Cầu xin tiền bạc, tình duyên
Không gặp may mắn, một người đàn ông Trung Quốc đã cố gắng đảm bảo tất cả những điều ước của mình thành hiện thực bằng cách đi 2.000 km đến địa điểm có tượng Phật khổng lồ và cầm một chiếc loa lớn hình airpod để phát ra những lời cầu nguyện của mình tới tượng Phật.
Tượng Lạc Sơn Đại Phật, được chạm khắc trên một vách đá từ năm 713 đến năm 803 sau Công nguyên trong triều đại nhà Đường, là bức tượng Phật bằng đá cao nhất thế giới.
Trong một đoạn video do người đàn ông họ Zhang đăng trên Tik Tok, người này đang cầm chiếc loa khá lớn bên cạnh tượng Đại Phật Lạc Sơn cao 71 mét và tăng âm lượng trên điện thoại của mình để vị Phật "có thể nghe thấy anh nói rõ hơn".
"Ngài biết không, con 27 tuổi và không có xe hơi, nhà hay bạn gái," Zhang hét lên.
Sau đó, anh ấy nói mong ước của mình: "Thứ nhất, con muốn giàu có. Con không cần nhiều. 10 triệu Nhân dân tệ (1,5 triệu USD) là đủ. Quan trọng nhất, con muốn có một cô bạn gái, xinh một chút, dịu dàng và yêu con hơn 10 triệu Nhân dân tệ của con".
Zhang cho biết sau một lần xui xẻo do "sao thủy nghịch hành", anh quyết định dành 12 giờ trong ngày cuối tuần để đi từ tỉnh Chiết Giang ở phía đông Trung Quốc đến Tứ Xuyên, và viếng thăm tượng Phật.
Sao Thủy nghịch hành là một hiện tượng chiêm tinh xảy ra 3 đến 4 lần một năm và là một ảo ảnh quang học liên quan đến sự chuyển động ngược lại quỹ đầu ban đầu của Sao Thủy. Nhiều người thường cho đây là nguyên nhân của các xui xẻo của họ.
Thoát khỏi áp lực cuộc sống
Việc thờ cúng các vị thần và viếng thăm các ngôi chùa đã trở nên phổ biến trong giới trẻ ở Trung Quốc như một cách để thoát khỏi những áp lực ngày càng tăng của cuộc sống.
Vào năm 2020, một phương tiện truyền thông Trung Quốc đã đưa tin rằng một loạt 8 buổi phát trực tiếp trên nền tảng Tik Tok từ Lạc Sơn Đại Phật, do Đài Phát thanh Truyền hình Thành Đô tổ chức, đã được nửa triệu người xem, những người này tràn vào trang phát trực tiếp để bình luận về những mong muốn của họ.
Shen Yuning, 28 tuổi, thường xuyên đến thăm Yonghegong ở Bắc Kinh. Tháng 2 năm nay, khi cô đến chùa thì nhận thấy hầu hết du khách đều là những người trẻ tuổi, có vẻ như là sinh viên đại học hoặc người mới đi làm.
Các du khách trẻ tuổi đến chùa thường tìm đến là những vị thần phụ trách sự nghiệp và vận may, trong khi những vị thần phụ trách sự việc tình duyên ít được quan tâm hơn trước, Shen cho biết.
Song Yuqian, một nhà bình luận về các vấn đề công cộng cho rằng nhiều người trẻ tuổi có thể đến thăm các địa điểm tôn giáo do xu hướng nhất thời trên mạng xã hội và sự lo lắng ngày càng tăng.
Một báo cáo năm 2021 về sức khỏe tâm thần cho thấy những người trong độ tuổi từ 16 đến 34 có mức độ lo lắng cao nhất, trong khi một khảo sát được thực hiện đối với người đi làm vào tháng 6 năm ngoái cho thấy 85% số người được hỏi phải đối mặt với một mức độ áp lực nhất định trong công việc.
“Việc viếng thăm một ngôi chùa mở ra một cơ hội mới để mọi người nghỉ ngơi và tạm thời thoát khỏi căng thẳng, vì các thế lực thần bí khiến những người trẻ tuổi cảm thấy vững tâm và nhờ đó có khả năng chữa lành khỏi sự kiệt quệ về tinh thần”, Song nói.