Ngày 20/5, Bệnh viện đa khoa huyện Lộc Hà (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết ông Võ Tá T. (50 tuổi, trú tại thôn Phú Xuân, xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà) tử vong do sốc nhiệt trước khi đưa vào BV.
Bệnh nhân T. được người thân đưa vào khoa Cấp cứu của bệnh viện trong tình trạng ngừng tim, ngừng thở, da nóng phừng khô, nhiệt độ cơ thể đo được là 41,5 độ C. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân T. ngừng tuần hoàn và chỉ định theo dõi đột quỵ do sốc nhiệt.
Các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn theo phác đồ để cứu sống bệnh nhân. Sau 1 giờ cấp cứu nhưng không có kết quả. Các bác sĩ nhận định bệnh nhân đã tử vong trước khi được đưa vào bệnh viện.
Qua lời kể của của người nhà bệnh nhân, vào chiều 19/5, ông T. cùng vợ ra cánh đồng gần nhà thu hoạch lạc. Do làm việc giữa thời tiết nắng nóng lên tới 40 độ C nên ông T. ngất xỉu tại ruộng. Phát hiện sự việc, người vợ kêu 2 người dân ở gần đó đến hỗ trợ đưa chồng về nhà thay quần áo. Thấy ông T. hôn mê sâu, người nhà mới đưa ông này vào Bệnh viện đa khoa huyện Lộc Hà cấp cứu thì đã quá muộn.
Trong đợt nắng nóng cao điểm vừa qua (từ ngày 12-19/5/2019), Khoa Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận hàng chục ca bệnh lý liên quan trực tiếp đến nắng nóng với biểu hiện chính: đau đầu, mệt mỏi, chuột rút, rối loạn điện giải máu,...
Một số ca bệnh nặng đã được chuyển đến Viện Tim mạch quốc gia (BV Bạch Mai) để tiếp tục theo dõi thêm. Số còn lại đã ổn định và được xuất viện.
Theo TS.BS Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng phòng Cấp cứu tổng hợp, Khoa Cấp cứu A9, bệnh viện Bạch Mai: Đây là đợt nắng nóng cao điểm lần thứ 2 tại miền Bắc trong năm nay, số lượng bệnh nhân vào Khoa Cấp cứu A9 chỉ tăng nhẹ. Tuy nhiên, đáng chú ý là những bệnh nhân có bệnh mãn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính, suy thận…
Với những bệnh nhân có sẵn bệnh lý nền như vậy, nắng nóng sẽ là yếu tố thuận lợi gia tăng tình trạng đột quỵ, nhồi máu não…. nếu bệnh nhân không có kiến thức để tự chăm sóc và kiểm soát tốt các bệnh lý sẵn có này.
TS. Tuấn cũng cho biết, thời tiết nắng nóng sẽ ảnh hưởng đến cơ chế điều hoà thân nhiệt, có thể làm nhiệt độ cơ thể tăng cao từ 39 đến 41 độ C. Khi đó, bệnh nhân sẽ có biểu hiện chóng mặt, lơ mơ, rối loạn ý thức, từ đó có thể sẽ ảnh hưởng đến chức năng tim phổi, hệ thần kinh...
Tình trạng này còn đặc biệt nguy hiểm với những trường hợp có bệnh mạn tính như tăng huyết áp, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu… có thể dẫn tới nguy cơ cao bị đột quỵ, thậm chí tử vong.
Bệnh nhân tại khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai.
Chuyên gia cấp cứu này cho hay, việc sơ cứu ban đầu cho bệnh nhân bị sốc nhiệt là rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả điều trị và di chứng sau này. Theo đó, ngay khi thấy một người nghi ngờ sốc nhiệt, say nắng với các biểu hiện như: Mặt đỏ bừng, da nóng, khô, mệt lả, đau đầu, nôn ói… thì phải khẩn trương sơ cứu hạ thân nhiệt cho người bệnh.
- Trước tiên, phải nhanh chóng đưa bệnh nhân tới khu vực có bóng mát, bỏ bớt quần áo và thực hiện các biện pháp chườm mát vào vùng cổ, nách, bẹn, lau người toàn thân bằng nước mát… để nhanh chóng hạ thân nhiệt của bệnh nhân.
- Thậm chí có thể dùng vòi nước mát hay xô nước mát xối lên người, đặt túi chườm đá ở nách, bẹn giúp làm giảm nhiệt độ ở người bị sốc nhiệt do nắng nóng…
- Trong khi thực hiện hạ thân nhiệt của bệnh nhân, hãy nhờ người gọi xe cấp cứu đưa bệnh nhân đến bệnh viện.
- Đồng thời tiếp tục theo dõi thân nhiệt và thực hiện các biện pháp làm mát cho tới khi nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân xuống còn 38,5 hay 39 độ C và chuyển đến cơ sở y tế nhanh nhất.
Bác sĩ lưu ý, không dùng thuốc hạ sốt cho bệnh nhân trong trường hợp này vì thuốc hạ sốt không có giá trị khi bị sốc nhiệt.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân, khi gặp bệnh nhân bị sốc nhiệt, hoặc đột quỵ có ngừng tuần hoàn, cần phải cấp cứu bằng cách hà hơi, ép tim trong suốt quá trình đợi xe cấp cứu, đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Cấp cứu đúng cách sẽ tăng cơ hội sống cho người bệnh.
BS. Đào Việt Phương - Khoa Cấp cứu A9 cũng cho biết, sốc nhiệt là tình trạng hay gặp phải, thường gặp ở những người hoạt động trong trời nắng nóng trong thời gian dài. Khi đó, tình trạng sốc nhiệt có thể xảy ra, người bệnh có thể rơi vào hôn mê.
"Cần phân biệt sốc nhiệt với đột quỵ. Biểu hiện sốc nhiệt thường là kích thích, lẫn lộn, thân nhiệt tăng cao 40-41 độ C, mất nước, bệnh nhân tiếp xúc nhiệt độ cao trong thời gian dài (như người làm việc ngoài trời, công nhân trong lò cao...). Còn với đột quỵ, bệnh nhân thường có dấu hiệu liệt mặt, yếu nửa người, bất thường ngôn ngữ, mất thị lực một hoặc 2 bên, đau đầu dữ dội, bất thường dáng đi..."- BS. Phương chỉ rõ.
Để phòng nắng nóng, sốc nhiệt, Bộ Y tế cũng đưa các khuyến cáo tới người dân:
- Hạn chế đi ra ngoài đường, trời nóng khi không thật cần thiết. Nếu bắt buộc phải đi ra đường, ngoài trời nóng thì phải đội mũ, mặc quần áo chống nắng, đeo kính … chống nóng.
- Uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, có thể uống bổ sung nước chanh hoặc nước pha muối loãng, nước pha Oresol…, tuy nhiên, không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh dễ gây viêm họng.
- Không để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp; không để gió quạt thổi trực tiếp gần vào người.
- Thực hiện ăn chín, uống chín; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường dinh dưỡng, ăn thêm hoa quả để bảo đảm đủ vitamin, tăng cường sức đề kháng của cơ thể…
- Những người làm việc trong môi trường nắng nóng phải tự bảo vệ mình, phải tạm dừng nếu điều kiện thời tiết vượt quá sức chịu đựng của cơ thể.
Đặc biệt, thời điểm 12 – 16 giờ là nhiệt độ cao nhất trong ngày, do vậy không lao động ngoài trời ở khoảng thời gian này. Vì cơ thể không dung nạp được nhiệt độ môi trường, sẽ có nguy cơ xảy ra nhiều biến cố nguy hiểm.