Từ trước tới nay người Đức vẫn thường coi nước Mỹ là thế lực bảo hộ nhân quyền và dân chủ trên toàn cầu, đồng thời là quốc gia dẫn đầu thế giới. Tuy nhiên, trong tuần vừa qua, sau khi sự kiện George Floyd – một người đàn ông da đen bị một cảnh sát da trắng ghìm cổ tới chết tại TP Minneapolis dẫn tới bạo loạn nhanh chóng lan rộng trên nhiều thành phố của nước Mỹ, nhiều người đã phải xem xét lại quan điểm của mình.
Bạo lực bùng phát cùng với cách chính quyền Tổng thống Donald Trump xử lý đại dịch COVID-19, đã tạo ra cho Berlin và một số quốc gia khác ấn tượng rằng, Mỹ đang bị mất phương hướng và có thể để tuột mất vai trò dẫn đầu của thế giới tự do. Điều này sẽ tạo ra một khoảng trống mà cho dù Đức hay Liên minh châu Âu chưa đủ sức hoặc sẵn sàng để thay thế.
"Đức không phải là nhà lãnh đạo của thế giới tự do", người đứng đầu bộ phận chính sách đối ngoại trong quốc hội Đức Juergen Hardt khẳng định với tờ SCMP.
Theo ông, "có những dấu hiệu cụ thể rằng Mỹ đang mất đi sự đoàn kết và ưu điểm từ lâu đã tạo nên sức mạnh của nó". "Thế giới từng tin rằng Mỹ rốt cuộc đều có thể giải quyết các vấn đề của mình… Giờ đây đang có nhiều nghi ngờ về điều đó", đồng minh lâu năm của Thủ tướng Angela Merkel chỉ ra.
Trong quá khứ, Berlin coi mình là một đồng minh và gắn kết chặt chẽ những lợi ích của mình với Washington - về cả kinh tế, chính trị và quân sự. Tuy nhiên, những kết nối này dần trở nên lỏng lẻo kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức và ngay lập tức thể hiện thái độ hoài nghi với những đồng minh lâu năm của Mỹ.
"Quan điểm từ bên ngoài là Mỹ đang từ bỏ vai trò của mình như nhà lãnh đạo tinh thần của thế giới", ông Thomas Jaeger, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Cologne đánh giá.
Tuần trước, Tổng thống Trump thông báo sẽ hủy bỏ các mối quan hệ giữa Mỹ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ông Trump cáo buộc WHO giúp Trung Quốc che giấu thông tin về COVID-19 trong những ngày dịch bệnh mới bùng phát ở TP Vũ Hán. Trước đó, ông cũng đơn phương hủy bỏ một loạt các hiệp định, bao gồm cả thỏa thuận về biến đổi khí hậu Paris và thỏa thuận hạt nhân với Iran… bất chấp những phản đối từ châu Âu.
"Điều đó tạo nên những khoảng trống và làm nước Mỹ yếu đi", ông Hardt nhận xét. "Mỹ đang tự làm mình yếu đi với tất cả những chia rẽ và giờ chúng đang được phản chiếu ở nước ngoài".
Người biểu tình bên ngoài đại sứ quán Mỹ tại Berlin (ảnh: AFP)
Tuần trước Thủ tướng Merkel đã công khai phản đối ý tưởng của ông Trump về tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7 tại Washington vào tháng 6 do những lo ngại về lây nhiễm COVID-19 cũng như khả năng sự kiện sẽ tạo ra các thông điệp gây nhầm lẫn trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, Đức không hề phù hợp để đảm nhận vị trí dẫn đầu thế giới tự do từ Mỹ. Một nguyên nhân lớn là người dân Đức không hề "mặn mà" với bất kỳ vai trò lãnh đạo nào có liên quan tới các vấn đề quân sự. Lối suy nghĩ này xuất phát từ lịch sử của nước Đức nửa đầu thế kỷ 20. Người Đức cho rằng, việc Mỹ ngày càng rút khỏi vai trò lãnh đạo toàn cầu sẽ đẩy nhanh quá trình sụt giảm vị thế của nó, đồng thời tạo ra một cơ hội ngoài dự kiến cho Trung Quốc.
Các cuộc thăm dò ý kiến tại Đức cũng cho thấy một sự thay đổi lớn, đặc biệt trong những người trẻ dưới 30 tuổi, khi họ ngày càng "rời xa" lập trường thân Đức, đồng thời lại có một cái nhìn "thân thiện" hơn đối với Trung Quốc. Theo kết quả một cuộc thăm dò thực hiện tháng trước, 73% người Đức thừa nhận cách nhìn của họ về nước Mỹ trở nên tồi tệ hơn bởi vì khủng hoảng COVID-19. Bên cạnh đó, 37% người Đức đặt ưu tiên lên mối quan hệ của đất nước với Mỹ - giảm từ 50% vào tháng 11 năm ngoái. Trong khi đó, 36% người Đức ủng hộ ưu tiên quan hệ giữa Đức và Trung Quốc – tăng từ 24% so với nửa năm trước.
"Rời bỏ WHO là một sai lầm và những động thái tương tự giống như một hình thức thoái vị", ông Jaeger đánh giá. "Ngay cả khi bạn tin rằng WHO và các tổ chức quốc tế khác lệ thuộc vào Trung Quốc, câu trả lời đúng vẫn là ở lại và thúc đẩy cải cách từ bên trong thay vì rời đi và đầu hàng đối thủ của mình… Giờ đây mọi thứ đều đi theo cách Trung Quốc mong muốn".
Cùng lúc, các chuyên gia khác cảnh báo, Đức nên suy nghĩ kỹ càng trước khi có bất kỳ động thái nào liên quan tới các vấn đề hiện tại của nước Mỹ.
"Virus corona, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và tình trạng bạo loạn hiện tại là một sự kết hợp khó khăn cho nước Mỹ", ông Joern Leonhard, giáo sư lịch sử từ Đại học Freiburg chỉ ra. "Sự đi xuống của nước Mỹ là một tin tức xấu mà không ai nên cảm thấy vui mừng. Trò chơi giờ đang thuộc về Trung Quốc. Có những kỳ vọng tại châu Âu và đâu đó rằng Đức có thể lấp đầy khoảng trống. Tuy nhiên xã hội Đức không thoải mái với vai trò đó. Vì vậy, đang có một khoảng cách lớn giữa kỳ vọng về một vai trò lớn hơn cho nước Đức với sự sẵn sàng đảm nhận của chính phủ và xã hội Đức. Không ai muốn điều đó".