Ngày 27/4/2018. Một thời khắc lịch sử. Sau 11 năm đóng băng quan hệ, hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Hàn Quốc đã bắt tay nhau trong cuộc gặp thượng đỉnh tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm.
Có mặt tại quán Bình Nhưỡng, Hà Nội, chúng tôi đã hy vọng sẽ có thể tiếp cận và ghi lại những cảm xúc của người dân Triều Tiên đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, dù biết đó là điều vô cùng khó khăn.
Bước chân vào quán ăn, hình ảnh gây ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi là các cô gái Triều Tiên đang thoăn thoắt phục vụ thực khách. Họ rất dễ thương và chu đáo. Quán được bài trí giống như những căng tin tại Nga vào những năm cuối của thế kỷ trước, với những đồ vật cũ kĩ, nhỏ gọn nhưng vô cùng ngăn nắp.
Tối 27/4, quán Bình Nhưỡng tại Hà Nội rất đông khách và gần như không còn bàn trống. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày hôm nay quán đông hơn nhiều so với thường lệ.
Đa phần thực khách tại quán là người Hàn Quốc. Sau một hồi dạo quanh quán ăn và quan sát kĩ lưỡng, chúng tôi hầu như không nhận thấy rào cản nào giữa những người Hàn Quốc và Triều Tiên nơi đây. Họ niềm nở chào hỏi nhau, gần gũi như những người thân trong nhà.
Nhân viên quá người Triều Tiên và khách người Hàn Quốc tại quán Bình Nhưỡng, Hà Nội.
Nở nụ cười kín đáo, cô gái phục vụ người Triều Tiên chỉ đường cho chúng tôi tới bàn ăn bằng thứ tiếng Việt lơ lớ nhưng rất chuẩn ngữ pháp. Khi tôi nhắc tới cái bắt tay lịch sử rất đỗi nồng ấm giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng Thống Hàn Quốc Mon Jae-in tại Bàn Môn Điếm, cô gái Triều Tiên chỉ đáp lời rất ngắn gọn:
"Có, em có biết họ đã gặp nhau."
"Ôi, vui lắm."
Người Triều Tiên rất kín đáo trong việc chia sẻ thông tin, nên tôi biết sẽ rất khó để họ nói nhiều về một chủ đề nào đó. Tuy nhiên trong câu trả lời chỉ vỏn vẹn ba từ của cô gái Triều Tiên này, tôi có thể thấy được ánh mắt lấp lánh hạnh phúc và tràn đầy hy vọng.
Thấy cô gái vui vẻ và dễ gần, chúng tôi đã lấy điện thoại ra với hy vọng sẽ có được những hình ảnh phỏng vấn của cô gái này. Nhưng vừa nhác thấy chiếc điện thoại, cô gái đã lập tức xua tay và nghiêm túc yêu cầu chúng tôi: "No Camera!" (PV: Không quay phim/chụp ảnh).
Sau khi xem thực đơn với các món ăn chẳng khác gì những các quán Hàn Quốc tại Hà Nội và Seoul, chúng tôi đã quyết định gọi món Mì lạnh Bình Nhưỡng - món ăn truyền thống của người Triều Tiên được ông Kim Jong-un mang tới yến tiệc chiêu đãi buổi tối tại hội nghị thượng đỉnh liên Triều. Đó cũng chính là món ăn dân dã mà rất nhiều người dân Hàn Quốc đã 'đổ xô' đi ăn vào buổi trưa cùng ngày, để hưởng ứng sự kiện lịch sử của hai nước Hàn-Triều.
Mì lạnh Bình Nhưỡng có sợi mì làm bằng bột kiều mạch trộn thêm bột khoai tây hay khoai lang, ăn kèm với nước kim chi hay nước thịt luộc để lạnh.
