Thực hiện bình đẳng giới, khẳng định vai trò của phụ nữ trong các hoạt động mang tính chất toàn cầu trong đó có nhiệm vụ gìn giữ hòa bình là một trong những mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.
Việc Việt Nam cử nữ sỹ quan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã góp phần thể hiện chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước về bình đẳng giới, khẳng định vai trò của phụ nữ trong giai đoạn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Là nữ sỹ quan đầu tiên của Việt Nam được lựa chọn và cử đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, trở về từ “chảo lửa” châu Phi, Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga, cán bộ Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam, Bộ Quốc phòng, đã có những chia sẻ giàu cảm xúc về quá trình một năm làm nhiệm vụ tại Phái bộ Nam Sudan.
Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga nhận quyết định của Chủ tịch nước về việc cử cán bộ làm nhiệm vụ sỹ quan tham mưu, phụ trách theo dõi các hoạt động quân sự tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan, nhiệm kỳ 12 tháng, bắt đầu từ ngày 29/10/2017.
Để chuẩn bị cho việc nhận nhiệm vụ này, Thiếu tá Nga đã được Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam tạo điều kiện đi học tập, bồi dưỡng các khóa tập huấn về sỹ quan tham mưu quân sự, quan sát viên quân sự, sỹ quan thông tin, quan hệ quân-dân sự Liên hợp quốc... tại Sri Lanka, Trung Quốc, Hà Lan, Hàn Quốc... trong suốt thời gian hai năm.
Theo ông Vũ Anh Quang, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao, Tổ phó Tổ Công tác liên ngành về Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, việc lựa chọn và cử sỹ quan nữ đầu tiên của Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là quá trình đã được chuẩn bị lâu dài.
Cá nhân được lựa chọn phải đảm bảo đáp ứng được những yêu cầu từ phía Liên hợp quốc và phái bộ với những kiến thức, kỹ năng về tham mưu, quân sự, ngoại ngữ...
Đây là sự kiện đánh dấu bước chuyển mới trên lộ trình từng bước tham gia vào hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam; góp phần tăng cường quan hệ truyền thống của Việt Nam với các quốc gia tại địa bàn châu Phi; thể hiện chính sách đối ngoại vì hòa bình, hợp tác cùng phát triển.
Trở về Việt Nam ngày 8/1/2019, hoàn thành nhiệm vụ tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan, nhìn lại một năm đã qua, Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga cho rằng đó là khoảng thời gian “đáng quý và đáng trân trọng nhất trong cuộc đời quân ngũ của mình."
Chị đã học được rất nhiều kiến thức trong công việc, các quy tắc quân sự, trình độ ngoại ngữ cũng được tăng lên. Tiếp xúc với những đồng nghiệp tại phái bộ cũng như người dân bản địa, chứng kiến những khó khăn trong cuộc sống của họ cũng giúp chị có thêm nhiều bài học bổ ích cho mình.
"Nếu như không có công việc tôi nghĩ mình không bao giờ có cơ hội trải nghiệm như vậy, bởi trước khi lên đường tôi đã được tìm hiểu, đọc qua tài liệu về Nam Sudan nhưng khi đến thì những hình dung, chuẩn bị trước đây của tôi hoàn toàn khác, nhất là khi bắt tay vào công việc, tận mắt chứng kiến những nỗi khó khăn mà đồng nghiệp và người dân phải vượt qua," Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga chia sẻ.
Một ngày làm việc của Thiếu tá Nga tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Nam Sudan khá vất vả. Thực hiện nhiệm vụ của một sỹ quan tham mưu các hoạt động quân sự, công việc của chị thường vào ca đêm, kéo dài từ 4 giờ chiều đến 8 giờ sáng hôm sau.
Làm việc liên tục 14-16 tiếng, một khi đã nhận nhiệm vụ, chị cũng như các đồng nghiệp không được nghỉ về ăn tối hoặc ăn trưa mà phải chuẩn bị sẵn đồ ăn mang đi.
"Đặc biệt, những thời gian xung đột cao điểm, chúng tôi ở trong văn phòng có khi cả tuần, về nhà chỉ để thay đồ, thay quần áo và lấy thêm đồ ăn đến. Khá khó khăn thời gian đầu vì tôi chưa quen thức đêm nhiều, công việc cũng căng thẳng, áp lực, vì khi đã nhận một nhiệm vụ nào đó từ đơn vị bạn gửi hoặc từ đơn vị cấp dưới gửi thì bất cứ ngày hay đêm, bạn phải xử lý ngay, chậm nhất trong vòng 30 phút," chị Nga cho biết.
