Những ngày Tết, ông Trần Thanh Hùng (67 tuổi; ngụ xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) vẫn miệt mài trên đồng ruộng để chăm sóc cho những "đứa con cưng" của mình là các giống lúa đã được lai tạo.
Cơ duyên với lúa lai
Ăn vội chén cơm trưa ngày đầu năm, ông Hùng kể vào thời điểm trước năm 2000, đất ruộng dậy phèn gây chết lúa hàng loạt ở giai đoạn mới vừa trổ bông nên nhiều gia đình khóc ròng. Một số khác cũng chỉ cầm cự được vài năm rồi bán đất, bỏ xứ đi làm thuê kiếm sống.
"Tôi nhớ rất rõ là trước năm 2000, người dân trong vùng Bảy Núi thuộc 2 huyện Tri Tôn và Tịnh Biên phải đi đến tận trại giống Bình Đức ở TP Long Xuyên (An Giang) mua giống về gieo sạ nên rất vất vả và tốn kém mà có khi cũng thiếu hàng. Lúc đó, tôi có cơ duyên là được học lớp nhân giống lúa nguyên chủng ra xác nhận để sử dụng cho địa phương. Sau đó, tôi được học thêm lớp khác nhằm nâng cao tay nghề bằng cách lai tạo giống. Ban đầu mình cũng chỉ nghĩ học cho biết nhưng đâu ngờ khi bắt tay vào làm thì càng mê"- ông Hùng bộc bạch.
Tận dụng lúc nhàn rỗi khi mùa lũ về, ông Hùng trang bị hệ thống nhà lưới phía trên sân thượng nhà mình làm chỗ nghiên cứu lai tạo giống. Bước đầu, ông chọn giống Miền Tây Lúa 250 (MTL 250) để lai với rất nhiều giống lúa thuần chủng ở địa phương để tăng khả năng chịu phèn nặng. Tuy nhiên, đây là những giống lúa có chất lượng thấp nên đến mùa thu hoạch thì nông dân khó đạt lợi nhuận cao nên bản thân ông Hùng cũng chưa dám đặt tên cho những giống lúa này.
Ông được trang bị hệ thống đo nhiệt độ, lượng nước hàng ngày để thử sức chịu hạn của cây lúa trong tình trạng đất nứt nẻ.
"May mắn đến với tôi là vào thời điểm đó, các nhà khoa học thuộc Trường ĐH Cần Thơ đến An Giang dự hội thảo về chương trình "3 giảm, 3 tăng". Lúc đó, có người trong đoàn nói tại sao ở đây có nông dân biết lai tạo giống lúa tốt như vậy mà không ai ngó tới. Hội thảo vừa xong, mấy ổng "bắt" tôi đem về Cần Thơ đào tạo tiếp trong dự án của Philippines tài trợ. Cũng từ đó, tôi vững tin lai tạo thành công giống lúa NV1 (Núi Voi 1) từ giống Jasmin với MTL 233. Tôi xem giống lúa mới này như "con cưng" của mình vì nó đáp ứng được rất nhiều tiêu chí như chịu được hạn, phèn và cho gạo thơm ngon để xuất khẩu"- ông Hùng phấn khích nhớ lại.
Làm vì đam mê
Hơn 20 năm bắt tay vào nghiên cứu, lai tạo giống lúa mới, ông Hùng tự hào vì đã có bộ sưu tập với 35 giống mang tên NV (NV1 đến NV35) và nhiều loại giống khác đang chờ được công bố.
"Ngoài 35 giống lúa đã được thuần chủng, hiện tôi đang nghiên cứu làm hàng trăm dòng lúa phân ly có khả năng chịu hạn cao theo dự án của Viện Lúa Quốc tế IRRI. Trong số này, có nhiều dòng đã thuần rồi và có thể đem trồng đại trà nhưng do dịch Covid-19 nên còn chờ các chuyên gia bên đó qua để thống nhất đặt tên. Đây là những giống lúa cho năng suất cao để đáp ứng nhu cầu lương thực trong điều kiện biến đổi khí hậu chứ thật ra nó không ngon cơm"- ông Hùng khẳng định.
Cũng theo ông Hùng, trong số 35 dòng lúa mang tên NV thì NV13 đã được công nhận cấp quốc gia và được Sở Khoa học và Công nghệ An Giang xin đổi tên lại là AG1 để làm giống lúa chủ lực của tỉnh. Đặc tính nổi trội của NV13 là loại lúa ngắn ngày, chịu phèn cực tốt nên có thể trồng đại trà tại vùng Tứ giác Long Xuyên và nhiều nơi khác ở ĐBSCL vì có thể cho năng suất bình quân 6-8 tấn/ha.
Riêng giống IR1,2-5 đã được Bộ NN-PTNT đánh giá khả năng chịu bệnh đạo ôn cháy lá tốt nhất từ trước đến nay so với các giống khác. Nông dân sử dụng IR1,2-5 cũng sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí trong khâu bơm nước vì nó có khả năng chịu hạn rất tốt trong điều kiện đất đai nứt nẻ nhưng vẫn cho năng suất không dưới 8 tấn/ha.
"Hiện nay, nhiều nông dân và cả thương lái đều săn lùng tìm mua giống lúa IR1,2-5. Họ mua về rồi tự nhân ra sử dụng cho hàng trăm ha đất chứ mình không đủ để cung cấp. Khả năng thật sự của tôi cũng chỉ có thể cung cấp ở mức bình quân mỗi năm khoảng 20 tấn lúa giống các loại. Tuy nhiên, tôi luôn sẵn sàng chia sẻ các loại giống đầu dòng cho các trung tâm giống ở các tỉnh như Vĩnh Long, Bến Tre và Bạc Liêu. Hướng tới đây, tôi chủ yếu đầu tư lai tạo một số giống lúa thơm chất lượng cao tương đương như ST25 nhưng vẫn đảm bảo chịu hạn và phèn để giúp bà con nông dân tăng thêm thu nhập"- ông Hùng cho biết.
Chuyên gia ""chân đất" vùng Trung Mỹ
Đang trao đổi về chuyện làm lúa giống rồi lo đầu vào, đầu ra thì ông Hùng nhớ lại vào khoảng cuối năm 2008, ông bất ngờ khi nhận được tin vui từ Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL mời sang Nicaragua (Trung Mỹ) để báo cáo về kinh nghiệm trong quá trình lai tạo và nhân giống lúa phục vụ cộng đồng do Tổ chức Tài trợ Phát triển thế giới (DF) của Na Uy tài trợ. Tại đây, ông được các đại biểu các nước khu vực Trung Mỹ hết lời khen ngợi vì đề tài tham luận có tính thực tiễn cao. Đặc biệt, ông Hùng còn cầm tay chỉ việc cho người dân sở tại về cách lai tạo giống lúa kiểu Việt Nam để đôi bên cùng học hỏi lẫn nhau.
"Có thể nói, sau chuyến đi đó đã thôi thúc tôi làm thêm nhiều giống lúa mới để thỏa niềm đam mê của mình. Quan niệm của tôi là làm lúa giống không vì mục đích kinh doanh mà chủ yếu là đam mê và chia sẻ cho cộng đồng đối với giống ít sâu bệnh, cho năng suất cao để mọi người nhân rộng ra làm. Hiện nay, 30 công đất ruộng nhà tôi đều để dành cho việc nghiên cứu lai tạo giống lúa với hơn 90 loại khác nhau. Nếu bà con nông dân áp dụng cách làm của tôi thì đảm bảo sẽ tiết kiệm được ít nhất 30% chi phí từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng như bơm tưới nước so với cách làm thông thường"- ông Hùng khẳng định.