Gặp người lái xe riêng của Tướng Chu Văn Tấn

Xuân Ba |

Năm xa ấy, ngôi nhà đối diện với báo Tiền Phong chúng tôi là tư gia Thượng tướng Chu Văn Tấn. Cuối những năm bảy mươi, ngày nào cũng vậy, sáng thì cái xe con màu xám xanh đỗ xịch trước cửa… Thường chiều muộn, một người vóc dáng cao đậm, bộ quần áo màu sáng bốn túi cài kín cổ, tóc cắt bốc thành thẳng đứng, từ xe xuống sải những bước oai vệ. Đó là Thượng tướng Chu Văn Tấn.

Tiếng là hàng xóm, nhưng chưa bao giờ đám phóng viên chúng tôi được gặp Thượng tướng. Cuối những năm tám mươi, khi Thượng tướng mất nhiều năm, ông con trai Chu Thành công tác ở Ủy ban Dân tộc Trung ương mở thêm cái cổng phụ cải tạo thành cái quán giải khát kiêm bán bia Vạn Lực có cái tên Bông Giấy khá xôm khách thì ngày nào chúng tôi cũng ghé. Chu Thành xởi lởi mặn chuyện, vui tính. Có vài lần được ngồi hầu chuyện phu nhân Thượng tướng, một lão bà tóc trắng cước búi tó củ hành vẫn thường lặng lẽ cắp cái làn ra chợ Hôm. Cụ bà ít nói, thi thoảng cũng phụ giúp đám con cháu bán hàng và vẻ chịu nghe đám chúng tôi tán hươu vượn. Nhưng thuở ấy, những là sống xổi cùng trẻ người non dạ, đám chúng tôi đâu biết cụ bà lặng lẽ ấy như một cuốn sách đóng dễ gì để ai lật giở?

Rồi cụ bà mất. Quán Bông Giấy đóng cửa. Chu Thành dọn đi nơi khác. Và dễ có hàng chục năm không gặp…

Tình cờ lần ấy, gặp lại Chu Thành. Thoáng đã xọm như một ông lão. Nhưng vẫn một Chu Thành xởi lởi dạo nào. Chuyện nối chuyện, ríu ran. Tôi theo Chu Thành về nhà ở mới chơi.

Sau thời điểm đó không lâu, có một sự kiện mà các báo đồng loạt đưa tin.

...Ngày 16/12/2014, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân đã đến nhà riêng, thành kính dâng hương tưởng niệm thượng tướng Chu Văn Tấn (1910-1984), đồng thời tưởng nhớ tới công lao, sự hy sinh và đóng góp vô cùng to lớn của bậc tiền bối cách mạng nguyên là lãnh đạo Bộ Quốc phòng đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, người đặt nền móng vững chắc cho sự vững mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay.

Tôi thoáng hình dung ra, bên bàn thờ nhà Chu Thành mà ông Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam từng dâng hương là lấp lánh, là nghiêm cẩn các chứng chỉ cho một bậc công huân từng là Thiếu tướng đầu tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đầu tiên.

Quyết định ngày 21/6/2011 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên công nhận Thượng tướng Chu Văn Tấn là lão thành cách mạng. Bằng tuyên dương công trạng toàn quốc năm 1948, Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Quân công hạng 3; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; Các Huân chương Chiến thắng vẻ vang hạng nhất, nhì, ba vv…

Rồi lần ấy, Chu Thành rủ chúng tôi về quê nhà Võ Nhai và Châu Bắc Sơn dịp kỷ niệm khởi nghĩa Bắc Sơn.

Chúng tôi không đi một mình. Chu Thành rẽ qua Hoàng Diệu đón Võ Hoài Nam, con trai Tướng Giáp.

Đến xã Phú Thượng huyện Võ Nhai, cả bọn ghé nhà Thượng tướng. Ngôi nhà sàn cũ kỹ năm xưa dột nát được cải tạo lại khá khang trang. Lưu lại nhiều hiện vật cùng tranh ảnh sinh thời Thượng tướng ngó hao hao như một thứ bảo tàng? Rồi chúng tôi ra mé đồi gần nhà, thắp hương mộ Thượng tướng. Sau bao năm xa cách, nay mộ cụ ông cụ bà nằm song song ở sườn núi quê nhà. Trong nắng quái chiều thu, ngó hai người con trai của một đại tướng và một thượng tướng đứng bên nhau lặng phắc bên nấm mộ của tiền nhân thấy bỗng như lịch sử chả im lìm mà dường như đang phập phồng một thông điệp chi đó?

