Du nhập vào Việt Nam ở đầu thế kỷ 19 với nguyên bản là bánh mì Baguette của người Pháp, bánh mì Việt Nam có thể xem như là một trong những cuộc cải biên ngoại bang thành công nhất, làm phong phú thêm cho bức họa đồ văn hóa ẩm thực nước nhà mà không một nơi nào khác trên thế giới có được.
Vượt qua biết bao nhiêu biến cố thăng trầm, từ việc được sinh ra trong những lò gạch ở thập niên 50 - 60, đến thập niên 70 lại được nướng lên trong lò điện, rồi sau 1975 vì thời cuộc khó khăn bánh mì vẫn được duy trì làm nên từ những lò thùng phuy kinh điển.
Đến nay, bánh mì vẫn nghiễm nhiên là một trong những món ăn đường phố tiện lợi, ngon, rẻ được đủ mọi tầng lớp người Việt ưa chuộng.
Đặc biệt nhất, tại Sài Gòn, bánh mì không chỉ được xem là một món ăn đơn thuần mà nó còn là một nét văn hóa, một minh chứng cho nhu cầu ẩm thực cầu kỳ của chính những thị dân nơi đây.
Đáng tiếc, có lẽ vì thời cuộc đã khác, ngày nay đa phần các hàng quán bánh mì tại Sài Gòn đã chạy theo nhu cầu ăn uống "Tây hóa" của không ít người mà thay đổi ổ bánh mì nhận truyền thống: To hơn, nặng hơn với phần nhân bánh được "nhét" đầy các loại thịt nguội, chả lụa, bơ, pate, chà bông...
Cắn một miếng, mùi vị thơm giòn nức nở của lớp vỏ bánh mì lập tức bị át đi, khoang miệng chỉ tràn đầy thịt và thịt, ăn nửa ổ là thấy ngấy ở cổ. Cái giá phải trả cho mỗi ổ bánh mì như vậy cũng không hề rẻ, có khi lên đến 40 ngàn đồng.
Thế mới thấy, giữa những ổ bánh mì được cách tân tạo nên sự khác biệt đến chóng mặt ấy, một ổ bánh mì truyền thống với phần vỏ ngoài giòn giòn dai dai, phần nhân vừa phải, mọi thứ đều tự tay làm để đảm bảo hương vị, như ổ bánh mì của cái gánh bán rong, không tên tuổi, không một địa chỉ chính thức như dưới đây, quả thật quý vô cùng.
Quý không chỉ vì nó ngon, mà còn là vì nó vẫn tồn tại giữa bao thăng trầm thời cuộc suốt hơn 30 năm qua, để kể cho những thị dân sành ăn Sài Gòn về hương vị của một ổ bánh mì chuẩn truyền thống, mà ngày ai, không ít người đã quên đi mất...
Chủ của gánh bánh mì rong này có cái tên đẹp hơn so với cái nghề mà chị đã chọn - Tô Ánh Hồng, sinh năm 1967, người Sài Gòn gốc.
Chị nói, thực chất, 30 năm chỉ là con số được tính từ khi chị bắt đầu gánh cái gánh bánh mì này đi bán. Tuổi đời thật sự của nó còn hơn thế nữa. Trước đó, gánh bánh mì là của mẹ chị, bà bán từ lúc trẻ cho tới khi già mới giao lại cho chị.
Chị kể, thời mà mẹ chị còn gánh bánh mì đi bán dạo, cả gia đình chị sống ở Bến Hàm Tử, Quận 5 (nay là Đại lộ Võ Văn Kiệt). Lúc đó, hầu hết cả dòng họ nhà chị đều ở cùng khu và đều bán bánh mì rong, lên đến cả trăm gánh.
Chính vì có truyền thống đó, nên khi chị 14 tuổi, chị đã bắt đầu được cha mẹ tập tành cho gánh bánh mì đi bán. Lớn hơn chút, chị chính thức "kế thừa" gánh bánh mì của mẹ và bắt đầu "sự nghiệp" rong ruổi đi bán bánh mì khắp các nẻo đường ở Sài Gòn.
Nói gánh bánh mì rong thì nghe "gọn", chứ thực chất, chị nói nó nặng đến hơn 20kg, bao gồm nguyên vật liệu để nhận bánh mì và đặc biệt nhất là một cái lò than nằm trong lồng gánh, luôn luôn ấm nóng, giữ cho bánh mì lúc nào cũng giòn.
