Gãy xương chân hay gãy chân là tình trạng các xương ở chân bị nứt hoặc gãy, xảy ra khi một người bị tai nạn hoặc té ngã.
Khi xương chân, xương cẳng chân bị gãy sẽ làm chảy máu và kéo theo đó là quá trình viêm diễn ra. Thông thường, máu chảy đến phần xương bị gãy và cũng tại vị trí đó bị viêm, đông máu. Đây là cơ chế tự nhiên của cơ thể giúp tái tạo, hình thành xương mới, chữa lành cũng như lấp đầy phần xương gãy.
Sau khi bước qua giai đoạn viêm sẽ đến giai đoạn tự sửa chữa của xương, cụ thể hơn là vùng xương bị gãy. Ở giai đoạn này, các cục máu đông còn sót lại sau quá trình viêm sẽ dẫn được thay thế bằng các mô sợi mới và sụn để hình thành xương sau đó.
Tái tạo xương là giai đoạn cuối cùng trong quá trình điều trị xương chân gãy. Lúc này, xương sẽ bắt đầu quá trình tái tạo lại hình dạng ban đầu cũng như khả năng chịu lực, vận động, cử động, khả năng lưu thông máu.
Theo Medlatec, rất khó để đưa ra câu trả lời cụ thể cho thắc mắc gãy xương chân bao lâu thì lành, vì quá trình lành xương còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chẳng hạn như tuổi tác, mức độ tổn thương, vị trí gãy hay sức khỏe của người bệnh.
Đối với trẻ em bị gãy xương thì thời gian liền xương thường nhanh hơn người lớn, đồng thời khả năng phục hồi cũng diễn ra nhanh hơn vì xương của trẻ đang trong giai đoạn phát triển và xương có khả năng tái tạo tốt. Trung bình khoảng 2 đến 3 tháng, xương bị gãy của trẻ có thể liền trở lại.
Thông thường, trường hợp người trưởng thành bị gãy xương chân sẽ cần khoảng 3 đến 4 tháng để phục hồi và đi lại bình thường. Những người gãy xương cẳng chân thì thời gian liền xương có thể lâu hơn, đồng thời cũng cần tập luyện nhiều hơn.
Tuy nhiên nếu người bị gãy xương mắc phải các bệnh lý mạn tính như bệnh loãng xương, bệnh phổi, bệnh tiểu đường, quá trình liền xương cũng có thể kéo dài hơn.