Trò chuyện với diễn viên Thu Nga, hiện đang công tác tại Nhà hát Tuổi trẻ, tôi thật sự ngỡ ngàng với sắc vóc mặn mà, đằm thắm của bà mẹ 2 con.
Cũng như nhiều thế hệ 8X, ấn tượng với vai Thương nên khi gặp chị, tôi đã gọi nhầm tên Thương chứ không phải là tên thật Thu Nga.
Chị cười hiền: "Nhiều người gặp tôi cũng hay gọi nhầm tên "chị Thương kìa, cô Thương kìa….! Điều đó làm tôi vui lắm.
Đó có thể là điều quý giá nhất đối với người nghệ sĩ, chứ không hẳn là tiền bạc. Hạnh phúc nhất của nghệ sĩ là ra đường khán giả nhận ra mình".
Thời đó, đạo diễn Đỗ Thanh Hải có về các trường nghệ thuật để tuyển diễn viên. May mắn với gương mặt phúc hậu, nụ cười duyên dáng, cô gái Tuyên Quang đã lọt vào mắt xanh để trao gửi nhân vật Thương.
Dù là diễn viên tay ngang, chưa được đào tạo về diễn xuất nhưng nhờ lối diễn chân thật vai diễn của Thu Nga đã chinh phục được khán giả.
Có điểm chung giữa 3 cô sinh viên Thương, Nhung (Kiều Anh), Nguyệt (Hà Hương) là đều xuất thân từ diễn viên múa.
Thu Nga kể rằng, họ vẫn thỉnh thoảng vẫn gặp nhau trong những đợt đi diễn chung. 17 năm sau khi bộ phim kết thúc, cuộc sống của ba cô sinh viên ngày ấy đã thay đổi.
Nếu Thu Nga và Kiều Anh vẫn gắn bó với nghề múa, thì Hà Hương đã giã từ nghề múa để tập trung công việc kinh doanh.
Hiện nay, chỉ còn Kiều Anh theo đuổi sự nghiệp diễn xuất phim truyền hình. Gần đây, khán giả gặp Kiều Anh trở lại với vai diễn Hoa trong phim "Tình khúc Bạch Dương".
Chị kể về vai diễn được khán giả "thương" nhất, đó là sau khi phim kết thúc Thu Nga nhận được nhiều thư từ khán giả truyền hình.
Nhưng chị nhớ nhất là có đôi vợ chồng Việt kiều Na Uy, cảm thương cho số phận của Thương đã lặn lội hỏi thăm đến tận nhà để trao quà và mong muốn được giúp đỡ.
Thế nhưng, khi biết được cuộc sống của Thương không như trong phim, họ có chút "hụt hẫng". Đó là một kỷ niệm đáng nhớ.
Khi được hỏi, sở hữu gương mặt đẹp, tại sao Thu Nga không tiếp tục đóng phim hay là chị lo sợ không vượt qua "cái bóng" của vai Thương?
Thu Nga cho hay: Cô vốn là người phụ nữ của gia đình, hơn nữa, công việc của anh xã bận rộn. Cả hai đã có thỏa thuận chồng là trụ cột kinh tế, vợ lo hậu phương.
Chúng tôi đã có 10 năm bên nhau và đủ hiểu, hạnh phúc quan trọng nhất của mỗi người chính là tổ ấm gia đình.
Tôi vẫn tham gia nghệ thuật, với niềm đam mê múa, được làm công việc mình yêu thích đó là sự an nhiên, tôi hài lòng với cuộc sống của mình.
Chồng tôi làm bên giáo dục nhưng cũng rất ủng hộ công việc của vợ. Hàng ngày, sau những buổi tập luyện hay đi diễn của Nhà hát Tuổi Trẻ, Thu Nga lại tất bật trở lại với công việc nội trợ và chăm sóc 2 đứa con nhỏ.
"Đã có nhiều bạn bè thắc mắc hỏi sao không đi đóng phim. Mặc dù tôi cũng nhận khá nhiều lời mời đóng phim, nhưng có lẽ chưa có duyên với một vai diễn nào sâu sắc.
Tôi bận rộn với con cái, nếu lựa chọn đóng phim, xa con vài tháng trời mà vai diễn không có nhiều dấu ấn thì liệu có đáng?
Bởi thế, tôi nghĩ mình là diễn viên "tay ngang" nên có được vai diễn để đời được khán giả nhớ đến thì cũng là một hạnh phúc không gì hơn của người nghệ sĩ rồi", Thu Nga nói.
Trái hẳn với vai diễn Thương hiền lành, ngây thơ trên phim, ngoài đời, Thu Nga là người phụ nữ mạnh mẽ và tự lập. 15 tuổi, chị đã quyết định từ Tuyên Quang đến Hà Nội theo học nghề múa.
Vốn là người yêu ca hát, lại thích múa từ nhỏ nên Thu Nga đã ứng thí và trúng tuyển vào trường múa.
Nhờ sự hỗ trợ từ người cô ruột là giáo viên trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, Thu Nga không gặp nhiều khó khăn khi sống tại Thủ đô.
Ra trường, dù có nhiều đơn vị mời về làm việc nhưng Thu Nga quyết định xin vào làm việc tại Nhà hát Tuổi trẻ vì ở đó có sân khấu kịch và múa. Sau 17 năm gắn bó với môi trường sân khấu, Thu Nga vẫn mong muốn được tỏa sáng với sân khấu múa.
Hiện tại, Thu Nga là lứa diễn viên múa được coi là khá "dừ" tại Nhà hát nhưng cô vẫn luôn lạc quan.
Những đồng nghiệp của cô thấu hiểu khó khăn của nghề múa, nghề cần sắc vóc và hình thể đẹp, tuy nhiên, theo quan điểm Thu Nga, ngắn hay dài tùy thuộc vào từng cá nhân nữa. Khán giả quan niệm, diễn viên múa phải trẻ đẹp.
Với riêng Thu Nga hay nhiều diễn viên múa Nhà hát Tuổi trẻ, đều cố gắng để kéo dài tuổi nghề, có thể kém về nhan sắc một chút nhưng lại có chuyên môn, nghiệp vụ cao.
Một lợi thế của Nhà hát Tuổi trẻ là có cả sân khấu kịch và sân khấu ca nhạc. Thế nên, các diễn viên múa không chỉ tập luyện nghề múa chính thống, còn trau dồi kỹ năng biểu diễn, diễn xuất.
Bên cạnh công việc là diễn viên múa Đoàn ca múa nhạc Nhà hát Tuổi trẻ, Thu Nga còn là giáo viên dạy nhảy Rumba, với mong muốn giữ sắc vóc thân thể và có niềm vui trong nghề.
Chia sẻ về sự chuyển mình của Nhà hát Tuổi trẻ thời gian gần đây, khi Nhà hát tích cực đổi mới, đa dạng hóa các loại hình nghệ thuật, đặc biệt là NSƯT Chí Trung – GĐ Nhà hát quyết tâm đưa ca múa nhạc trở lại Nhà hát, bước lại những bước đi của thập kỷ 80, diễn viên múa Thu Nga cho biết, đó là một tín hiệu rất vui với các nghệ sĩ múa và Đoàn ca múa nhạc để họ vững tâm và phát triển nghề.
Điều này minh chứng việc nhà quản lý đã quan tâm đến nhu cầu và thị hiếu của khán giả. Hiện nay, khán giả có nhiều lựa chọn, khán giả trẻ họ thích xem phim tại rạp, xem phim online, các chương trình gameshow,…
Hơn nữa, nhu cầu của khán giả cũng khác, ngày xưa họ đi thưởng thức, còn bây giờ họ đi giải trí.
Sống ở Hà Nội ai cũng tất bật cơm áo gạo tiền, cuối tuần đơn giản là tìm đến các chương trình giải trí vui, có tính chất giáo dục, trong khi sân khấu kịch cần sự chiêm nghiệm.
Họ không đến với sân khấu kịch không phải dân trí đi xuống mà nhu cầu được thay thế bằng các loại hình nghệ thuật mới.
Phát huy lợi thế Nhà hát Tuổi trẻ có cả múa và kịch, việc đẩy mạnh những đêm ca nhạc nhằm tiếp cận đông đảo khán giả quay trở lại sân khấu.
Điều quan trọng chính là mang đến cho khán giả một chương trình âm nhạc đúng nghĩa, chất lượng, giá cả "vừa túi tiền"…