Ảnh: Samhoustonheart
Năm 2019, khoảng 17,9 triệu người trên toàn cầu tử vong vì các bệnh tim mạch. 85% trong số đó là do đột quỵ và nhồi máu cơ tim, hay còn được gọi là đau tim. Cứ sau 40 giây, một người ở Mỹ bị đau tim. Có một số yếu tố dẫn tới bệnh tim như hút thuốc, cao huyết áp, cholesterol cao,béo phì, tiểu đường…
Gần đây, các nhà nghiên cứu từ Đại học Copenhagen ở Đan Mạch đã phát hiện ra rằng ở những người không mắc bệnh tim mạch, việc bị xơ vữa động mạch vành do tắc nghẽn có thể làm tăng nguy cơ bị đau tim lên gấp tám lần. Gần một nửa số người trưởng thành trên 40 tuổi có triệu chứng đau tim “ẩn” như vậy.
Xơ vữa động mạch vành là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra đau tim, khi máu không thể đi tới tim. Các triệu chứng đau tim có thể xuất hiện rất nhanh hoặc kéo dài trong vài ngày. Người được điều trị càng sớm thì tỉ lệ sống sót của họ càng cao.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học kiểm tra hơn 9.500 người trên 40 tuổi không có triệu chứng bệnh tim mạch. Sau khi phân tích, họ phát hiện có 46% người bị mắc bệnh xơ vữa động mạch vành mà trước đó chưa biết, 36% không mắc bệnh tắc nghẽn, còn lại 10% mắc bệnh tắc nghẽn. Các nhà nghiên cứu đánh giá: “Đáng ngạc nhiên là có tới 10% người mắc bệnh tắc nghẽn mà không có triệu chứng. Đây là một phát hiện rất quan trọng mà chúng ta cần nghiên cứu thêm”.
Tiến sĩ, bác sĩ tim mạch Rigved Tadwalkar nói: “Đây là thông tin hữu ích giúp chúng tôi xây dựng các chiến lược phòng ngừa thích hợp trước các bệnh tim mạch”.