Cơ hội cho Việt Nam bắt kịp xu hướng thế giới
Trong 2 ngày diễn ra Diễn đàn, nhiều hoạt động hội nghị, hội thảo với các vấn đề tập trung đánh giá tình hình tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) của Việt Nam và phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chủ động tham gia CMCN 4.0 trong thời gian tới.
Trong phát biểu tại hội thảo “Chuyển đổi số ngành sản xuất hướng tới sản xuất thông minh”, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương Triệu Tài Vinh cho biết: “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được hình thành trên nền tảng cải tiến của cuộc cách mạng số, với những công nghệ mới như in 3D, robot, trí tuệ nhân tạo, Internet of Things, S.M.A.C, công nghệ nano, sinh học, vật liệu mới... với tốc độ nhanh, quy mô rất lớn, tạo ra những thay đổi sâu, rộng trong mọi lĩnh vực, định hình lại cấu trúc kinh tế của mỗi quốc gia; nhiều ngành nghề truyền thống sẽ triệt tiêu và thay vào đó là các mô hình kinh doanh mới.
Do vậy, các chủ trương, chính sách cần phải định hướng theo yêu cầu cung cấp dịch vụ (O2O, Online To Offline - Từ trực tuyến đến ngoại tuyến)…
Hiện tại cả thế giới đang ở trong giai đoạn đầu; tại thời điểm gia tăng tốc độ của cuộc cách mạng này. Đây là thời điểm cho các nước đang phát triển tiến đến để theo kịp với xu hướng thế giới và mở ra bước ngoặt mới cho sự phát triển của con người”.
Đánh giá của Ban Kinh tế trung ương cho biết, tác động của CMCN 4.0 ngày càng mạnh mẽ trên tất cả các phương diện, cả tích cực và tiêu cực. Song thực tế, phản ánh của các doanh nghiệp Việt Nam cho thấy dường như chúng ta mới “mon men” ngoài rìa của cuộc chơi đẳng cấp thế giới này.
Bà Phạm Thị Hương - Giám đốc Công ty CP Chế tạo máy Autotech Việt Nam nhận định: Tại Việt Nam, chỉ một số doanh nghiệp lớn (kể cả doanh nghiệp FDI), có tiềm lực tài chính cực mạnh mới bắt đầu xây dựng mô hình nhà máy thông minh. Các doanh nghiệp nhỏ, tới lúc này, mới chỉ chập chững bước vào CMCN 3.0, đó là tự động hóa.
Rõ ràng, để đến được với 4.0 chúng ta phải đẩy nhanh quá trình tự động hóa bởi đây là mảnh ghép quan trọng trong cuộc CMCN 4.0. Thế nhưng, vì là doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực kinh tế kém nên tài chính không đủ để thúc đẩy tự động hóa, bởi vậy “chi phí tài chính là vấn đề lớn nhất.
Trong khi đó, ông Oda Ryohei - Trưởng bộ phận Chuyển đổi số của Abeam Consulting Việt Nam đánh giá không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia đang phát triển trên thế giới đang gặp phải chính là việc lập kế hoạch.
“Chuyển đổi số đòi hỏi sự hợp tác của tất cả các bên chứ không chỉ riêng lĩnh vực công nghệ. Việc chuyển đối số không có kế hoạch dẫn tới sự manh mún, thiếu liên kết hoặc mới chỉ ở dạng ý tưởng , thí điểm, không có sự hậu thuẫn tổng thể nên ý tưởng không thể trở thành hiện thực.
Số hóa cần cả công nghệ của IT, của khối nghiệp vụ và chiến lược phát triển của lãnh đạo” - ông Oda nói.
Giải bài toán hóa giải các nguy cơ
Kết luận bài phát biểu của mình về vấn đề tự động hóa - rô bốt là yếu tố cốt lõi định hình ngành công nghiệp 4.0, TS. Trương Hoàng Linh - Giám đốc kỹ thuật Quốc gia của ABB Việt Nam đã sử dụng một đoạn clip một cánh tay rô bốt đang tự động bốc dỡ, sắp xếp hành lý từ băng chuyền lên xe chở hành lý trong sân bay.
Cả quá trình chỉ cần duy nhất 1 nhân công với 1 công việc: lên xe chở ra máy bay và ngược lại. “Hiệu quả cao hơn, chất lượng tốt hơn, nhân lực ít hơn. Tóm lại, sản xuất được nhiều nhất nhưng tiêu tốn ít nhất chính là mục tiêu của CMCN 4.0” - ông Linh khẳng định.
Rõ ràng, cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ và ảnh hưởng tới nền kinh tế của toàn thế giới.
Cả thế giới đều phải thừa nhận, rủi ro và các nguy cơ tiềm ẩn từ CMCN 4.0 là lớn. Nhưng chúng ta không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải song hành và chế ngự và tiến bộ cùng công nghệ bởi nếu không tham gia, thiệt hại còn lớn hơn gấp nhiều lần.
Đối với Việt Nam, báo cáo của Viện nghiên cứu Quản lý Trung ương đánh giá CMCN 4.0 tác động tới nhiều mặt của nền kinh tế và các ngành kinh tế. Theo đó, về mặt lợi ích, dự báo tới năm 2030, CMCN 4.0 có thể thúc đẩy GDP của Việt Nam tăng thêm khoảng từ 7 - 16% (tương đương với 28,5 - 62,1 tỉ USD).
Cùng với việc tăng hiệu quả kinh tế thì khả năng sẽ có tới từ 2,9 - 3,7 triệu người thất nghiệp - chủ yếu là các lao động phổ thông (tương đương với 73% việc làm bị mất), nhiều ngành nghề khác như thợ thủ công, công nhân, lao động nông nghiệp cũng bị ảnh hưởng mất việc làm ở tỉ lệ từ 5 - 17%.
Tín hiệu đó cho thấy những bài toán nan giải để đảm bảo an sinh và ổn định xã hội, dù cho sự tăng trưởng doanh thu sẽ góp phần bù đắp cho tình trạng mất việc làm và có thể tạo ra từ 1,3 triệu - 3,1 triệu việc làm mới.
Đồng thời, song song với sự ảnh hưởng tới nền kinh tế, CMCN 4.0 cũng tác động tới nhiều ngành kinh tế khác.