Cuộc gặp giữa những người lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới lần này sở dĩ gây nên sự quan tâm, chú ý lớn của quốc tế bởi mấy tháng gần đây đã liên tiếp xảy ra các vụ việc khiến quan hệ giữa hai quân đội trở nên căng thẳng. Trong thời gian đó hai bên đã hủy bỏ kế hoạch thăm Bắc Kinh của ông James Mattis vào tháng 10.
Xảy ra vụ va chạm hiếm thấy trên Biển Đông giữa tàu chiến của hai bên trong một hành động của hải quân Trung Quốc ngăn cản quyết liệt tàu chiến Mỹ thực thi quyền tự do hàng hải trên biển bằng cách đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý xung quanh đảo nhân tạo Ga Ven ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam mà Trung Quốc chiếm giữ và bồi đắp phi pháp. Mới đây nhất, hôm 16.10, Mỹ đã cho 2 máy bay ném bom chiến lược B-52 thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện trên vùng trời Biển Đông, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bày tỏ "kịch liệt phản đối".
Theo trang tin Đa Chiều (DWNews), cuộc hội đàm giữa hai ông James Mattis và Ngụy Phượng Hòa đã diễn ra trong suốt 90 phút (dự kiến ban đầu là 60 phút) nhưng "không đạt được bất cứ thỏa thuận mới nào". Sau cuộc hội đàm, ông Randall Schriver – Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách vấn đề An ninh Châu Á – Thái Bình Dương cho báo chí biết: "Cuộc gặp gỡ này được tiến hành theo đề nghị của phía Trung Quốc và nói, các quan chức Mỹ coi đây là tín hiệu của Trung Quốc muốn ổn định mối quan hệ quân sự giữa hai bên".
Ông nói, xây dựng mối quan hệ không dễ bị tổn hại với quân đội Trung Quốc là điều rất quan trọng đối với việc giảm thiểu những xung đột có tính phá hoại. Hai bên Mỹ - Trung cần đảm bảo khi xảy ra những sự cố ngoài ý muốn, không để leo thang thành xung đột có tính tai họa. Randall Schriver cho rằng, cuộc gặp gỡ đồng thời cho thấy cả hai bên đều mong muốn quan hệ giữa hai quân đội bình thường và ổn định.
Về nội dung hội đàm, ông Randall Schriver tiết lộ, hai bộ trưởng nói về nhiều vấn đề, nhưng trọng tâm là tranh chấp về Biển Đông. Phía Mỹ cho rằng, hành động quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông là thiếu trách nhiệm. Còn Trung Quốc thì trách Mỹ duy trì sự có mặt quân sự không thích hợp.
Ông James Mattis nhấn mạnh, nhiều nước trong khu vực cùng với Mỹ giữ lập trường phê phán những hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Randall Schriver nói: "Tiêu điểm thảo luận là vấn đề Biển Đông, nhận thức của hai bên vẫn bất đồng. Đó là lĩnh vực mà chúng tôi vẫn tồn tại sự khác biệt và sẽ cần tiếp tục trao đổi".
Ông Randall Schriver cũng cho rằng, mặc dù bất đồng gay gắt, nhưng hai bên đều thừa nhận bản thân việc gặp gỡ nhau đã có ý nghĩa quan trọng. Việc trao đổi ở cấp cao sẽ giúp làm dịu tình hình, tránh được xung đột, "xét về ý nghĩa đó, thì cuộc gặp gỡ đã có kết quả".
Randall Schriver nói: "cuộc gặp gỡ không giải quyết được bất đồng tiềm tàng có thể dẫn tới xung đột giữa hai bên, có một số vấn đề là thách thức lâu dài".
Theo Đa Chiều, các quan chức tham dự cuộc gặp gỡ nói, hai Bộ trưởng đã thảo luận hầu như mọi vấn đề quân sự quan trọng giữa hai nước, trong đó có việc sắp xếp cho chuyến thăm Washington của ông Ngụy Phượng Hòa nhưng chi tiết vẫn phải bàn bạc thêm, rằng "hai bên đều cam kết sẽ sắp xếp thời gian để chuyến thăm đó diễn ra".
Từ đầu năm đến nay, Mỹ nhiều lần cho máy bay B-52 bay tuần tra trên Biển Đông và biển Hoa Đông bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của phía Trung Quốc
Randall Schriver cho biết, quan hệ quân sự giữa Mỹ và Trung Quốc đột biến bắt đầu từ hồi tháng 9, Mỹ tiến hành trừng phạt Bộ công tác Phát triển trang bị Quân ủy Trung Quốc và tướng Lý Thượng Phúc, người cầm đầu cơ quan này. Nguyên nhân trừng phạt là quân đội Trung Quốc mua vũ khí của Nga, vi phạm đạo luật về trừng phạt toàn diện Mỹ ban hành năm 2017.
Trung Quốc đã phản ứng rất mạnh bằng việc triệu hồi tướng Thẩm Kim Long, Tư lệnh Hải quân Trung Quốc đang ở Mỹ tham dự hội nghị quốc tế và có kế hoạch thăm chính thức Mỹ về nước. Sau đó, hoãn tổ chức hội nghị đối thoại giữa Bộ Tham mưu liên hợp hai quân đội dự kiến tổ chức tại Bắc Kinh vào cuối tháng 9. Tiếp đó đã hủy bỏ chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tới Bắc Kinh dự định trong tháng 10, lấy cớ ông Ngụy Phượng Hòa "có việc đột xuất, không hội đàm với ông James Mattis được".
Trước khi Bộ trưởng Quốc phòng hai nước tiến hành gặp gỡ, Randall Schriver đã nói: "Hai cường quốc hạt nhân có lợi ích khu vực và toàn cầu cần phải đảm bảo rằng, nếu một bên không cẩn thận dẫm lên ngón chân của bên kia thì sự việc cũng không leo thang trở thành sự kiện có tính tai họa".
Đa Chiều cho rằng, sự việc "dẫm chân nhau" mà Randall Schriver nói là chỉ việc ông James Mattis trên máy bay tới Singapore dự Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước do ASEAN tổ chức có nói với các nhà báo: "Mỹ không định kiềm chế Trung Quốc, Trung Quốc và Mỹ là hai nước lớn, hoặc hai cường quốc Thái Bình Dương, hai cường quốc kinh tế, cũng có lúc dẫm lên ngón chân nhau".
Randall Schriver cho rằng phía Trung Quốc cũng có thái độ tương tự. Ông nói: "Bộ trưởng James Mattis gặp gỡ được Bộ trưởng Ngụy Phượng Hòa cho thấy phía Trung Quốc cũng muốn giữ cho tình hình bình thường và ổn đinh. Mỹ cũng có thái độ giống như thế".
Theo Tân Hoa xã, ông Ngụy Phượng Hòa trong hội đàm đã nói: "Hợp tác, cùng chiến thắng là sự lựa chọn duy nhất để thực hiện phát triển lâu dài quan hệ song phương, tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau là chất kết dính tốt nhất cho việc đi sâu giao lưu quân đội hai bên. Tôn trọng bao dung là phương pháp tốt nhất để giải quyết mâu thuẫn, bất đồng. Hai bên cần nỗ lực tăng cường trao đổi chiến lược, quản chặt nguy cơ an ninh, mở ra lĩnh vực hợp tác, thúc đẩy quan hệ giữa hai quân đội phát triển ổn định, lành mạnh. Lập trường nguyên tắc của Trung Quốc về các vấn đề Đài Loan và Biển Đông kiên định không thay đổi. Quân đội Trung Quốc kiên định quyết tâm bảo vệ chủ quyền quốc gia, hy vọng phía Mỹ thuận theo tình thế, đi cùng một hướng với Trung Quốc, tích cực cống hiến để cùng giữ gìn hòa bình, ổn định trên thế giới và trong khu vực".
Vụ việc được cho là va chạm nghiêm trọng hiếm thấy: tàu khu trục Trung Quốc (trước) chạy cắt mũi tàu Mỹ ở khoảng cách 40 mét khi tàu Mỹ đang hoạt động bên trong phạm vi 12 hải lý xung quanh đá Su Bi ở Trường Sa. |
Ông James Mattis nói: "Giữa Mỹ và Trung Quốc tồn tại bất đồng, nhưng bất đồng không phải là đối kháng, cạnh tranh cũng không có nghĩa là đối địch. Mỹ muốn phát triển quan hệ giữa hai quân đội, cho rằng tăng cường hợp tác là con đường hợp lý duy nhất để phát triển quan hệ giữa hai quân đội. Trong tình hình hiện nay, hy vọng tiếp tục duy trì sự trao đổi giữa các cấp hai bên, sử dụng tốt cơ chế hợp tác để quan hệ hai bên phát triển theo quỹ đạo đúng".
Trước đó, hôm 4.10, Đài CNN đưa tin, Hải quân Mỹ đang bí mật lập kế hoạch triển khai một loạt cuộc diễn tập quân sự ở Biển Đông và eo biển Đài Loan, thể hiện khả năng giáng trả "kẻ thù tiềm tàng" – cách nói mà dư luận cho rằng là ám chí Trung Quốc.