Nhưng nặng thì nặng, ngày nào cũng như ngày nào, nắng cũng như mưa, chị đều gánh nó đi bộ bán hết chỗ này đến chỗ kia, khi nào hết 300 ổ bánh mì mới về.
Đến bây giờ, do sức khỏe không còn cho phép nữa nên buổi sáng, từ 5 giờ 30 đến 9 giờ, chị gánh bánh mì đến ngồi bán cố định ở số 444 - 446 Hai Bà Trưng, phường 8, quận 3.
Còn buổi chiều, 14 giờ, chị gánh từ chợ Phú Nhuận bán dạo dài cho tới chợ Tân Định.
Được cái may mắn là những ai ăn bánh mì của chị đều rất thích và hầu như sẽ quay lại mua ủng hộ. Có người còn vô tình ăn thôi mà cũng bị "nghiện", ngày nào cũng ngóng chờ chị gánh đi ngang để mua ăn.
Thế nên, nhiều khi đi bán giờ chiều, dạo qua vài cái hẻm dọc đường Phan Đình Phùng, Hai Bà Trưng, chưa kịp tới chợ Tân Định thì bánh mì đã hết sạch. Chị khỏi nhọc công gánh đi xa.
Đây chỉ là một gánh bánh mì dạo, thoắt ẩn thoắt hiện, không địa chỉ cố định nhưng lý gì nó lại bán ra 300 ổ mỗi ngày và được nhiều người mê, trông ngóng để mua đến như vậy?
Câu trả lời cho câu hỏi này nằm trong hương vị của những ổ bánh mì được chị Hồng bán ra chỉ với giá 12 ngàn.
Bánh mì gánh của chị Hồng chỉ bán vài loại giản dị, không chả, không thịt. Chỉ có bì, trứng ốp-la, cá hộp và xíu mại.
Trứng với cá hộp thì khỏi bàn đi, vì thẳng thắng mà nói, nó chỉ "phụ họa" để cho gánh bánh mì của chị Hồng thêm phong phú hoặc phục vụ cho những khách hàng lâu lâu đổi vị. Trong khi đó, bì với xíu mại nóng mới chính là "linh hồn" của gánh bánh mì rong này.
Bì nhận bánh mì của chị Hồng đặc biệt thơm mùi gạo rang, lại dai dai giòn giòn, được chính tay chị làm bằng công thức do mẹ truyền lại, chứ không mua sẵn như những nơi khác.
Cắn ổ bánh mì bì giòn tan, mùi thơm của bì tỏa ra nức nở, kết hợp với ngò, dưa leo tươi, thêm chút the thé vị cay của ớt sừng và một chút ngòn ngọt, dịu dịu của nước mắm bí truyền nhà làm, đảm bảo không ngon không lấy tiền. Mà có lấy, cũng chỉ 12 ngàn, rẻ bèo.
Còn về xíu mại thì đúng sự thật là khó diễn tả bằng lời.
Ngon theo một kiểu rất riêng, rất lạ với một chút béo của từng viên thịt tươi nóng ấm trên lò than, mà có ăn đến cỡ nào cũng không bị ngán bởi sự tác động của vị chua thanh nhẹ nhàng của từng lát cà chua luôn được chị Hồng cắt bỏ thêm vào, mỗi khi nó vơi đi do đã bị chín rệu rã cùng thịt.
Chị chia sẻ, chị nấu xíu mại cũng bằng công thức đặc biệt của mẹ, chăm chút từng viên, không nêm quá nhiều gia vị để đảm bảo khi ăn không cảm thấy nặng nề và luôn giữ được tính chất thanh tao của xíu mại truyền thống - món ăn vốn được người Trung Hoa xem là điểm tâm nhẹ nhàng dùng vào buổi sáng.
Bánh mì vốn nhiều tinh bột nên chỉ cần xíu mại ngấy, nặng vị, hay đặc quạnh vì cho quá nhiều bột năng khi nấu, là ăn phát ngán liền tại chỗ, không rau dưa gì "cứu" nổi.
Thế mới nói, chính bằng sự tinh tế khi làm nghề kinh doanh ẩm thực này, dù hàng rong thôi, gánh bánh mì của chị Hồng vẫn được nhiều người ưa thích, ăn hoài, săn đón hoài, chưa một ai quay lưng bỏ đi.
Hơn 30 năm qua vẫn bán đều đều, ngày 300 ổ, mỗi ổ 12 ngàn. Vui mà nói, "đệ nhất bánh mì gánh Sài Gòn" là đây chứ đâu!