Vừa qua, một bộ ảnh về vị Thiếu úy CSGT cũng cảm đối mặt, thuyết phục tên cướp đang kề dao vào cổ như muốn tự sát đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội.
Nhiều người tán dương vị nhiếp ảnh gia đã ghi lại những bức ảnh đắt giá, mô tả rõ nét từng biểu cảm, sắc mặt của anh CSGT và tên cướp. Nhiều người thán phục sự dũng cảm và tò mò về anh CSGT ấy sau 11 năm như thế nào.
Đại úy Nguyễn Đăng Thanh (lúc đó đang là Thiếu úy) một mình thuyết phục tên cướp buông bỏ mã tấu, đầu hàng, cách đây 11 năm, tại quận 1, TP.HCM. Ảnh: Dave MacMillan
Phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM đã tìm đến Đội CSGT Tân Sơn Nhất để gặp vị CSGT ấy. Bây giờ đã là Đại úy Nguyễn Đăng Thanh (34 tuổi). Tuy dáng người và gương mặt có phần tròn trịa hơn so với trước.
Nhưng khi đi vào chi tiết, từng sống mũi, ánh mắt đến nụ cười, vẫn chính là Thiếu úy trẻ ngày ấy.
+ Phóng viên: Khi anh thấy bộ ảnh ghi lại cuộc đấu trí với tên cướp cách đây 11 năm ở quận 1, cảm xúc của anh như thế nào?
. Đại úy Nguyễn Đăng Thanh : Lúc đó tôi rất bất ngờ và vui. Thật sự mà nói, sự việc năm ấy tôi cũng không còn nhớ nhiều. Vì ngày đó hay bây giờ thì công việc truy đuổi tội phạm cũng đều là trách nhiệm của tôi, của người cảnh sát.
Tôi cũng chưa bao giờ nhắc lại hay kể với ai, đồng nghiệp hay gia đình. Quả thực đó là công việc bình thường của chúng tôi, nên phần nào lãng quên nó. Chỉ khi nào có thương tích thì mới kể (cười).
+ Hẳn nó cũng gợi nhớ cho anh nhiều điều?
. Đúng vậy, tôi như được sống lại thời tuổi trẻ ấy. Còn nhớ, lúc còn trẻ, tôi rất mê phim “Cảnh sát hình sự” nên mới yêu nghề. Lúc đó tôi mới bước vào nghề được 2-3 năm. Và đó là vụ bắt cướp đầu tiên tôi thực hiện.
Đối mặt với tên cướp, tôi cũng không hề sợ vì tôi có tuổi trẻ, có nhiệt huyết mà. Tôi cũng máu lửa và không sợ chết.
Bộ ảnh cũng là cơ hội để tôi lưu giữ là kỷ niệm trong nghề. Vì từ đó đến giờ bao nhiêu lần bắt cướp hay làm nhiệm vụ khác, tôi không có những bức ảnh như thế này.
Lúc đó tôi khoảng 65kg, bây giờ đã lên 80 kg rồi. Thậm chí có bạn bè quen nhau lâu mà bây giờ xem hình ngày đó còn thốt lên “Ủa Thanh đây hả”.
Đại úy Nguyễn Đăng Thanh bây giờ đã tròn trịa hơn 11 năm trước. Ảnh: LÊ THOA
+ Vậy sự việc năm đó, có lẽ anh không còn nhớ nhiều?
. Tôi chỉ nhớ là sự việc xảy ra vào trưa một hôm cuối năm 2007, còn ngày cụ thể thì không rõ nhưng sau thấy nhiếp ảnh gia Dave chụp vào ngày 24-11-2007. Khi ấy tôi đang công tác ở Đội CSGT Bến Thành, và mới 23 tuổi đời.
Hôm đó, tôi đi cùng một anh CS cơ động. Khi đi đến đường Lý Tự Trọng, phát hiện hai thanh niên đi xe máy áp sát giật điện thoại một cô gái trẻ đi đường.
Lập tức chúng tôi đuổi theo. Đi khoảng 3 vòng quận 1, đến đường Thái Văn Lung thì áp xe khiến đối tượng té xuống. Cậu ta liền chạy vô hẻm, lấy mã tấu giấu trong cốp xe ra từ lúc nào không hay. Vậy là kề dao lên cổ đòi tự sát.
Sau 11 năm tôi không còn nhớ mặt cậu ta, cho đến khi thấy bộ ảnh của ông Dave.
+ Lúc thấy tên cướp đang kề dao trên cổ, anh nghĩ gì? Anh có sợ xảy ra tình huống xấu nhất không?
. Trong quá trình truy đuổi, có lẽ tôi đã làm bị thương tên cướp ấy, đồng thời bị dồn vào đường cùng vì ngoài tôi còn có nhiều người dân vây quanh hỗ trợ, hẻm lại cụt nên cậu ta sợ, đành liều mạng.
Phần tôi thì khi chạy theo tên cướp vào trong hẻm thì tôi cũng rớt mất vũ khí, trong người chỉ có một cây gậy nhưng lại… để quên ngoài xe (cười). Vì vậy chỉ còn cách bình bĩnh đối phó.
Trong đầu cũng rất lo sợ vì nếu như bị dồn vào đường cùng, cậu ta có thể sẽ làm liều. Còn mình là cảnh sát, bị thương tích, hy sinh mình đều sẵn sàng.
Anh CSGT năm nào rất bất ngờ khi nhìn thấy bộ ảnh ghi lại kỷ niệm của một thời tuổi trẻ. Ảnh: L. THOA
+ Anh và tên cướp đã nói gì khi “mặt đối mặt” với nhau trong hẻm cụt?
. Nhìn dáng dấp của tên cướp tôi đoán cậu ấy còn trẻ tuổi lắm, công cụ đi cướp cũng chưa chuyên nghiệp, cũng không thấy có biểu hiện của đối tượng dùng ma túy. Nên tôi đoán có lẽ vì thiếu tiền để chơi bời nên mới làm liều. Trong lòng có thương cảm.
Vậy nên bao nhiêu chữ nghĩa học được từ việc vận động, thuyết phục quần chúng tôi đều mang ra sử dụng. Tôi đã khuyên cậu ta đầu hàng, nếu không nhiều người dân xung quanh sẽ đánh cậu ta vì đã cướp giật.
Khuyên cậu ta đừng lên tự tử vì không có lý do gì để phải hy sinh mạng sống của mình. Ai sai lầm cũng đều có cơ hội làm lại từ đầu.
Và tôi đã hứa nếu cậu ta buông mã tấu xuống, chịu trói thì tôi sẽ che chắn, không để bất kì ai đánh cậu ấy. Còn trách nhiệm trước pháp luật thì phải chịu. Tôi đã hứa với cậu ấy một câu như vậy và đã thực hiện nó.
Sau một hồi thuyết phục, thì có lẽ tên cướp sợ và hối hận nên đầu hàng.
+ Xem xong bộ ảnh, anh có tò mò về tên cướp năm nào không?
. Có chứ, tôi cũng thắc mắc không biết cậu ta bây giờ thế nào, có hoàn lương không. Nhiều năm qua đi, tôi cũng đã tham gia nhiều vụ bắt cướp khác. Nhưng sự việc tên cướp đòi tự tử thì chỉ gặp đúng một lần.
+ 11 năm qua đi, cuộc sống và công việc của anh có gì thay đổi không?
. (Cười). Bây giờ tôi đã có vợ và hai con, cuộc sống hạnh phúc. Còn trong công việc tôi vẫn máu lửa như xưa, không ngại xả thân. Đồng nghiệp, bạn bè, thậm chí và vợ tôi khi xem bộ ảnh cũng hay chọc ghẹo lắm.
+ Nếu như có một lời nhắn nhủ đến vị nhiếp ảnh gia Dave MacMillan thì anh sẽ nói gì?
. Tôi cũng đã có liên lạc với ông ấy và cảm ơn ông đã giúp tôi có một kỷ niệm đẹp. Nhiều người cũng hỏi sao chúng tôi không gặp nhau. Và tôi cũng đang mong chờ điều ấy.
+ Xin cảm ơn anh và chúc anh công tác tốt!
Mời bạn đọc báo Pháp Luật TP.HCM cùng ngắm một số hình ảnh khác ghi lại khoảnh khắc Đại úy Nguyễn Đăng Thanh bắt và thuyết phục tên cướp, 11 năm trước của nhiếp ảnh gia Dave MacMillan:
Hình ảnh ghi lại cuộc đối mặt của anh CSGT và tên cướp đang muốn tự sát 11 năm trước. Ảnh: Dave MacMillan