NASA mới đây đã công bố kế hoạch khám phá bề mặt vệ tinh lớn nhất của Sao Thổ là Titan. Theo đó, một tàu thám hiểm tự động có tên Dragonfly sẽ được đưa lên Titan để làm nhiệm vụ thu thập và đo đạc các yếu tố, từ đó tìm kiếm dấu vết của sự sống.
Titan được đánh giá là giống với Trái đất nhất trong hệ mặt trời. Một số nghiên cứu trước đây trong nhiệm vụ Cassini từng chỉ ra, Titan có một số yếu tố có thể khiến sự sống trỗi dậy.
Là một phần trong chương trình Những Biên giới Mới của NASA, Dragonfly sẽ chính thức được phóng đi vào năm 2026 và dự kiến sẽ tới Titan vào năm 2034.
Titan được đánh giá là giống với Trái đất nhất trong hệ mặt trời (ảnh: dailymail)
Ralph Semmel, một giám đốc tại NASA cho hay: "Dragonfly là một cách đặc biệt, mang tính thay đổi để khám phá hệ mặt trời".
"Sứ mệnh này là một tầm nhìn kết hợp giữa sáng tạo và sẵn sàng chấp nhận rủi ro về mặt công nghệ và có thể giúp chúng ta làm sáng tỏ một số bí ẩn quan trọng nhất của thiên hà, bao gồm cả những chìa khóa về nguồn gốc loài người".
Đầu tiên, Dragonfly sẽ hạ cánh xuống một khu vực xích đạo có tên là cánh đồng đụn cát "Shangri-La" – từng được so sánh với các đụn cát Namibia ở nam Phi trên Trái đất.
Sau đó, nó sẽ thực hiện các bước "nhảy cóc" với khoảng cách 8 km/bước, tiến tới các khu vực khác; có dừng giữa chừng để thu thập mẫu vật.
Theo kế hoạch, Dragonfly sẽ có mặt tại hố va chạm Selk, nơi các nhà khoa học đã phát hiện thấy dấu vết của chất lỏng giống với nước, các phân tử hữu cơ và năng lượng – tất cả những yếu tố hình thành nên sự sống.
Titan là vệ tinh lớn nhất trong số 62 vệ tinh của Saturn và cách Mặt trời khoảng 1,4 tỷ km. Theo NASA, nhiệt độ bề mặt của Titan là -179 độ C, với áp suất khí quyển bề mặt cao hơn Trái đất khoảng 50%.
"Khám phá nơi này có thể tạo ra cuộc cách mạng đối với những gì chúng ta biết cách sự sống hình thành trong vũ trụ", Jim Bridenstine, một lãnh đạo của NASA nhấn mạnh. "Sứ mệnh Drafonfly chỉ vài năm trước còn là điều không tưởng nhưng giờ đây chúng tôi đã sẵn sàng".