"Lần đầu tiên mình kiếm được tiền là thời điểm lớp 5 lên lớp 6. Khi ấy mình học chỉnh sửa ảnh từ các blog rồi bắt đầu thiết kế poster, thời khóa biểu, nhãn dán Kpop để bán cho bạn bè. Những năm sau đó, mình thử sức kinh doanh các sản phẩm bột thiên nhiên và son thủ công. Lên đại học, vì áp lực học tại trường khá lớn nên mình không kinh doanh nữa, chỉ đi làm gia sư để trang trải cuộc sống.
Đến khi phải học online dài hạn vì dịch Covid-19, mình và em gái mới có thời gian ở nhà cùng nhau khá lâu để bán nến và phát triển thương hiệu của bọn mình" - Nguyễn Hoàn Triệu Vy (sinh năm 2001, sinh viên ĐH Bách khoa TP.HCM) kể lại "con đường" kinh doanh của mình.
Triệu Vy chính là cô chị trong màn gọi vốn đầy ấn tượng của cặp chị em bán nến thơm trong tập cuối Shark Tank. Nhân vật còn lại là cô em Nguyễn Hoàn Lê Vy (sinh năm 2005, học sinh cấp 3 tại Vĩnh Long). Hai chị em là đồng sáng lập và đại diện cho thương hiệu Jaros Candles, kêu gọi các Shark đầu tư 200 triệu đổi lấy 20% cổ phần.
Chị em Triệu Vy - Lê Vy trên sân khấu Shark Tank mùa 5
Những chia sẻ của 2 chị em đã khiến các "cá mập" cũng như khán giả của chương trình không khỏi bất ngờ, thích thú. Kết quả, chị em Triệu Vy được cả Shark Liên, Shark Hùng Anh và Shark Eric đầu tư 200 triệu cho 30% cổ phần. Không dừng lại ở đó, họ còn nhận được món quà 200 triệu từ Shark Liên và Shark Hùng Anh vì đã lan tỏa tinh thần khởi nghiệp.
Câu chuyện của 2 chị em Triệu Vy - Lê Vy hẳn đã khiến rất nhiều người tò mò!
Khởi nghiệp với người có cá tính trái ngược
Cuộc sống của chị em Triệu Vy thay đổi ra sao từ khi lên Shark Tank?
Ngay sau khi phần gọi vốn trên Shark Tank của chị em mình vừa phát sóng xong, mình nhận rất nhiều tin nhắn và đơn hàng. Cuộc sống của tụi mình trở nên bận rộn hơn bao giờ hết, nhất là khi vào giai đoạn khai giảng năm học mới.
Triệu Vy
Tại sao 2 bạn lại chọn nến thơm để khởi nghiệp? Để có được sản phẩm hoàn thiện, có lẽ Vy đã mất nhiều lần thử nghiệm?
Lê Vy biết đến nến thơm qua một lần được sử dụng thử và em ấy tìm hiểu cách thương mại, hay nói dân dã là "mua đi bán lại" sản phẩm này. Khi đã có kiến thức sơ cấp về mua bán và chăm sóc khách hàng, chúng mình bắt đầu tiến hành tự làm ra sản phẩm của mình.
Trước khi ra mắt sản phẩm hoàn thiện, mình đã đọc qua nhiều bài viết học thuật về nến thơm. Sau đó mình làm thí nghiệm rồi thử khá nhiều mẫu mới.
"Máu" kinh doanh của 2 chị em Vy được thừa hưởng từ ai?
Bố là người truyền cho mình cảm hứng kinh doanh. Mặc dù không sống cùng bố nhưng ngay từ nhỏ, bố là người tạo điều kiện cho tụi mình tiếp cận Internet dù ở quê, dạy mình sử dụng Excel, kể cho mình nghe những câu chuyện buôn bán đơn giản. Có thể bố không còn nhớ nữa nhưng chính những việc đơn giản ấy đã truyền cảm hứng cho mình mày mò, học hỏi.
Triệu Vy được bố đưa lên thành phố nhập học
Khi làm việc chung, 2 chị em có hay bất đồng quan điểm không?
Từ lúc mới bắt đầu làm cho đến hiện tại, hai chị em vẫn hay xảy ra tranh cãi. Vì mình và Lê Vy là có cá tính khác nhau cho nên cách làm việc cũng khác nhau. Những lúc bất đồng quan điểm, mẹ là người đứng ra giải quyết cho bọn mình. Nhưng phải công nhận, Lê Vy giống như một người chị hơn vì lần nào cũng là em ấy nhường mình.
Khởi nghiệp nghe thì oách nhưng buộc chị em Vy phải trưởng thành sớm, phải lo toan nhiều thứ hơn. Cái giá như vậy có đắt không?
Con người ai cũng đến lúc trưởng thành, bằng cách này hoặc cách khác, tại thời điểm này hoặc tại thời điểm khác. Và mỗi sự đánh đổi đều có cái giá của nó, nếu mình đón nhận nó với tâm thế bằng lòng thì mọi việc không có gì là đắt cả.
Chị em Vy với 2 tấm vé vàng
Cuộc sống sẽ rất chật vật nếu 2 chị em ngừng cố gắng
Ở tuổi của Vy, các bạn thường thích tiêu tiền hơn kiếm tiền. Tại sao 2 chị em lại muốn khởi nghiệp và kiếm tiền sớm như vậy?
Trước khi khởi nghiệp, mình và em gái cũng như bao bạn học sinh khác. Bố mình hỗ trợ chi phí học tập, mình đi học ở TP.HCM, em gái sống với mẹ ở Vĩnh Long và buôn bán quán ăn sáng. Thời điểm khó khăn vì dịch, 3 mẹ con mình trang trải bằng cách bán đồ ăn online, mình còn dạy thêm online để kiếm thêm tiền để lo cuộc sống. Khi có cảm hứng bán nến thơm và bắt đầu có đơn hàng, công việc này đã giúp gia đình mình rất nhiều. Nếu mình và Lê Vy không cố gắng thì ắt hẳn thời điểm hiện tại cuộc sống chật vật hơn nhiều.
Hoàn cảnh gia đình Vy cũng là một yếu tố gây xúc động. Lớn lên trong 1 gia đình không trọn vẹn giúp bạn nhận ra điều gì?
Trong câu chuyện của mình, mình thấy điều mất mát lớn nhất là tình cảm. Chính vì vậy, khi ở độ tuổi 15 - 16 mình đã có thời gian thu mình, thậm chí là tủi thân. Nhưng càng lớn, mình càng nhìn nhận sự việc bằng một khía cạnh nhẹ nhàng và lý trí hơn.
Thực sự không ai muốn có một gia đình không trọn vẹn. Nhưng khi điều đó xảy ra, trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ dành cho con cái mới là điều quan trọng nhất. Và mình thấy may mắn khi bố mẹ rất yêu thương chị em mình.
Triệu Vy lúc chuẩn bị lên sóng Shark Tank
Từ góc nhìn của bản thân, tiền có giá trị thế nào với Vy và gia đình?
Mình rất tâm đắc một câu của Shark Liên: "Nhiều bạn trẻ nhầm lẫn giữa ‘chăm làm’ và tạo ra giá trị thực. Làm cho nhiều, làm đến kiệt sức mà không tạo ra được giá trị gì cho bản thân và người khác thì cũng chỉ vô nghĩa".
Tiền giúp cho mình và gia đình có một cuộc sống đủ đầy hơn. Mình cũng quý trọng đồng tiền mình làm ra nhưng không đặt nó lên hàng đầu. Trong lúc khởi nghiệp, mình nhận thấy tiền bạc đến từ những giá trị mình tạo ra. Những giá trị ấy có thể đơn giản chỉ là cảm giác khách hàng được thư giãn khi sử dụng sản phẩm, sự ấm áp truyền đến cộng đồng hay giúp một công ty tăng sự uy tín nhờ những phần quà tri ân chuyên nghiệp,...
Chẳng may việc kinh doanh không suôn sẻ như gặp thua lỗ, nợ nần,... thì Vy sẽ xoay xở thế nào? Gia đình có thể "chống lưng" cho 2 chị em Vy trong trường hợp này không?
Nếu hỏi mình sẽ xoay xở như thế nào thì mình chỉ biết trả lời là cố gắng để chuyện đó không xảy ra. Vì với khả năng kinh tế của gia đình vào lúc này, khi trường hợp xấu xảy ra thì không thể giúp 2 chị em được.
Hai chị em luôn cố gắng nhiều nhất
Sự thành công của chị em Vy vừa là động lực vừa là áp lực cho bạn bè đồng trang lứa. Vy nghĩ thế nào khi bố mẹ các bạn lấy mình ra làm tấm gương, kiểu "con nhà người ta"?
Khi có cơ hội tiếp xúc với các bạn đồng trang lứa, mình thấy các bạn thực sự rất giỏi, về tư duy, chuyên môn, kiến thức,... Thế nên mình nghĩ chỉ cần bản thân có quyết tâm thì ai cũng có những điểm vượt trội khác nhau, thay vì áp lực thì chúng ta nên cố gắng phát huy ưu điểm của mình. Nếu mình may mắn được làm tấm gương cho một bạn nào đó, thì vẫn có những bạn khác đang làm tấm gương trong lòng mình và gia đình mình.
Cảm ơn Vy vì những chia sẻ!
Ảnh: NVCC