Lê Thị Phương Anh (tên thường gọi là Fen, sinh năm 1999) là một trong những thí sinh đăng kí dự thi chuyên ngành Nhiếp ảnh nghệ thuật (Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội) theo tổ hợp S00 (2 môn năng khiếu và Ngữ văn). Với tổng điểm đạt được là 23.75, cô bạn đã xuất sắc trở thành người có điểm số cao nhất trong kì thi tuyển sinh chuyên ngành Nhiếp ảnh năm nay.
Phương Anh thủ khoa ngành Nhiếp ảnh của Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội
Chào Phương Anh, cơ duyên nào đưa bạn đến với nhiếp ảnh?
Cái duyên nhiếp ảnh thực ra đến với mình từ rất sớm và cũng rất tự nhiên. Từ những năm cấp 1 mình đã có hứng thú với nghệ thuật, mình từng tham gia một số cuộc thi vẽ tranh, âm nhạc, với mình nghệ thuật là thứ rất cuốn hút. Cho đến những năm cấp 2 mình bắt đầu dồn sự quan tâm vào nhiếp ảnh. Mình hay rung động trước cái đẹp.
Bắt gặp một khuôn mặt đẹp, một cảnh tượng đẹp, một bông hoa hay thậm chí là một tâm hồn đẹp, mình đều mong muốn sẽ làm gì đó để lưu giữ lại. Khi đó mình chỉ có thể thỏa niềm đam mê bằng điện thoại.
Đến cuối năm lớp 11, mình có chiếc máy ảnh đầu tiên và bắt đầu chụp nhiều hơn, biết lồng ghép câu chuyện và đầu tư chất xám cho từng bức ảnh. Niềm hạnh phúc khi ấy đơn giản chỉ là ghi lại những khoảnh khắc thật đẹp bằng ống kính của mình.
Tại sao bạn lại lựa chọn chuyên ngành Nhiếp ảnh nghệ thuật (Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội)?
Sau khi có máy ảnh, mình có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về nhiếp ảnh, những tác phẩm xuất sắc của những nhiếp ảnh gia nổi tiếng, mình nhận ra mình đang thiếu một thứ quan trọng, đó là kiến thức bài bản vì trước nay mình chỉ bấm máy bằng cảm hứng chứ chưa bao giờ được học.
Và nói về kiến thức nhiếp ảnh, có thể rất nhiều nơi giảng dạy nhưng trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội không chỉ có những thầy cô gạo cội, dày dặn kinh nghiệm mà mình nghĩ mình sẽ còn học được nhiều hơn thế tại ngôi trường này. Nên việc lựa chọn Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội để theo học với mình là sự lựa chọn đúng đắn.
"Mình hay rung động trước cái đẹp. Bắt gặp một khuôn mặt đẹp, một cảnh tượng đẹp, một bông hoa hay thậm chí là một tâm hồn đẹp, mình đều mong muốn sẽ làm gì đó để lưu giữ lại".
Nổi tiếng là ngôi trường có đầu vào khắt khe, đòi hỏi tính chuyên môn cao, không biết trong quá trình ôn tập và chuẩn bị, bạn có gặp khó khăn gì không?
Trong quá trình ôn tập mình cũng không gặp quá nhiều khó khăn, mình rèn luyện bằng cách chụp nhiều và bổ sung thêm nguồn kiến thức xã hội mặc dù bản thân đã khá tự tin. Khó khăn duy nhất mình gặp phải là thời tiết xấu trong ngày thi thứ hai vòng chung tuyển.
Đây là ngày thi chụp ảnh, mình phải có mặt ở trường lúc 5 giờ 45 phút sáng cùng các thí sinh khác di chuyển đến làng Hương Ngải (Thạch Thất) cách trung tâm Hà Nội khá xa. Dưới trời mưa tầm tã, để có được bức ảnh tốt nhất, ai cũng phải vật lộn với áo mưa, ô, mũ,… và mình cũng không ngoại lệ. Vì máy ảnh là đồ kĩ thuật số nên rủi ro khá cao, mình vừa phải bắt những khoảnh khắc, vừa phải tìm cách bảo quản máy tránh hỏng hóc.
Nhưng dù sao mình cũng đã hoàn thành khá tốt phần thi và thực sự đó là một ngày đi chụp rất đáng nhớ của mình, khởi đầu cho những trải nghiệm thú vị khác khi theo học ở nơi đây, mình cảm thấy khá hào hứng. Bên cạnh đó, mình may mắn khi gia đình rất ủng hộ mình trên con đường nghệ thuật nên mọi khó khăn đều trở nên dễ dàng hơn.
Khi biết tin mình đứng đầu danh sách trúng tuyển, cảm xúc của bạn như thế nào?
Mình cũng cảm thấy bất ngờ vì mình đi thi với mục đích học hỏi là chính, nên khi biết mình đậu và còn là thủ khoa, mình thực sự rất vui. Đặc biệt khi nhận được những lời chúc mừng từ phía gia đình, người thân, bạn bè, mình càng cảm thấy hạnh phúc. Mình xem như đây là một cái duyên và là bước khởi điểm tốt cho con đường học tập và theo đuổi đam mê của mình tại ngôi trường này.
Ngoài nhiếp ảnh, bạn còn "mê" thứ gì khác nữa?
Mình luôn đam mê cái đẹp nên make-up và thời trang cũng không ngoại lệ. Đó là lí do bạn có thể thấy, ngoài việc chụp ảnh mình cũng chăm chút cho ngoại hình và định hướng phong cách một cách rõ nét.
Nhiếp ảnh hiện đại có một mối liên kết với các dòng nghệ thuật khác. Mình có gặp rất nhiều người, trong đó 50% những người yêu thời trang, thích chụp ảnh, và 50% người theo nhiếp ảnh có hứng thú với make-up. Mình có một người chị là make-up artist rất giỏi, đôi khi làm việc với chị ấy khiến mình bị cuốn theo công việc này, bởi cách pha trộn màu sắc hay tạo điểm nhấn trên khuôn mặt khiến con mắt nghệ thuật của mình bị thu hút.
Mình cảm thấy khi có một sự đồng điệu giữa những người làm nghệ thuật thì tác phẩm của họ nghiễm nhiên sẽ rất xuất sắc. Trường phái ảnh mình dự tính theo lâu dài cũng là potrait và high-fashion, nên việc hiểu biết về fashion hay make up là một lợi thế đối với mình. Không có gì lạ khi mình cũng hứng thú với những công việc này.
Với vai trò là thủ khoa, bạn nhận định như thế nào về nghệ thuật nhiếp ảnh những năm gần đây và phong cách mà bạn đang theo đuổi là gì?
Về nhiếp ảnh những năm gần đây thì vẫn chia ra nhiều thể loại và trường phái khác nhau. Mình không thiên về streetlife, thay vào đó sức hút của nghệ thuật high-fashion đối với mình nhiều hơn. Mình thích tự tay lên concept và bài trí từng thứ một theo cách của mình.
Theo những gì mình biết khi theo dõi các trang tạp chí và các nhiếp ảnh gia nổi tiếng ở trường phái này thì nghệ thuật nhiếp ảnh high-fashion hiện nay mang màu sắc đa dạng và táo bạo hơn hẳn so với cách đây khoảng 10 năm, và dạo gần đây thì có vẻ xu hướng tự nhiên chiếm nhiều hơn cả.
Không cần phải make up cầu kì như xưa, thay vào đó là những người mẫu với khuôn mặt mộc và đường nét cơ thể tự nhiên nhưng vẫn toát lên nội dung mà nhiếp ảnh gia muốn truyền tải, trên hết là vẫn mang phong cách high-fashion.
Hay có những tác phẩm được lồng ghép từ 2 phong cách streetlife và high-fashion cũng thực sự khiến người xem thích thú. Khi học tại trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội, mình mong sẽ có cơ hội tiếp xúc với nhiều trường phái để có thể tìm ra điểm chung, lồng ghép lại và tạo ra những tác phẩm tốt hơn.
Vậy dự định sắp tới của bạn là gì?
Mình đang ấp ủ một vài bộ ảnh, sau kì thi này thì mình sẽ có nhiều thời gian hơn để thực hiện. Với mình, sự tiến bộ về khả năng chỉ có thể đến bằng cách thực hành.
Nên có lẽ mình sẽ chăm chỉ bấm máy hơn và thử nhiều phong cách khác nhau để có một cái nhìn tổng quát về nhiếp ảnh. Sắp tới mình cũng dự định vài chuyến đi chơi xa, vừa thăm thú cảnh vật và cũng vừa phục vụ cho đam mê chụp ảnh của mình.
Qua đây, bạn có muốn nhắn nhủ hay chia sẻ gì tới những bạn trẻ có cùng đam mê nhiếp ảnh hay không?
Mình chỉ muốn nói rằng, nếu bạn thực sự yêu thích nhiếp ảnh, hãy cố gắng trải nghiệm thật nhiều. Không cần phải máy móc cầu kì, chỉ cần có một công cụ có thể chụp ảnh được, hãy cứ cầm nó lên và để những bức ảnh bạn chụp đem lại cho bạn cảm xúc mới lạ, bởi mỗi bức ảnh là một câu chuyện, một hành trình, một thứ bạn từng nhìn thấy, một nơi bạn từng đi qua, một người bạn từng gặp gỡ.
Càng trải nghiệm nhiều, bạn sẽ càng có nhiều cảm hứng và động lực hơn để tiếp tục theo đuổi con đường này. Thay vì ngồi một góc và trầm trồ mãi về bức hình tuyệt đẹp của một nhiếp ảnh gia nào đó, hãy đứng lên và tạo ra những tuyệt tác cho chính mình, có thể ngoài kia còn vô vàn khoảnh khắc đẹp hơn mà bạn có cơ hội bắt gặp. Với nhiếp ảnh, hãy bấm máy bằng cả trái tim và lòng nhiệt huyết!
Cảm ơn Phương Anh về cuộc trò chuyện thú vị, chúc cho bạn sẽ thật thành công với đam mê của mình!