Geleximco của doanh nhân Vũ Văn Tiền lần đầu công khai tài chính: Hệ sinh thái từ BĐS, ngân hàng, ô tô… với tổng tài sản gần 30.000 tỷ nhưng lãi chỉ vỏn vẹn 66 tỷ đồng

Tri Túc |

Geleximco là Tập đoàn kín tiếng tại Việt Nam, gắn liền với tên tuổi "đại gia" Vũ Văn Tiền. Tập đoàn vừa gây chú ý khi dậy sóng thông tin đang 'bắt tay' với nhà đầu tư Trung Quốc sản xuất ô tô điện.

Tập đoàn Geleximco – CTCP vừa công bố báo cáo kinh doanh năm 2022 với lợi nhuận giảm mạnh hơn 86% so với năm ngoái, từ 488 tỷ xuống còn 66 tỷ đồng. Tính đến thời điểm 31/12/2022, Geleximco đạt 11.516 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, tăng so với con số đầu kỳ là 11.450 tỷ đồng. Tương ứng, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu của Công ty vào mức 1,43; hệ số dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu là 0,36.

Như vậy, tổng tài sản của Geleximco ở thời điểm cuối năm 2022 vào khoảng 28.000 tỷ đồng với dư nợ trái phiếu hơn 4.100 tỷ đồng.

Geleximco không công bố cụ thể nhưng nhiều khả năng đây chỉ là số liệu của riêng công ty mẹ.

Geleximco là Tập đoàn kín tiếng tại Việt Nam, gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch kiêm người sáng lập Vũ Văn Tiền. Tiền thân là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội, Geleximco ra đời năm 1993 với vốn điều lệ ban đầu chỉ 3 tỷ đồng. Hiện vốn điều lệ của doanh nghiệp này đạt 9.600 tỷ đồng.

 Geleximco của doanh nhân Vũ Văn Tiền lần đầu công khai tài chính: Hệ sinh thái từ BĐS, ngân hàng, ô tô… với tổng tài sản gần 30.000 tỷ nhưng lãi chỉ vỏn vẹn 66 tỷ đồng  - Ảnh 1.

Tập đoàn hiện hoạt động với 5 lĩnh vực chính gồm: Sản xuất công nghiệp, bất động sản, tài chính - ngân hàng, thương mại - dịch vụ, và nông nghiệp công nghệ cao.

Trong đó, bất động sản là mảng mang lại nguồn thu lớn nhất cho công ty mẹ Geleximco và cũng là một trong những mảng hoạt động quan trọng nhất của Tập đoàn.

Một số dự án mang dấu ấn Geleximco phải kể đến Dragon Ocean Do Son (Khu du lịch quốc tế Đồi Rồng) tại Đồ Sơn - Hải Phòng, Khu đô thị thành phố giao lưu trên đường Phạm Văn Đồng, Khu đô thị Gelexia Riverside, Khu đô thị Lê Trọng Tấn (Hà Nội), Khu đô thị Cái Dăm (Quảng Ninh), An Bình Plaza, khu đô thị An Bình City...

Tại lĩnh vực công nghiệp , Geleximco đã và đang đầu tư nhiều dự án lớn như: Nhà máy nhiệt điện Thăng Long (900 triệu USD); Nhà máy sản xuất xi măng Thăng Long (270 triệu USD); Nhà máy sản xuất bột giấy An Hòa và Nhà máy Giấy An Hòa (450 triệu USD).

Ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng , Geleximco là cổ đông sáng lập và đồng sở hữu các đơn vị như: Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank), CTCP Chứng khoán An Bình, CTCP Quản lý quỹ Đầu tư chứng khoán An Bình, Tập đoàn Đầu tư tài chính An Bình...

Trong đó, Geleximco đang nắm 12,8% cổ phần của ABBank, là cổ đông lớn thứ hai sau Malayan Banking Berhad (Maybank). ABBank thuộc nhóm ngân hàng tư nhân cỡ nhỏ trong hệ thống, hiện ông Vũ Văn Tiền nắm giữ vai trò Phó chủ tịch HĐQT.

Trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao , CTCP Nông trường Đông Triều - công ty con thuộc Tập đoàn Geleximco đang tập trung vào 2 ngành nghề chính: Trồng trọt và Chăn nuôi. Công ty chủ yếu trồng cây ăn quả là vải thiều trên diện tích 380ha, một số diện tích trồng khảo nghiệp cây Dược liệu, cây ngắn ngày và trồng rừng. Công ty cũng có đơn vị chuyên chăn nuôi lợn giống Móng Cái.

Đặc biệt, Geleximco cũng là một trong những cổ đông sáng lập của Công ty TNHH Sản xuất Phụ tùng Ô tô Xe máy Honda Việt Nam (VAP) – chủ đầu tư dự án nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô xe máy có tổng vốn đầu tư 90 triệu USD tại Khu công nghiệp Như Quỳnh (Hưng Yên).

Tập đoàn vừa gây chú ý khi dậy sóng thông tin đang 'bắt tay' với nhà đầu tư Trung Quốc sản xuất ô tô điện. Hai bên dự kiến đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô điện hiện đại, có đầy đủ các dây chuyền như: hàn, sơn, lắp ráp và kiểm tra chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ và quy định của pháp luật với trình độ tự động hóa cao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại