?

Bàn về câu chuyện mua vàng của mình, cả Lâm Phương và Trâm Anh đều nhận định: Họ đã phải cắt bớt nhiều khoản tiêu dùng, "bớt ăn bớt tiêu" để cuối tháng cầm được vàng về nhà.

Lâm Phương chia sẻ: "Bởi vì mình dành đến ít nhất 20-30% thu nhập để mua vàng nên nhiều khoản tiêu dùng khác đã phải hạn chế và cắt giảm tối đa. Cụ thể hơn là tiền đi chơi, mua quần áo và hẹn gặp bạn bè - đều giảm bớt một nửa so với thời chưa mua vàng.

Đôi khi muốn đi ăn cơm ngoài lắm, nhưng tự nhủ thôi nấu tại nhà để tiết kiệm tiền. Hay có khi muốn đặt ly nước 70-80 ngàn đồng nhưng lỡ dành tiền mua vàng trước rồi nên mình đành 'nhịn mồm'. Nhìn chung, tiết kiệm có chút vất vả nhưng khi mua được vàng về thì thấy xứng đáng".

GenZ dần trở thành thế hệ thận trọng nhất? Dù mới ra trường, vừa đi làm đã phải nhắc bản thân phải cố mua vàng cho bằng được!- Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Còn về phía Trâm Anh, cô nàng chia sẻ nhờ biết cân đối các khoản chi tiêu nên chuyện mua vàng không gây áp lực tài chính. Cụ thể hơn, Trâm Anh luôn tuân thủ nguyên tắc: Trích tiền mua vàng trước - Chi tiêu sau. Cũng vì cố định sẵn một khoản mua vàng và chi tiêu trong tháng nên việc cân đối tài chính cũng không quá khó khăn.

Trâm Anh bày tỏ: "Mình mua vàng, sau đó bán vàng khi có lời. Tiền lời lại được dùng để mua vàng và đầu tư khác. Do lợi nhuận khi đầu tư ổn nên việc xoay vòng dòng tiền không quá khó khăn.

Có lẽ do xuất phát điểm là dân kinh tế và ý thức cần gia tăng thu nhập từ sớm, nên chuyện cân đối tài chính ra sao không quá áp lực với mình. Dù có phải hạ mức sống xuống đôi chút, giảm bớt chuyện ăn chơi mà mua được vàng thì mình cũng vui vẻ trong lòng".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại