Đến bãi giữa sông Hồng, hỏi ông Nguyễn Đăng Được chẳng ai không biết, bởi ông là người đầu tiên đặt chiếc thuyền ở bãi giữa sông Hồng mưu sinh. Mãi sau này, khi những người lang thang, cơ nhỡ khắp nơi tụ về mới thành một xóm ngụ cư ven sông.
Video: Cuộc sống cơ cực của người dân bãi giữa sông Hồng
“Linh hồn” của xóm ngụ cư
Trong căn nhà được dựng trên nền đất, ông Được vừa mới đi làm về còn chưa kịp rửa chân tay. Sau khi biết được mục đích của chúng tôi đến bãi giữa, ông Được chẳng ngần ngại nói: "Tôi ở đây, ai còn lạ gì. Muốn biết về dân bãi giữa thì gặp tôi là đúng rồi".
Cũng giống như ông Được, những người tới bãi giữa sông Hồng sinh sống hầu hết là người lang thang, cơ nhỡ, không nhà cửa. Họ bỏ đi nhiều năm nên địa phương đã cắt khẩu. Nhiều gia đình đã sống ở đây được 3 thế hệ.
Cả xóm ngụ cư có tất cả 27 hộ dân, mỗi gia đình một hoàn cảnh khác nhau nhưng hầu hết những đứa trẻ đều là con ngoài giá thú.
Bố mẹ chúng không có giấy tờ tùy thân nên những đứa trẻ sinh ra không được đăng kí giấy khai sinh và hầu hết chúng chỉ được học hết lớp 5 rồi bỏ học.
Lo lắng cho thế hệ thứ 3 của xóm lại thất học, ông Được cất công tìm hiểu từng hoàn cảnh một rồi lặn lội về địa phương xác minh lý lịch từng người.
Có lý lịch, nguồn gốc, những đứa trẻ mới được đăng ký giấy khai sinh, mới được đi học. Bây giờ, tất cả những đứa trẻ sinh ra ở xóm ngụ cư này đều có giấy khai sinh và được đến trường, đi học như bao đứa trẻ khác.
"Người dân ở đây nghèo lắm, tôi được tính là giàu nhất khu này rồi. Tôi còn thuê được mấy công đất làm trang trại chăn nuôi, trồng trọt. Gọi là trang trại cho sang chứ cũng chưa đâu vào đâu", ông Được nói.
Những người dân xóm ngụ cư có sức khỏe một chút, hàng ngày ra chợ ngồi, ai gọi thì đi làm. Phụ nữ thì lên cầu bán hàng nước.
Những cụ từ 50 tuổi trở lên chỉ có một nghề duy nhất là nhặt rác. Đêm đêm, họ lang thang khắp thành phố Hà Nội nhặt chai lọ, giấy vụn để bán, đến sáng mới trở về căn lều để nghỉ ngơi.
Mọi việc lớn nhỏ trong làng, họ đều phải nhờ đến ông Được. Đứa ông lo giấy tờ cho đi học, đứa thất nghiệp ông tìm việc làm thêm...
Thậm chí, những người già khuất núi, một tay ông cũng phải mang về địa phương hoặc xin phép chính quyền sở tại cho mồ yên mả đẹp.
Để người dân xóm ngụ cư được cư trú hợp pháp dưới bãi giữa sông Hồng, ông Được đã mất nhiều năm gõ cửa rất nhiều cơ quan.
Nhờ vào sự miệt mài ấy, cuối cùng UBND Ngọc Thụy đã cho phép người dân được sống tạm trú ở đây. 27 hộ dân bãi giữa vì vậy không còn phải bỏ chạy mỗi lần có lực lượng chức năng tới truy quét nữa.
Mặc dù được cho phép tạm trú nhưng 27 hộ dân ở đây không thuộc bất kỳ một phường xã nào quản lý. Để giữ gìn an ninh trật tự, người dân đã tin tưởng và bầu ông Được là trưởng xóm.
Hàng tháng, họ vẫn họp hành, bảo ban nhau sống, giữ gìn an ninh để người ta không đuổi mình ra khỏi khu vực. Ông Được từ đó cũng trở thành linh hồn của người dân xóm ngụ cư bãi giữa sông Hồng.
Chênh vênh không biết đi đâu về đâu
Trước thông tin Hà Nội sắp quy hoạch hai bên bờ sông Hồng để làm thành phố nổi, ông Được tỏ ra lo lắng: "Người ta nói an cư thì mới lạc nghiệp.
Nhưng những người sống ở đây lúc nào cũng thấp thỏm lo lắng về chỗ ở thì không biết đến bao giờ mới ổn định được".
"Qua ti vi, báo đài tôi biết có thông tin Hà Nội sắp quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Mới đây, người ta còn đổ cho chúng tôi một con đường bê tông chạy thẳng vào làng không biết vì mục đích gì.
Nhưng từ dạo đó, có nhiều người đến đây quan sát đất bãi nhiều hơn" - ông Được cho biết.
"Tôi lo lắm. Chúng tôi di cư bất hợp pháp đến đây. Chúng tôi khỏe mạnh còn có thể tiếp tục tha hương, còn người già, trẻ em, họ không thể lang thang mãi được.
Xóm ngụ cư có hơn 20 trẻ em và người già cô đơn không nơi nương tựa. Nếu quy hoạch hai bên bờ sông Hồng thì chúng tôi sẽ đi về đâu?".
"Tôi thấy lo cho mình mà cũng nghĩ đến dân. Chúng tôi là dân di cư bất hợp pháp về đây nên không thuộc sự quản lý của bất kỳ địa phương nào.
Đã hơn 30 năm rời bỏ quê hương, chúng tôi cũng không thể quay về bởi địa phương đã cắt khẩu. Đó là còn chưa kể đến có những người còn quên mất nguồn gốc, xuất xứ của mình. Nếu không có bãi giữa sông Hồng, chúng tôi lại lang thang", ông Được nói.
Ông Được chia sẻ thêm: “Có nhiều cháu trong xóm học rất giỏi. Đời chúng nó được học hành thì nhất định sẽ khác chúng tôi. Chúng tôi không đòi hỏi cao sang, chỉ mong muốn có một chỗ ở mới yên bình".
Rời khỏi bãi giữa sông Hồng, tôi trăn trở về ước mong giản dị của ông Được cũng giống như 27 hộ dân ở bãi giữa sông Hồng - chỉ một ngôi nhà nhỏ và bình yên để sinh sống không biết bao giờ mới thành hiện thực.