"Gáo nước lạnh" bất ngờ từ Nga: Syria-Thổ bắt tay, người Kurd lâm vào thảm họa?

Hải Võ |

Khu vực rộng lớn ở biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ nhiều khả năng sớm được trở lại dưới quyền kiểm soát của chính phủ tổng thống Bashar al-Assad - theo Asia Times.

Khu vực rộng lớn ở biên giới Syria-Thổ này hiện đang được chia cắt dưới quyền kiểm soát của lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn và các nhóm vũ trang khác là đồng minh với Ankara.

Trong thời gian qua, chính quyền tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhiều lần lặp lại quyết tâm loại bỏ người Kurd khỏi khu vực giáp biên giới nước này, do Ankara cáo buộc người Kurd ở Syria có liên hệ với đảng Công nhân người Kurd (PKK) - tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ bị chính phủ liệt vào danh sách các nhóm khủng bố.

Trong động thái nhằm ổn định tình hình biên giới Syria-Thổ trước diễn biến Mỹ rút binh lính khỏi Syria, tổng thống Nga Vladimir Putin đã khởi xướng trở lại Thỏa thuận Adana - một hiệp định hơn 20 năm tuổi - nhằm đưa quan hệ Damascus và Ankara về quỹ đạo hòa bình.

Thỏa thuận Adana, ký kết giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 10/1998, được ca ngợi là bước đột phá vào thời điểm đó. Thỏa thuận đã giúp giải quyết mâu thuẫn trong quan hệ hai nước kéo dài suốt từ thời kỳ sụp đổ của đế chế Ottoman 70 thập kỷ trước đó.

Với trung gian hòa giải là cựu tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak, thỏa thuận kêu gọi trục xuất lãnh đạo PKK Abdullah Ocalan khỏi Syria, đồng thời dỡ bỏ các trại huấn luyện du kích người Kurd tại Syria và ở khu vực Thung lũng Bekka của láng giềng Lebanon. Đổi lại, Ankara đã triệu hồi lực lượng triển khai tại biên giới với Syria - khi ấy được cho là tín hiệu đe dọa bùng phát một cuộc tấn công toàn diện.

Thỏa thuận trên được tự động tái hiệu lực hàng năm kể từ 1998, nhưng đã bị vô hiệu vào tháng 10/2012 khi quan hệ Syria-Thổ bị cắt đứt.

Hiện nay, tổng thống Putin đang nỗ lực để "hồi sinh" hiệp định bị Ankara coi là lỗi thời này. Moskva tin rằng họ có thể mang lại ổn định cho khu vực phức tạp nói trên.

Gáo nước lạnh bất ngờ từ Nga: Syria-Thổ bắt tay, người Kurd lâm vào thảm họa? - Ảnh 1.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan (phải) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin gặp gỡ tại Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 11/12/2017 (Ảnh: Reuters / Umit Bektas)

"Dọn dẹp" biên giới

Ông Erdogan cho thấy thái độ cởi mở đối với đề xuất từ Nga, với điều kiện những quan ngại an ninh dài hạn của Ankara được bảo đảm. Chính phủ tổng thống Syria Assad cũng thể hiện tương tự.

Ít ngày sau hội nghị thượng đỉnh Nga-Thổ tại Moskva ngày 23/1, Bộ ngoại giao Syria đã ra thông cáo nói rằng chính phủ nước này vẫn cam kết với thỏa thuận Adana nếu tình hình biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ được khôi phục tình trạng như trước năm 2011 - khi cuộc nội chiến bùng phát tại Syria. Nói cách khách, Damascus cam kết "dọn sạch" khu vực biên giới hai nước khỏi sự hiện diện của bất kỳ nhóm vũ trang người Kurd nào (giống như điều họ thực hiện vào năm 1998) nếu như chính quyền Erdogan rút quân lực đang đóng tại tất cả các thành thị của Syria trong 3 năm qua - mới nhất là thị trấn Afrin ở bờ Tây sông Euphrates.

Lập trường của Syria dựa trên hai điểm mấu chốt. Amer Elias, nhà phân tích chính trị và thành viên đảng Baath cầm quyền tại Syria, nói với Asia Times:

"Đầu tiên là Thổ Nhĩ Kỳ phải rút quân khỏi toàn bộ lãnh thổ Syria, đặc biệt là ở khu vực tam giác Marea, Azaz, và al-Bab, ngoài ra còn cả Afrin. Thổ Nhĩ Kỳ cũng cần đình chỉ mọi hỗ trợ cho các nhóm vũ trang đang chiến đấu ở Syria."

Chỉ khi những điều kiện trên được thỏa mãn thì quan hệ hợp tác an ninh song phương mới trở lại được tình trạng trước 2011. Theo ông Elias, lúc này Ankara đang trong thế bị động hơn bởi đứng trước nỗi lo ngại về lực lượng Kurd.

Trước đây, thỏa thuận Adana trao quyền cho Thổ Nhĩ Kỳ truy đuổi các nhóm người Kurd tới phạm vi 5km bên trong lãnh thổ Syria, và cơ chế này chỉ được thực thi khi có sự phối hợp của nhà chức trách Syria, nếu như phía Thổ không thể xử lý các tay súng từ bên phía lãnh thổ của mình.

Phạm vi 5km chỉ giống như "móng tay" so với mục tiêu mà tổng thống Erdogan kỳ vọng hiện giờ: Một vùng an toàn sâu 32km vào lãnh thổ Syria và rộng 460km, chạy dọc già nửa biên giới hai nước. Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng sẽ nhượng bộ trong yêu sách này nếu phía Nga có thể chắc chắn rằng người Syria sẽ tuân thủ thỏa thuận và "loại bỏ" sự hiện diện của người Kurd.

Thỏa thuận mới sẽ cho phép Thổ Nhĩ Kỳ vây bắt người Kurd trên đất Syria, nhưng không được lập cơ sở quân sự dài hạn hay tiến sâu hơn vào nội địa Syria. Thỏa thuận cũng công nhận chủ quyền của Syria trên toàn bộ biên giới, bao gồm ở các thị trấn bị Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng từ năm 2016 như Jarablus và Azaz.

Người Kurd trước nguy cơ

Kế hoạch của Nga là một kịch bản thắng lợi cho tất cả các bên, trừ người Kurd. Quan ngại về an ninh của Ankara được xoa dịu, và chủ quyền của Syria được bảo đảm. Ông Putin sẽ một lần nữa là nhà hoạch định chính của tất cả mọi vấn đề liên quan đến Syria.

Thỏa thuận Adana mới, dưới sự chủ trì của Putin, đòi hỏi cam kết nghiêm túc từ cả Damascus lẫn Ankara nhằm biến hai địch thủ trở thành đối tác trong cuộc chiến chống khủng bố. Các đại sứ quán cần được mở cửa lại và các ủy ban quân sự chung được thành lập, cũng như các cuộc thăm viếng giữa giới chức đôi bên.

20 năm trước, cụm từ "xây dựng lòng tin" là chìa khóa thành công cho Adana. Khi thỏa thuận có hiệu lực, cuộc chiến truyền thông nhanh chóng hạ nhiệt, còn các căn cứ của người Kurd bị âm thầm dẹp bỏ. Bất kỳ nhân vật người Kurd nào mà Ankara "truy nã" đều bị ngăn chặn cư trú hoặc lưu thông qua lãnh thổ Syria. Một mạng lưới điện thoại trao đổi được lập nên giữa hai nước. Các liên hệ cấp cao và trình tự ngoại giao cũng được mở rộng.

Đây không phải là lần đầu tổng thống Putin lật lại các thỏa thuận cũ nhằm đạt được nhiều mục tiêu đồng thời ở Syria. Khi đi đến kết thúc cho chiến sự ở miền Nam Syria vào năm ngoái, ông viện dẫn đến Thỏa thuận ngừng bắn Syria-Israel năm 1974, theo đó biên giới Israel được bảo vệ bằng cách đẩy lùi lực lượng Hezbollah và nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) khỏi biên giới, đổi lại các lực lượng của LHQ sẽ trở lại với sự phối hợp của quân đội chính phủ Syria và cảnh sát vũ trang Nga.

Thỏa thuận Adana mới có thể giúp đưa chính phủ Syria trở lại kiểm soát biên giới phía Bắc, và một lần nữa dưới sự giám sát của Nga. Đây cũng có thể coi là Kế hoạch B cho tham vọng về vùng an toàn của ông Erdogan, giúp Ankara đạt được tất cả mục tiêu mà không bị tổn thất về tài chính hay quân sự, cũng như không gặp vấn đề phức tạp nào trong thực thi thỏa thuận như phải thương lượng với Mỹ hay thuyết phục Iran.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại