Nếu là thành viên gạo cội của CLB Mô hình tĩnh Việt Nam, chắc hẳn không ai không biết đến cái tên Danny Wang. Anh tên thật là Vương Y Đạt, là người đầu tiên sở hữu Porsche 911 Carrera S Series 992 tại Nha Trang.
Sở hữu xe Porsche nhưng anh lại đam mê dòng xe Ferrari. Tuy nhiên điều kiện kinh tế chưa giúp anh hiện thực hoá niềm đam mê ấy, nhưng đủ để anh sở hữu bộ sưu tập mô hình Ferrari nhiều nhất Việt Nam.
Chúng tôi đã có buổi phỏng vấn nhân vật đình đám này để mang tới câu chuyện đầu năm đầy thú vị.
10 năm miệt mài sưu tập mô hình Ferrari hết 2 tỷ đồng
PV: Chào anh, cảm ơn anh đã nhận lời phỏng vấn. Nhìn vào bộ sưu tập đồ sộ này, tôi tin chắc ai cũng muốn hỏi anh câu đầu tiên là "Anh chơi mô hình bao nhiêu lâu rồi"?
Chính xác là vậy đấy. Rất nhiều người từng hỏi tôi câu này. Tôi chơi mô hình cũng được hơn 10 năm rồi.
PV: 10 năm đó được hiểu như thế nào, thưa anh? Là bắt đầu cách đây 10 năm hay trong suốt 10 năm qua anh miệt mài sưu tầm, có thời điểm nào anh chán để đó hay không?
Để mà nói một cách chính xác thì tôi bắt đầu sưu tập những mô hình đầu tiên từ cách đây hơn 10 năm. Nhưng không phải theo kiểu nhiều người chơi rồi để đó. Đam mê của tôi chưa bao giờ tắt trong suốt thời gian qua. Tháng nào tôi cũng phải mua một hoặc vài mô hình mà mình thích. Bởi thế nếu nói về chán thì chắc chắn là không rồi. (Cười).
PV: Nếu có thể tiết lộ thì xin anh cho biết tổng số tiền chi cho thú chơi này là bao nhiêu?
Khoảng 2 tỷ lận đó, bao gồm những chiếc đang có mặt ở đây, cũng như là ở nước ngoài do tôi chưa thể mang về Việt Nam.
PV: Thời gian để anh hoàn thành xong phần cứng của phòng trưng bày mô hình này là hết bao nhiêu lâu, chi phí thế nào?
Khoảng tầm 2 tháng với số tiền lên đến 50 triệu.
PV: 2 tỷ là số tiền không nhỏ nhưng trong giới chơi mô hình, nó nằm ở ngưỡng nào thưa anh, ý tôi là so với những người cùng sở thích với anh thì độ chi của anh đang như thế nào so với họ?
Chơi mô hình trong suốt 10 năm qua cho tôi cái nhìn khá tổng quan về giới sưu tầm mô hình tại Việt Nam. Tính tôi vốn không thích so sánh vì mỗi người sẽ có gu chơi và gu sưu tầm khác nhau, khả năng tài chính và sở thích của mỗi người cũng khác nhau nữa. Còn có nhiều người chơi lâu, chơi kín nhưng không show ra nhiều, nên tôi cũng không rõ.
Song, nếu để đưa ra những so sánh thì 2 tỷ đồng cũng là mức chi thuộc hàng cao rồi đấy. Theo tôi được biết, có một số người mới nổi lên thời gian gần đây trong giới thì họ cũng đầu tư dữ lắm. Nói chung thì 2 tỷ cũng thuộc hàng top rồi.
PV: Với một số người, họ sẽ cho rằng việc bỏ ra 2 tỷ để mua những bộ mô hình như thế này, rồi làm phòng riêng để trưng bày là vô bổ. Anh sẽ phản ứng như thế nào nếu gặp những trường hợp trên?
Mỗi người có một thú vui riêng. Tôi thấy có nhiều người bỏ tiền sưu tập tem, nuôi cá, có người lại sưu tầm cây cảnh. Ai cũng có một thú vui riêng của họ, thì tôi nghĩ mình không nên phán xét làm gì, vì mình đâu có quyền gì mà mình cấm cản, mình nói họ đâu. Có tiền thì họ cứ làm thôi.
PV: Một tháng trung bình anh mua khoảng bao nhiêu chiếc, số lượng nhiều nhất trong một tháng anh mua là bao nhiêu?
Trung bình tôi mua khoảng 3 chiếc/tháng.
Thời điểm mới đầu chơi, giống như tôi có nói ở trên, tôi mua đến 10 chiếc/tháng lận. Tuy nhiên thì về sau đã sưu tập được kha khá rồi nên ít mua lại hơn, chỉ mua những dòng mới ra.
Đến cả bàn cafe của anh Vương Y Đạt cũng có bóng dáng thương hiệu ngựa chồm. Đây là mâm của chiếc Ferrari California cũ.
PV: Có chiếc nào mà anh mua hoài không được, muốn từ bỏ không?
Không, tính tôi là tôi phải mua cho bằng được, săn đến khi nào mua được thì thôi.
PV: Toàn bộ mô hình của anh đều mua từ nước ngoài? Phải chăng không có cửa hàng nào ở Việt Nam đáp ứng được sở thích của anh?
Đúng rồi, phải tới 99% bộ sưu tập của tôi là mua từ nước ngoài. Chỉ có 1% là mua lại một số chiếc từ người khác do kiếm hoài không được, khoảng 2-3 chiếc gì đấy.
Còn về việc không có cửa hàng nào ở Việt Nam đáp ứng được sở thích của tôi thì không phải. Do thú chơi của tôi hơi lạ kỳ, ít người chơi. Tôi cũng muốn mua một số chiếc xe cổ, tuy nhiên ở Việt Nam, đa số chỉ chơi các dòng đời mới là nhiều, hoặc những cái tên phổ biến một chút. Chơi đặc thù như tôi thì không có ai chơi hết á.
Thế nên, cũng dễ hiểu là cầu không có thì lấy đâu ra cung. Các cửa hàng nhập về bán mà người mua không có thì họ đâu có nhập về. Kén người chơi mà giá cũng cao nữa.
PV: Bộ mô hình của anh nếu mà tính ở đây và cả bên nước ngoài là khoảng tầm bao nhiêu chiếc?
Cũng gần 300 chiếc lận đấy, mà 300 chiếc chỉ là tỷ lệ 1:18 thôi, còn nếu tính những chiếc tỷ lệ nhỏ hơn là còn nhiều nữa. Số lượng lớn nên mỗi ngày tôi lau chùi 1 chiếc và đúng một năm sau quay lại vệ sinh chiếc đó lần nữa.
Mô hình thì có loại 1:8 là lớn nhất, mà tôi chỉ chơi đến tỷ lệ 1:18 thôi là dừng, vì những chiếc kia rất mắc, có giá lên đến 8.000 - 9.000 USD lận (tương đương 185 triệu - 208 triệu đồng).
PV: Trong các tỷ lệ mô hình, đâu là tỷ lệ yêu thích của anh và vì sao?
Tỷ lệ 1:18 là tỷ lệ chính luôn. Vì cái tỷ lệ này nhiều hãng làm lắm, chủ lực luôn đó, chỉ sau 1:43. Với tỷ lệ này, mô hình cầm vừa tay, các chi tiết cũng đủ để mình thấy rõ. Chứ còn những tỷ lệ nhỏ hơn như 1:43 hay 1:64 thì nó quá nhỏ đi, chi tiết không được làm kĩ càng cũng như không mở cho mình xem được. Còn có 1:8 và 1:12 thì to hơn, nhưng rất ít hãng làm nên không có nhiều và đa dạng về mẫu mã. Thế nên 1:18 là chuẩn nhất.
Dấu ấn của Enzo Ferrari trong bộ sưu tập kỳ công của Vương Y Đạt.
Mô hình - Thú chơi lắm gian truân
PV: Anh là chủ xe Porsche nhưng nãy giờ chưa thấy anh nhắc tới mô hình Porsche nào? Anh thích thương hiệu nào trong giới mô hình nhất và thích đơn vị nào sản xuất nhất, vì sao?
Thực ra thì tôi thích Ferrari, nhưng do điều kiện kinh tế nên chưa hiện thực hóa được đam mê ấy. Vì thế, tôi chọn thương hiệu Porsche để phần nào thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Trong tương lai, điều kiện cho phép thì chắc chắn một chiếc siêu xe Ferrari sẽ nằm trong garage.
Về đơn vị sản xuất thì tôi thích BBR vì hãng này làm chi tiết, nước sơn đẹp, giá cả cũng không quá cao. Đã thế BBR còn có nhiều ưu đãi cho khách hàng nữa. Nhưng thực ra mà nói thì có nhiều chiếc mua tại shop giá rẻ lắm, nhưng do độ hiếm, nhiều người mua được trước và bán lại nên giá bị độn lên thôi.
Hồi trước còn có hãng Hot Wheels cũng làm mấy chiếc mô hình đúng với sở thích của tôi mà đẹp lắm, nhưng giờ bên đó không làm nữa do hết hợp đồng với Ferrari.
PV: Theo anh, một mô hình như thế nào được coi là hoàn hảo?
Thứ nhất là nó phải giống xe thật theo tỷ lệ 1:1.
Thứ hai là cầm nó phải nặng tay, như thế mới có cảm giác. Sau này nhiều hãng đúc bằng nhựa resin là nhiều, không còn là sắt, kim loại chuẩn diecast nữa, cầm lên nhẹ tênh, thấy không quen và kì kì sao đó.
Thứ ba nữa, nó phải mở được hết tất cả các chi tiết, như máy móc, các cửa xe chẳng hạn. Sau này đa số những mô hình chỉ có nhìn thôi chứ không mở được nữa.
Thứ tư là nước sơn phải hoàn hảo.
Điều này sẽ giúp một chiếc mô hình khác biệt hoàn toàn với ô tô đồ chơi. Vì nó là những chi tiết làm tương đương như thật và giá cả rất cao. Giả sử mình cầm một chiếc xe mô hình và một chiếc xe đồ chơi thì nó rất là khác nhau.
PV: Theo anh nghĩ, chơi bộ môn này có gì thú vị, khó khăn gì không?
Tôi vốn là người đam mê xe từ nhỏ, nên rất thích những món đồ chơi liên quan đến xe. Càng lớn, tôi tiếp cận được nhiều thứ, qua đó thích những cái gì đó cao cấp hơn. Nói chung đây cũng là điều bình thường ở mỗi người, luôn phải nâng cấp bản thân và lối sống. Thế nên tôi tìm đến mô hình này, vì nó rất thật. Và có những chiếc xe mình ao ước có, nhưng không có khả năng sở hữu, thì đành mua mô hình về ngắm thôi (cười).
Khó khăn cũng có nhiều, vì những nhà sản xuất đều ở nước ngoài, nên việc bảo quản, vận chuyển nó rất là khó. Đã thế hồi đó tôi đi du học bên Mỹ, có mua một số mô hình bên đó. Bây giờ về Việt Nam làm việc, nhiều lúc muốn đem về trưng nhưng không được. Năm nay tình hình dịch bệnh cũng khó lường, nên đành ngậm ngùi để mấy chiếc bên đó luôn. Nói chung khó khăn nhất là ở khâu vận chuyển những chiếc này về Việt Nam.
PV: Trong bộ sưu tập này, chiếc xe nào là chiếc anh khó khăn mua cũng như vận chuyển về được?
Đây, chính là chiếc 1957 Ferrari Renntransporter Type Fiat 642 RN2 Bartoletti này. Thứ nhất là nó to, vận chuyển khó. Đã thế cái hộp của nó rất dài, ngang ngửa với một kiện hành lý thông thường khi đi máy bay. Thế nên là muốn vận chuyển về phải sử dụng các đơn vị vận chuyển, chứ đi bằng máy bay dễ bị quá kí cũng như quá kích cỡ.
Bên cạnh đó, chiếc này rất khó mua được. Nếu tôi mua lúc nó mới ra thì nó rẻ, giá khoảng 500 Euro (tương đương 13,9 triệu đồng), tuy nhiên mãi đến 5 - 6 năm sau tôi mới mua thì tìm được nơi bán rất khó, phải mua tận bên Ý, mà phải gọi là mua cho lẹ, mua liều luôn đó. Đã thế, thời điểm ấy giá bán cũng cao, lên đến 1000 Euro (tương đương 27,9 triệu đồng), gấp đôi giá trị ban đầu. Rồi ship từ Ý qua Mỹ là 100 Euro (tương đương 2,8 triệu đồng), rồi mang về Việt Nam lại là một quá trình nữa, tại vì nó to và nó quá khổ mà.
Giá trị chiếc mô hình này bây giờ lên tới 50 triệu đồng ở thị trường nước ngoài rồi đó, thậm chí có thể hơn.
Chiếc 1957 Ferrari Renntransporter Type Fiat 642 RN2 Bartoletti đắt đỏ của anh Vương Y Đạt.
PV: Vậy chiếc đắt nhất trong bộ sưu tập của anh là chiếc này?
Không phải, đắt nhất phải kể đến chiếc Ferrari P4/5. Đây là mô hình của mẫu xe one-off được Ferrari sản xuất cho đạo diễn người Mỹ James Glickenhaus, con trai của ông trùm sàn giao dịch chứng khoán Seth Glickenhaus, với mức giá bán lên đến 4 triệu USD.
Hồi đó, tôi mua chiếc này chỉ 750 USD (tương đương 17,3 triệu đồng), tuy nhiên bây giờ thì lên đến hơn 3.500 USD (tương đương 80,5 triệu đồng), gấp hơn ba lần. Nhưng kể cả có số tiền đó mà muốn mua được thì cũng hơi khó đấy nhé.
Cận cảnh chiếc Ferrari P4/5 có giá trị hiện tại lên đến 3.500 USD (tương đương 80,5 triệu đồng) của anh Vương Y Đạt.
Một chiếc Ferrari Enzo được trưng bày trong lồng kính. Điểm đặc biệt là phần kính cũng được khắc nổi hình ảnh của chiếc xe.
PV: Vậy chiếc rẻ nhất trong bộ sưu tập của anh là chiếc nào?
Chiếc rẻ nhất hả? Khó nói ghê, vì tôi sưu tầm rất nhiều mẫu xe của nhiều hãng sản xuất khác nhau. Vì có hãng này làm chiếc này, có hãng lại không, thậm chí có những hãng chỉ sản xuất những dòng đời cũ, trong khi những hãng đình đám thì họ không làm nữa.
Nhưng mà tính tôi muốn mua cho bằng hết, thậm chí có những chiếc cùng đời với nhau, nhưng mà do mình quá thích, điển hình như Ferrari Enzo, nên mặc dù chỉ khác nhau màu sơn, màu nóc xe cũng mua thêm luôn, thậm chí trùng màu cũng mua nữa (cười).
Mà nếu rẻ nhất thì chắc có mấy chiếc của hãng Hot Wheels, loại thường ấy, tầm khoảng 60 - 70 USD một chiếc (tương đương 1,4 - 1,6 triệu đồng), thiết kế cũng ít cầu kỳ hơn và cũng được sản xuất với số lượng lớn nên cũng dễ mua hơn.
PV: Với điều kiện thời tiết tại Việt Nam thì anh bảo quản những chiếc mô hình này như thế nào? Và những kiến thức về bảo quản thì anh tự tìm tòi trên internet hay là có người chỉ dẫn?
Thứ nhất là tôi phải sắm máy hút ẩm cho phòng, giá khoảng 5 triệu đồng. Tại vì độ ẩm ở Việt Nam rất là cao, rất dễ hư, nổi mốc ở sơn và nội thất. Rồi tiếp đến là phải mua thêm túi hút ẩm và hộp hút ẩm để hỗ trợ thêm. Riêng máy hút ẩm thì có dung tích 4 lít nước, nếu mùa khô thì khoảng 5 - 6 ngày tôi thay một lần, tuy nhiên nếu mùa mưa thì chưa tới 2 ngày đã phải thay rồi. Còn những kiến thức về bảo quản thì đa phần tôi tự tìm tòi trên internet.
Máy hút ẩm dành riêng cho phòng sưu tập mô hình của anh Đạt.
PV: Nhiều người chơi mô hình ở Việt Nam hay nói với nhau rằng ở đây thời tiết nóng, dễ gặp tình trạng rộp sơn. Anh nghĩ sao về điều này và anh có biện pháp gì không?
Phòng mô hình của tôi cũng được lắp máy lạnh, nhưng cũng không mở thường xuyên, do phòng tôi cũng không quá nóng, tôi chỉ mở máy hút ẩm thôi. Tôi không sợ nóng, chỉ sợ ẩm thôi. Còn tình trạng rộp sơn thì thực ra đó là lỗi, kỹ thuật sơn của hãng sản xuất, chứ cũng không hẳn là nóng thì nó rộp sơn đâu. Cá nhân tôi có nhiều chiếc để lâu lắm rồi mà có thấy nó rộp sơn đâu, đặc biệt là những chiếc của BBR, hiếm khi nào nó rộp sơn lắm.
PV: Câu hỏi cuối cùng, giờ nếu có ai sẵn sàng trả giá để mua lại bộ sưu tập mô hình của anh với giá gấp đôi, gấp ba số tiền anh đầu tư ban đầu thì anh có bán không?
Tất nhiên là không rồi, đam mê của tôi mà, sao mà bán lại được (cười).
PV: Vâng, cảm ơn anh vì những chia sẻ vừa rồi. Chúc anh và gia đình một năm mới an khang, thịnh vượng.
Ảnh: XSX
Thiết kế: Tom