Sau khi xử lý nhanh công việc, Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga còn phải cùng đồng nghiệp nghiên cứu lại để báo vấn đề cho các đơn vị liên quan, chỉ huy các cấp, đôi khi cần đề nghị yêu cầu triệu tập họp gấp.
Tuy khắc nghiệt song khi nhớ lại chị luôn cảm ơn khoảng thời gian đó đã giúp mình trưởng thành hơn rất nhiều, bởi trước đây khi công tác tại Việt Nam công việc của chị chưa bao giờ căng thẳng, áp lực như vậy.
Mang trọng trách của một người lính Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia làm nhiệm vụ tại đất nước xa xôi, Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga luôn nỗ lực với tinh thần nhiệt tình, hết mình vì công việc.
Chị tâm niệm rằng mình phải làm tốt, luôn nhận và hoàn thành công việc ở mức tốt nhất, không ngại khó khăn, không chỉ đứng ở cương vị của một nữ sỹ quan đầu tiên của Việt Nam tham gia làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, mà với chị trước hết đó là cái “tâm,” là trách nhiệm của một người quân nhân.
Đại diện lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh động viên các quân nhân lên đường làm nhiệm vụ. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)
Thiếu tá Nga chưa bao giờ nề hà, sẵn sàng nhận thêm nhiệm vụ, hoàn thiện báo cáo gửi trong đêm ngay cả khi chị vừa kết thúc ca làm việc kéo dài.
Tính chất công việc của một sỹ quan tham mưu chỉ yêu cầu làm việc trong căn cứ của Liên hợp quốc, song bên cạnh việc học hỏi kiến thức chuyên môn gìn giữ hòa bình, chị Nga luôn mong muốn có cơ hội tìm hiểu về cuộc sống của nhân dân tại địa bàn Phái bộ.
Chị chia sẻ: "Bộ đội Việt Nam luôn có truyền thống dân vận rất tốt, gần gũi nhân dân. Chính vì vậy, tôi dành phần lớn thời gian rảnh của chúng tôi để tiếp xúc với người dân bản địa. Thời gian đầu khi mới sang, đi tìm hiểu cuộc sống của họ cũng giúp tôi vơi đi nỗi nhớ nhà.
Khi chơi với trẻ em, có cảm giác như tôi chơi với các con tôi ở nhà. Tôi hay hướng dẫn các em cách giữ vệ sinh cho bản thân; hướng dẫn, chia sẻ với những người mẹ cách chăm sóc các em.
Tôi rất đau lòng khi chứng kiến có những em nhỏ sốt rất cao nhưng mẹ các em không có nhiều kiến thức, vẫn để các em ngoài trời nắng, hay những em nhỏ bị thương ở da, vết thương rất sâu mà không có thuốc thang gì...
Có lẽ chính sự chia sẻ đã khiến mọi người đón nhận tôi như gia đình nên càng ngày tình cảm giữa chúng tôi càng gắn bó, thôi thúc tôi và bạn của tôi dành phần lớn thời gian ra giúp đỡ họ.”
Kỷ niệm khiến Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga nhớ nhất là lần chị về nước, các em nhỏ đã mượn điện thoại của bạn chị, gọi điện và nói rằng rất nhớ chị, mong chị sớm quay trở về.
Khi biết chị Nga sắp kết thúc nhiệm kỳ, không còn công tác ở Nam Sudan nữa, có em đã khóc, có em dành thời gian rảnh vẽ tranh hoặc móc những chiếc túi nhỏ xinh tặng chị và nói với chị rằng: “Đỗ” hãy nhớ tới các em, đem những món quà này của các em trở về và trân trọng những món quà đó.
Bên cạnh tình cảm của người dân, bạn bè-đồng nghiệp tại Phái bộ gìn giữ hòa bình Nam Sudan cũng đã giúp đỡ chị Nga rất nhiều trong công tác cũng như trong cuộc sống.
Chị cho biết: “Đối với các nước khác kinh nghiệm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình có bề dày hơn Việt Nam và những người bạn của tôi đa phần đã đi lần thứ hai, thứ ba. Chính cô bạn thân người Na Uy hay đi cùng tôi ra tiếp xúc với người dân là những người đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong công việc từ những ngày mới sang.
Có những hôm chúng tôi ngồi trao đổi công việc với nhau say sưa quên thời gian tới 2-3 giờ sáng." Đó là những kỷ niệm vô giá mà người nữ quân nhân sẽ không bao giờ quên trong suốt cuộc đời mình./.