Những ngày gần đây, MXH chia sẻ lại hình ảnh một anh chàng làm phục vụ trong quán cafe với gương mặt biến dạng. Cùng lúc đó, nhóm Sài Gòn Xanh cũng đăng những hình ảnh anh chàng “mặt sẹo” ấy lội mương nhặt rác cùng nhóm. Các hoạt động ý nghĩa của “nhân vật này” khiến nhiều người tò mò và càng khâm phục hơn ý chí, trái tim của cậu ấy.
Chàng trai ấy vốn không xa lạ với nhiều người. Cậu là Ngô Quý Hải - Chủ Tiệm bánh Hướng Dương ở TP.HCM.
Phỏng vấn Ngô Quý Hải - Chủ Tiệm bánh Hướng Dương ở TP.HCM - Video: Di Anh
“Ông kẹ” không bạn bè, tuổi thơ lủi thủi đi chăn bò
Năm 1994 ở tỉnh Kon Tum, khi ấy Ngô Quý Hải được hơn 6 tháng tuổi, như bao đứa trẻ khác, cậu bé hào hứng bước những bước chân đầu đời trên chiếc xe tập đi của mình. Nhưng rồi tai nạn kinh hoàng ập đến, Hải ngã vào nồi cháo đang sôi trên bếp lửa.
Từ một cậu bé kháu khỉnh sinh ra lành lặn, khuôn mặt của Hải bị biến dạng nặng nề vì bỏng. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng bố mẹ Hải vẫn cố chạy vạy từng đồng tiền đưa con vào TP.HCM, đi hết các bệnh viện lớn để phẫu thuật. Chưa đầy 1 tuổi, Hải phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật đau đớn, dù vậy, khuôn mặt ấy vẫn phải chịu nhiều di chứng, những vết sẹo không thể xóa mờ, mắt không thể nhắm, cử động khó khăn.
Dù giữ được mạng sống sau tai nạn nhưng Hải trải qua những tháng ngày tuổi thơ không thực sự “sống”. Trái tim anh chết đi nhiều lần khi chứng kiến bạn bè hắt hủi, gọi mình là “ông kẹ”.
“Năm lớp 1, mình được xếp ngồi chung cuối lớp với một bạn. Nhưng khi mẹ bạn ấy thấy mình thì đã khiếu nại với giáo viên là không muốn con mình ngồi chung với “một thằng cu như thế”, bảo rằng mình sẽ ảnh hưởng việc học của con họ. Mình nghe vậy nên quyết định nghỉ học. Không ai ngờ đó là quyết định sai lầm nhất trong cuộc đời mình”, Hải kể lại.
Hải nói, lúc nhỏ thì đứa trẻ nào mà suy nghĩ sâu xa được cho tương lai. Ba mẹ thương Hải bị cô lập trong lớp nên cũng không phản đối gì.
“Bây giờ được quay lại, mình rất muốn đi học. Dù sao thì có kiến thức vẫn hơn không có, nếu lúc trước mình cố gắng đi học thì bây giờ mình có thể làm được khá nhiều việc. Trải qua tuổi thơ lủi thủi chơi 1 mình, rồi đi chăn bò khoảng 3-4 năm, mình rất buồn nhưng với gương mặt này thì không đủ dũng khí đến trường”.
16 tuổi, Hải rơi vào trầm cảm, cậu đóng cửa trong phòng và không tiếp xúc với bất kỳ ai, cảm thấy cuộc sống không công bằng với chính mình. Hải lao đầu vào game suốt 3-4 năm. Hải nói, cậu dễ có những người bạn trên game vì trên mạng thì “không ai thấy mặt mình hết”.
Bước ngoặt sau 14 cuộc phẫu thuật từ nước Đức
Năm 2016 có thể xem là bước ngoặt lớn của Ngô Quý Hải khi cậu được một tổ chức từ thiện tài trợ sang Đức phẫu thuật tái tạo khuôn mặt và điều trị miễn phí trong 6 tháng.
“Khi mình bước chân ra khỏi nhà đi qua Đức phẫu thuật, tìm lại cuộc sống mới. Mình trải qua 14 cuộc phẫu thuật, có đợt hôn mê suốt 21 ngày”, Hải nhớ lại những ngày điều trị một mình tại một đất nước hoàn toàn xa lạ, và sự quan tâm của những người xung quanh đã giúp cậu vượt qua thế nào.
Các bác sĩ người Đức, những người Việt Nam trong hội đồng hương đã luôn bên cạnh động viên Hải. Trong đó có một người phụ nữ mà Hải xem như mẹ nuôi. Dù nhà cách bệnh viện Hải điều trị 100km, bà vẫn sắp xếp thời gian nấu cơm, mang đến cho Hải và trò chuyện, tâm sự với cậu.
Hải nhớ lại điều đã tiếp thêm động lực để cậu làm lại cuộc đời: “Ở bệnh viện mình chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn hơn, có những người không có tay chân nhưng lúc nào họ cũng vui vẻ lạc quan. Lúc đó mình mới tự nhủ là mình còn tay còn chân, còn đi lại được, cố gắng về học kiếm cái nghề tự nuôi sống bản thân mình”.
Cuối năm 2016, Hải quay về Việt Nam, chật vật một thời gian không thể xin được việc làm cũng khiến cậu có lúc nản muốn bỏ cuộc. Đúng lúc đó, Hải tình cờ biết được trung tâm dạy nghề nhân đạo tên KOTO ở Hà Nội - là nơi cưu mang, dạy dỗ, hướng nghiệp... mở ra một tương lai tươi sáng cho rất nhiều trẻ em đường phố ở Việt Nam nên đã đăng ký theo học.
Ở đó, Hải được dạy nghề bếp và pha chế, tiếng Anh…. Cậu bắt đầu tập viết, tập đọc. Tự học ở nhà.
Anh chủ tiệm bánh thích làm việc thiện
Tốt nghiệp sau 2 năm, Hải không về quê mà vào Sài Gòn làm thêm các công việc khác ở nhà hàng để tích lũy kinh nghiệm, vốn sống. Khi “thời cơ chín mùi”, Hải quay về quê hương, mở một tiệm bánh của riêng mình, tiệm bánh mà cậu từng mơ ước sẽ có vào năm 10 tuổi.
“Năm 10 tuổi mình có được lên thành phố chơi và đi qua một tiệm bánh trưng bày bánh rất là đẹp, con nít mà, ai cũng thích bánh. Mình thấy giá cũng khá là cao, mình về để dành tiền để mua. Mấy tháng sau mình lên lại thành phố với tâm trạng háo hức mua được bánh thì họ thấy khuôn mặt mình như vậy, họ nói bảo vệ đuổi mình vì nghĩ mình vào đây xin xỏ.
Lúc đó mình thấy cuộc sống này sao bất công vậy, và mình nghĩ là sau này lớn lên mình sẽ học làm bánh để làm ra được những chiếc bánh như vậy. Lớn lên mình lại có duyên với nghề bánh và mở được tiệm bánh nhỏ, cũng xem như thực hiện được lời hứa lúc xưa. Hồi đó còn nghĩ, mình sẽ mở tiệm bánh để bán bánh cho tất cả mọi người, không phân biệt giàu nghèo, khuyết tật hay lành lặn. Mình làm được rồi”
Hải thuê 1 căn nhà cũ kĩ rồi tự tay sửa chữa, biến nó thành một không gian tràn ngập ánh sáng và màu sắc. Cuối tháng 4/2021, tiệm bánh chính thức khai trương ở KonTum với tên Sun House Coffee - Mặt trời ấm áp.
Mở cửa được 1 năm, tiệm bánh ngưng hoạt động do dịch Covid-19. Không nản chí, Hải quyết định vào TP.HCM, cùng một người anh mở Tiệm bánh Hướng Dương.
Không còn tự ti mặc cảm về ngoại hình, Hải lập luôn kênh TikTok để quảng bá tiệm bánh, đăng tải những hoạt động từ thiện, cộng đồng của mình và nhận được những phản hồi tích cực của mọi người. Đó là lúc Hải nhận ra: “Cuộc sống này thú vị ở chỗ không ai giống ai, chấp nhận điểm khác biệt của mình thì mình sẽ thấy thích nó. Thật ra cuộc sống này rất nhẹ nhàng, chỉ có suy nghĩ nặng nề của mình làm khổ mình thôi. Mình là một người kém may mắn nhưng mình không thể lấy lý do đó để bắt người khác phải thông cảm cho mình. Mình muốn được đối xử công bằng".
Thời gian rảnh, Hải vẫn dành tiền để làm bánh, nấu cơm đem tặng các cô chú lao công và những người vô gia cư, tham gia tổ chức trung thu cho các em ở mái ấm tình thương. Gần đây nhất, cậu tham gia cùng nhóm Sài Gòn Xanh để cùng ngâm mình dọn sạch kênh mương ở TP.HCM. “Cảm thấy biết ơn những người đã từng giúp đỡ mình, để bây giờ mình có thể đi giúp đỡ lại những người khó khăn khác”, Hải nói.
Hải nói, cậu vẫn phải mang một khuôn “mặt sẹo”, nhưng cậu có một trái tim lành lặn hơn ai hết. Vậy nên, với mỗi ánh nhìn của mọi người dành cho mình, Hải đã không còn quá để tâm như thời còn bé.
“Bây giờ mình đã chấp nhận con người của mình rồi. Khi mình đã chấp nhận thì xã hội cũng sẽ chấp nhận thôi, cái khó nhất là suy nghĩ của mình chứ không phải của người khác”.
Như tên tiệm bánh của Hải, dù có thế nào, cậu vẫn luôn là một đóa hoa hướng về mặt trời, bỏ lại bóng tối của quá khứ phía sau.