Khi chúng tôi thắc mắc với cô gái phục vụ Triều Tiên rằng tại sao món mì lạnh này lại có tên là 'Mì lạnh Bình Nhưỡng', liệu nó có điểm gì khác biệt so với món mì lạnh của Hàn Quốc, cô gái ấy liền giải thích: Bình Nhưỡng chỉ là cái tên, còn sự khác nhau duy nhất chỉ là gia vị đậm nhạt, giống như hầu hết các món ăn trên 2 miền bán đảo Triều Tiên. Cô cùng tỏ ý rằng chúng tôi có thể chụp ảnh món ăn.
Người Hàn Quốc và thực khách tới quán Triều Tiên tại Hà Nội không chỉ để ăn tối, mà còn để xem màn biểu diễn đậm phong cách Triều Tiên, với các ban nhạc múa hát sôi động và những động tác vô cùng đồng điệu.
Các cô gái người Triều Tiên ít nói, kín đáo chỉ mới phút trước còn đang thoăn thoắt mang đồ ra phục vụ thực khách, bỗng chốc trở thành những ca sỹ, nhạc công điêu luyện, múa hát đúng theo phong cách của những ban nhạc thập kỷ 70 của thế kỷ trước mà chẳng cần thay phục trang mới.
Trước màn biểu diễn sôi động và có phần khá "lạ" đối với các vị khách, chúng tôi thấy hầu hết thực khách trong quán đều lấy điện thoại ra quay phim, chụp ảnh rất háo hức. Không thấy ai ngăn cản.
Thấy vậy, tôi cũng lấy điện thoại ra quay những hình ảnh trên sân khấu.
Đang quay, tôi bỗng thấy ai đó đập nhẹ vào lưng mình.
Tôi quay lại, vẫn lời nhắc nhở: "No camera", nhưng từ một cô gái Triều Tiên trong ban nhạc.
Tuy nhiên khác với lúc đầu, cô gái trong ban nhạc đã mỉm cười với tôi. Nụ cười ấy như muốn nói rằng cô ấy thông cảm với chúng tôi, vì khi tới quán, đa số thực khách - kể cả người Hàn Quốc hay người Việt Nam - cũng đều muốn ghi lại một chút hình ảnh về bản sắc Triều Tiên.
Kiệm lời và kín đáo, nhưng qua những câu trả lời rất ngắn gọn của các cô gái Triều Tiên, chúng tôi cũng cảm nhận được niềm vui trước bước chuyển biến tích cực của dân tộc họ.
Sau màn trình bày rất "có tâm" của tôi, cô gái ấy đã mở lòng hơn và chịu tiết lộ một chút thông tin cá nhân.
Cô gái Triều Tiên này đã sang Việt Nam được 2 năm, cô ấy rất thích đất nước Việt Nam.
Một lần nữa, tôi lại gợi chuyện về cuộc gặp gỡ lịch sử giữa ông Kim Jong Un và ông Moon Jae-in tại làng Bàn Môn Điếm hôm nay. Lần này chúng tôi đã có được nhiều thông tin hơn một chút:
"Vui lắm, vui lắm. Sắp thống nhất rồi..."
Và trong câu trả lời cực kỳ ngắn gọn đó, một lần nữa tôi lại thấy niềm hy vọng ánh lên trong đôi mắt đen lấp lánh.
Cảm thấy rất tiếc nuối nếu ra về mà không lưu lại được một chút hình ảnh rất sinh động và đặc sắc trong một ngày đặc biệt như thế, chúng tôi đã xin phép người quản lý. Có lẽ cảm nhận được sự chân thành của chúng tôi, anh đồng ý cho chúng tôi sử dụng một số hình ảnh đã ghi được ở quán.
Cũng trong buổi tối ngày 27/4, chúng tôi đã gặp một số những người Hàn Quốc đang sinh sống tại Việt Nam. Hầu hết họ đều cảm thấy vui mừng và đầy hy vọng về một hiệp ước hòa bình, chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên sẽ được kí kết trong năm nay.
Gặp gỡ người Triều Tiên ở Hà Nội : Ôi vui lắm , sắp thống nhất rồi