Chương trình Giao lưu diều sáo diễn ra vào ngày 16/12 tại sân vận động Thanh Oai (Hà Nội) với sự tham gia của 30 câu lạc bộ trên cả nước. Đây là dịp để người đam mê diều sáo gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời, lan tỏa tinh thần bảo tồn các trò chơi dân gian, nghệ thuật truyền thống. Chương trình gồm các phần thi làm diều nhanh, diều bay cao, diều vượt câu liêm.
Chương trình giao lưu hội tụ hàng chục chiếc diều rực rỡ màu sắc và kiểu dáng. Các diều sáo tham gia chương trình mang nét đặc trưng của mỗi địa phương. Trong ảnh là diều sáo đến từ Bắc Ninh.
CLB diều Đông Mai (Hà Nội) giành giải nhất nội dung bay cao. Diều của đội được làm bằng khung tre, áo diều màu cờ đỏ sao vàng. Trong khi đó, CLB diều Gia Lâm đứng đầu trong phần thi vượt câu liêm.
Ở nội dung vượt diều câu liêm, người chơi phải thả sao cho diều không bị mắc dây vào lưỡi liềm được ban tổ chức dựng sẵn trên 2 thanh tre cao 4 m và 4,5 m. Khoảng cách giữa 2 câu liêm từ 15 cm đến 25 cm. Câu liêm càng hẹp độ khó càng cao. Ở vòng 1, khi khoảng cách giữa 2 câu liêm hẹp nhất, hầu hết các đội đều để dây diều mắc vào lưỡi liềm, thậm chí đứt dây. Phần thi này đòi hỏi kỹ thuật của người cầm dây và người đâm diều. Sau đó, BTC nới lỏng độ khó bằng cách nâng khoảng cách của 2 cột tre lên. Nhờ đó, nhiều đội đã có thể đưa diều vượt câu liêm thành công.
Niềm vui của người chơi khi diều vượt qua được câu liêm.
Anh Nguyễn Đình Long (BTC chương trình) chia sẻ: "Chương trình giao lưu diều sáo Thanh Oai được tổ chức thường niên trong 9 năm nay. Sau 2 năm tạm hoãn vì dịch bệnh, anh em khá là hào hứng. Tuy nhiên, ngày hội diễn ra vào ngày trong tuần nên nhiều người không tham gia và cổ vũ được. Thời tiết nắng đẹp, không mưa nhưng khó khăn lớn nhất là trời đứng gió, nhiều diều không thể bay".
Diều sáo là loại diều truyền thống có từ lâu đời, một trong những thú chơi mộc mạc, tao nhã của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ. Đặc trưng của diều sáo là khi bay lên, gió khiến ống sáo phát ra âm thanh ngân nga, du dương như những bản nhạc.
Diều sáo gồm 2 phần: diều và sáo. Diều truyền thống có khung làm bằng tre, không có đuôi. Tuy nhiên, diều cố định khung thường khó di chuyển. Vì vậy, ngay nay, diều sáo đã được cách tân khá nhiều để có thể dễ dàng tháo lắp. Bên cạnh tre, khung diều có thể làm từ thanh cacbon. Áo diều làm bằng vải dù, có thêm phần đuôi để bay ổn định trong không trung.
Ống sáo được làm từ nứa đốt dài mỏng nhẹ, chính giữa khoét một lỗ thông qua một ống tre. Hai đầu đậy bằng nắp sáo làm bằng gỗ mít. Tùy vào gu thưởng thức và sở thích, sáo có hai loại: sáo đơn và sáo dàn (gồm 2, 3,5,7 ống sáo hoặc nhiều hơn). Độ dài của ống sáo không cần phải giống nhau trong tất cả các diều, tuy nhiên, dàn ống sáo nào cũng phải tuân thủ nguyên tắc nhỏ dần.
Sáo có độ rung tốt được gọi là sáo ngân. Người nghệ nhân làm sáo phải khéo léo để các ống sáo tạo ra âm thanh hòa với nhau thành hợp âm mong muốn.
Thú chơi diều sáo hiện diện trên khắp dải đất hình chữ S từ lâu. Khi thả diều sáo, người chơi sẽ dùng lực để đưa diều lên. Diều tận dụng sức gió lên cao. Vì vậy, chơi diều sáo phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết.
Nói về niềm đam mê với diều sáo, anh Nguyễn Đức Nam (CLB diều sáo Xuân Mai) chia sẻ: "Mình quê ở Hải Dương, từ bé đã thấy các anh các chú đã thả diều. Tiếng sáo vi vu gắn liền với tuổi thơ của mình. Sau này, sau khi lên Hà Nội, mình cũng duy trì sở thích và mang diều sáo lên đây để giữ hương vị quê hương, cũng là để thỏa niềm đam mê. Năm 2019, anh em tham gia nhiều nên cùng nhau thành lập nên câu lạc bộ 30 thành viên để giao lưu sau những giờ làm việc căng thẳng. Nhiều bạn trẻ dù công việc bận rộn, đi làm ăn xa nhưng vẫn giữ gìn và duy trì thú chơi tao nhã này, thậm chí có nhiều bé nhỏ tuổi đã làm được diều sáo".
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Quyền (84 tuổi, Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội) được xem là người giữ hồn diều sáo tại Thanh Oai. Hiện cụ là cố vấn CLB diều sáo của huyện. Ông Quyền cho biết, làm diều sáo đòi hỏi sự công phu và tỉ mỉ. Người nghệ nhân phải chọn những gốc tre thật già và vót thật đều, 4 thanh làm khung dìu phải chịu lực tương đương thì diều mới lên.
Ông Quyền cho hay mình đã làm và chơi diều sáo từ thuở bé, đồng thời kỳ vọng thú chơi này sẽ được thế hệ sau giữ gìn và lan tỏa. "Niềm đam mê của một bộ phận là chưa đủ. Để các trò chơi dân gian nói chung và thú chơi diều sáo nói riêng không bị mai một, cần sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ của các cơ quan quản lý kể cả vật chất và tinh thần".
Hiện tại, nhiều CLB diều sáo hoạt động nhằm tạo môi trường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm cho những người chung đam mê. Đây cũng là một trong những nỗ lực giữ gìn trò chơi dân gian độc đáo như diều sáo của người trẻ.