Có lẽ đêm ấy ở Bắc Sơn, ngồi rốn với mấy nhà sử học chúng tôi mới tường thêm khúc nhôi Chu Văn Tấn từng đảm nhận cương vị Bộ trưởng Bộ quốc phòng đầu tiên của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa như thế nào?

Như một cuốn phim tư liệu thoáng nhanh. Thượng tướng họ Chu là người Nùng sinh năm 1910, xuất thân trong một thổ hào địa phương. Từng có 2 năm cai quản lính dõng (châu đoàn) cho chính quyền thực dân Pháp tại quê nhà.

Những người Cộng sản đã tìm cách bắt liên lạc với Chu Văn Tấn - người có học vấn và có tinh thần tự trị, vận động ông tham gia cách mạng nhằm tranh thủ một thủ lĩnh địa phương. Năm 1936, Chu Văn Tấn gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương.

Gặp người lái xe riêng của Tướng Chu Văn Tấn - Ảnh 2.

Ông Trương Văn Quý và tác giả

Ngày 22/9/1940, quân Nhật bất ngờ tấn công Lạng Sơn. Quân Pháp đồn trú tại đây hoảng loạn tháo chạy qua Châu Bắc Sơn. Nhân cơ hội này, ông lãnh đạo các đội tự vệ tấn công và cướp súng của tàn quân Pháp để tự vũ trang cho mình. Hỗ trợ những người Cộng sản vận động dân chúng nổi dậy cướp chính quyền tại Bắc Sơn.

Quân khởi nghĩa làm chủ huyện lỵ Bắc Sơn được gần một tháng. Đầu tháng 2 năm 1941, Chu Văn Tấn được bầu làm Xứ ủy viên Bắc Kỳ phụ trách đội du kích Bắc Sơn.

Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 do Nguyễn Ái Quốc chủ trì tại Pắc Pó, tháng 5 năm 1941. Theo quyết định của Hội nghị, Đội du kích Bắc Sơn được đổi tên thành Trung đội Cứu quốc quân thứ nhất.

Pháp tăng cường đàn áp Bắc Sơn rất dã man. Tiểu đội do Chu Văn Tấn chỉ huy thoát khỏi vòng vây về được Pắc Pó. Trong những năm sau đó, ông chỉ huy Cứu quốc quân phát triển lực lượng, đánh du kích rất táo bạo. Biệt danh Hùm xám Bắc Sơn là do quân Pháp đặt cho Chu Văn Tấn.

Cuối năm 1944, ông chỉ huy lực lượng Cứu quốc quân 2 xây dựng Chiến khu Hoàng Hoa Thám, trở thành căn cứ địa vững chắc để đón lãnh tụ Hồ Chí Minh và các lãnh đạo khác về đây hoạt động.

Rồi thời điểm Quốc dân đại hội Tân Trào bầu Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam gồm 15 thành viên do Hồ Chí Minh đứng đầu và Chu Văn Tấn được bầu là Ủy viên.

Ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, Chính phủ lâm thời gồm 15 thành viên ra mắt quốc dân đồng bào. Chu Văn Tấn được bầu làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông giữ chức vụ này cho đến ngày 2/3/1946.

Năm 1948, Chu Văn Tấn được phong hàm Thiếu tướng cùng với 10 tướng lĩnh khác trong đợt phong hàm đầu tiên.

Từ năm 1949 đến năm 1954, ông làm Khu trưởng, Bí thư khu ủy Liên khu Việt Bắc, Chánh án Tòa án Quân sự, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu Việt Bắc. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II và Đại hội lần thứ III, Chu Văn Tấn được bầu làm Ủy viên chính thức BCH TW.

Từ năm 1954 đến cuối năm 1975, ông làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư quân khu ủy Liên khu Việt Bắc, Chủ tịch Ủy ban hành chính Khu tự trị Việt Bắc. Ngày 31/8/1959, ông được thăng quân hàm vượt cấp từ Thiếu tướng lên Thượng tướng và là một trong hai Thượng tướng lúc bấy giờ.

Một tư liệu mới toe, buổi đêm ấy mới được hay là trong buổi tiếp các đại biểu tham dự Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước tại Phủ Chủ tịch ngày 1/1/1967, Cụ Hồ đã gọi Chu Văn Tấn là “Người anh cả của lực lượng du kích quân Việt Nam”. Còn trong bài “Mừng ngày sinh nhật QĐND” đăng trên báo Nhân dân ngày 22/12/1964, với bút danh CB, Hồ Chí Minh viết: “…Đảng giao cho Bác trực tiếp lãnh đạo, các Đ/C Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Chu Văn Tấn, v.v, thì phụ trách việc tổ chức, huấn luyện và chỉ huy.

Thời gian mà chúng tôi vẫn thường thấy cái xe màu xám đưa đón Thượng tướng Chu Văn Tấn là lúc ông với cương vị Phó Chủ tịch Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất.

...Hôm sau, con xe của Chu Thành đang hạ sơn bỗng rẽ quành lượn một hồi. Hỏi ra Chu Thành đưa cả bọn đến thăm người lái xe riêng của cha anh ngày trước. Rồi xe gập ghềnh hướng đến một xóm nhỏ xứ trung du của Bắc Giang.

Được giới thiệu từ trước, tôi vẫn giật mình khi ngờ ngợ thoáng nhận ra người tài xế con xe Mốt cô vích năm nào ở Hồ Xuân Hương?

Ông có vẻ không già đi mấy và trẻ hơn cái tuổi đã sắp tám mươi? Nước da sáng, chắc hồi trẻ thuộc dạng kẻng trai.

Chả kẻng mà bà chị tôi lại chọn ngay, chứ cái chức lái xe cho ông tướng Chu Văn Tấn thì báu gì? Chu Thành cười hướng về bà vợ kém ông một tuổi, người gày mảnh mà hồi nãy vừa phàn nàn với Chu Thành cái căn bệnh dạ dầy kinh niên của mình.

Gặp người lái xe riêng của Tướng Chu Văn Tấn - Ảnh 4.

Chu Thành (phải) và Võ Hoài Nam bên mộ tướng Chu Văn Tấn. Ảnh: XB

Vùng bán sơn địa Lục Ngạn, địa bàn quần tụ bao đời của người Dao, Sán Chỉ, Tày Nùng, Cao Lan… Người Sán Chí (như cách gọi của ông bà đây) góp mặt cũng kha khá. Ngôi nhà tranh, nứa lá thuở nào cứ chênh vênh bao năm, gượng mãi bây giờ mới nên một nếp tàm tạm tường xây, mái ngói. Mái nhà tuềnh toàng này cũng là cứ điểm, là chỗ dựa cho người lính chủ nhân ngôi nhà này, tiếp sức cho ông vượt thoát bao sóng gió gian nan cuộc đời từng bất ngờ ập tới.

Nhà giờ ngó thông thống. Chả thấy vật dụng nào hiếm đắt. Như cái danh vải đất vải Lục Ngạn, ban nãy ngoài vườn chỉ tay vào mấy chục gốc vải, ông phàn nàn, năm được năm không, cũng chả nên mấy hột tiền. Mang ra chợ thì ông huyết áp, bà bệnh dạ dầy thì ngồi bán sao được. Năm đậu quả thì cánh buôn kéo đến ngõ trả hơn chục ngàn một cân…

Bộ tủ ly đóng theo lối cũ bằng thứ gỗ tạp, trên đặt bức ảnh cụ thân sinh ra ông Quý. Gian bên là tấm bằng Huân chương Kháng chiến Hạng nhất Chủ tịch Võ Chí Công ký năm 1988 cùng Bằng khen của phòng hành chính Quân khu Việt Bắc tặng Trương Văn Quý về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lập công năm 1971. Chứng nhận 30 năm tuổi Đảng từ dấu mốc ngày kết nạp 8-8 năm 1967. Thêm bằng khen chứng nhận thành tích khuyến học của Sở giáo dục Bắc Giang…

Tôi ngó lâu hơn bức ảnh để ở góc tủ ly đã mờ nhòe. Giọng chủ nhân bồi hồi. Đây là bức ảnh chụp tôi với Thượng tướng năm 1974 khi hai thày trò đi thăm Hồ Ba Bể đấy. Rồi ông quay mé sau tấm ảnh. Có dòng chữ đề Ngày 20-2-1974.

Bữa cơm gặp gỡ và thứ rượu trắng của người Sán Chí có lẽ cũng chỉ là cái cớ cho câu chuyện lân từ trưa sang chiều. Đầu những năm 60, anh chiến sĩ trẻ Trương Văn Quý ở phòng hành chính Quân Khu Việt Bắc được chọn làm lái xe riêng cho Thượng tướng Chu Văn Tấn. Ối, già! Cụ tình cảm với anh em lắm. Là tướng nhưng chả quát mắng gì. Cậu Long bảo vệ tính hổ lửa nhưng ngay thật. Có lần Long nóng chuyện chi đó, cụ cứ tỉnh queo, thủng thẳng ơ sao cái nóng ấy là của tao sao lại chuyển sang cho mày nhỉ?

Ai đó trong mâm đang nhắc đến phiên xử Cục trưởng Cục quân lương Trần Dụ Châu mà Tướng Chu Văn Tấn ngồi ghế Chánh án mấy ngày liền. Ông Quý bảo cũng vẫn thi thoảng được cụ nhắc lại chuyện ấy.

Mà tính cụ nghiêm lắm nhé. Lần ấy về một bản cơ sở. Bà con đem gà vịt rượu nấm quý đến bảo cho cụ mang về Hà Nội mà bồi dưỡng. Cụ thì đương làm việc trên nhà. Chả thằng nào trong đám cân vụ, lái xe dám ho he gì vì biết tính cụ. Vậy nên gà vịt thịt gạo cứ chất đống bên xe. Khi về, cụ cảm động khoác tay đồng bào vừa cười vừa khóc nói là mình nhận rồi đấy nay gửi lại bà con…

Có một lúc, ông Quý chậm rãi kể vài kỷ niệm về những ngày đêm liên miên gian khó thày trò bám trụ trên công trường xây dựng con đường Hạnh Phúc Hà Giang Mèo Vạc.

Hơn mười lăm năm lái xe cho tướng Tấn, bao nhiêu là kỷ niệm? Ông Quý chỉ nhấp vài hớp vì bệnh cao huyết áp. Có lúc ông chống đũa đăm đăm nhìn về phía tấm ảnh ở hồ Ba Bể năm nào! Có vẻ như khó mà khơi gợi những hồi ức từ người lái xe vốn kín tiếng này?

Người con trai cả ngồi bên tôi ngày bé từng được tướng Tấn cho theo bố về đơn vị để tiện bề đi học. Nhưng ông bố cười, anh này lười học lắm. Sau này anh đi bộ đội chiến đấu ở biên giới phía Bắc. Thêm vui khi được biết ông bà có đến 8 người con, 4 trai bốn gái và một lũ cháu nội ngoại. Lại có cậu con út đang theo học ở Học viện Quân sự…

Rời Lục Ngạn một hồi mới sực nhớ ra chưa kịp hỏi cái mối quan hệ bằng hữu đặc biệt giữa tướng Tấn và tướng Trần Tử Bình mà như hồi nãy ông Quý nói cũng có biết? Cùng những lần vấp váp vui vẻ đâu đó kính thưa thượng tấn Chu Văn tướng… Và còn bao nhiêu là chuyện muốn biết từ người lái xe, có thể nói duy nhất còn sót, còn đang sống trong số những lái xe của 11 vị tướng đầu tiên Bác Hồ phong năm 1948?

Có lẽ đợi dịp sắp kỷ niệm 80 năm Khởi nghĩa Bắc Sơn, lại phiền hà Chu Thành cho thượng sơn một chuyến?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại