Không mang điện thoại vào phòng thi
Đúng 8 giờ sáng nay, thí sinh sẽ làm bài thi môn Ngữ văn, thời gian 120 phút. Thí sinh được yêu cầu có mặt ở điểm thi lúc 6 giờ 30 phút. Buổi chiều thí sinh làm bài thi Ngoại ngữ. Điểm mới năm nay là môn Ngoại ngữ sẽ thi trắc nghiệm hoàn toàn và Hà Nội chấm bằng phần mềm trên máy như thi THPT quốc gia trước đây.
Trước kỳ thi, gần 89.000 thí sinh đã đến 172 điểm thi để làm thủ tục dự thi, đính chính những sai sót và nghe cán bộ coi thi dặn dò trước kỳ thi khá đầy đủ, an toàn. Chỉ lác đác một vài thí sinh không đến nghe quy chế thi.
Sở GD&ĐT Hà Nội lưu ý thí sinh, thí sinh phải làm đủ số bài thi quy định, không vi phạm quy chế thi đến mức huỷ kết quả bài thi và không có bài thi nào bị điểm 0. Thí sinh đến muộn 15 phút kể từ khi trống tính giờ làm bài, sẽ không được dự thi môn đó.
Vì thời tiết nắng nóng, kỳ thi năm nay, Sở GD&DT hủy bỏ phần tập trung khai mạc kỳ thi trước môn thi đầu tiên để tránh việc thí sinh phải tập trung đông đúc, giữ sức khỏe. Giám thị liên tục nhắc nhở thí sinh, không tự ý sửa chữa sai sót trên phiếu; giữ phiếu báo thi như vật bất ly thân; nếu quên có thể dùng giấy tờ tuỳ thân để dự thi, tránh việc quay về nhà lấy khi đã sát giờ làm bài thi.
Tại một số điểm thi, cán bộ coi thi lưu ý thí sinh về trang phục dự thi phải quần dài, không mặc quần soóc đi thi. Đặc biệt, yêu cầu tuyệt đối không đem điện thoại vào phòng thi, nếu quên gửi người nhà, thí sinh có thể để ngoài phòng thi, tránh tiếng chuông reo sẽ bị lập biên bản.
Ghi nhận của phóng viên, trong ngày làm thủ tục đăng ký dự thi, tại các điểm thi, lực lượng tình nguyện viên đến từ các trường THPT, trường ĐH đón thí sinh từ cổng, hướng dẫn thí sinh đến phòng thi.
Lực lượng phòng cháy chữa cháy, y tế, điện lực cũng đã có mặt và cắm chốt tại các điểm thi. Tuy nhiên, một số thí sinh vẫn đi muộn, nhầm điểm thi.
Tại điểm thi Trường THPT Quang Trung, khi các thí sinh đã yên vị trong phòng nghe giám thị phổ biến quy chế thi, Nguyễn Gia K., học sinh Trường THCS Thành Công, quận Ba Đình được bảo vệ hớt hải dẫn chạy thẳng vào phòng thi số 19.
Tuy nhiên, đến tận cửa phòng thi, nhìn lại phiếu báo thi, bảo vệ mới phát hiện ra, thí sinh này đến nhầm điểm thi THPT Quang Trung thay vì THCS Quang Trung ở đường Trần Quang Diệu. Để kịp giờ, các tình nguyện viên hướng dẫn em chạy quay ra gọi người nhà đưa đến đúng điểm thi.
Tương tự K, cách đó ít phút, thí sinh Trần Hà Diệu L., học sinh Trường THCS Thái Thịnh, quận Đống Đa cũng được người nhà chở đến nhầm điểm thi. Rất may, thí sinh được lực lượng tình nguyện viên hỏi thăm thông tin từ ngoài cổng trường nên hướng dẫn em di chuyển đến điểm thi đúng kịp giờ vào phòng nghe phổ biến quy chế thi.
Trên loa phát thanh, các điểm thi thông báo, thí sinh nào lỡ nhầm điểm thi, không có người nhà có thể nhờ lực lượng tình nguyện viên chở xe máy đến điểm thi đúng.
Các tình nguyện viên ở quận Đống Đa, Hà Nội hỗ trợ thí sinh trong ngày 16/7 Ảnh: PV
Chỉ 62% vào trường công
Bà Nguyễn Việt Hiền, Điểm phó điểm thi THCS Khương Đình cho biết, điểm thi có 672 thí sinh với 28 phòng thi. Hôm qua, thời tiết mát mẻ nên thí sinh và người nhà di chuyển, chờ đợi đỡ vất vả. Trong các ngày thi, các phòng học đều có điều hoà, nước uống phục vụ thí sinh đầy đủ, sẵn sàng tốt nhất cho kỳ thi.
Ông Đỗ Sinh Tuyến, Điểm trưởng điểm thi Trường THCS Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân nói, năm nay Sở GD&ĐT quán triệt phải tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, chặt chẽ.
Vì thế, ngoài học tập kỹ quy chế cho cán bộ làm thi, sẽ tổ chức bốc thăm cán bộ coi thi, cán bộ giám sát và bốc thăm cả phương án phát đề thi trắc nghiệm bài thi môn Ngoại ngữ.
Kỳ thi năm nay giảm số môn thi, tinh giản chương trình nên đa số thí sinh, phụ huynh khi được hỏi đều cho rằng, họ cảm thấy giảm áp lực rất nhiều. Tuy nhiên, Hà Nội chỉ lấy 62% học sinh vào trường công nên họ vẫn không khỏi lo lắng.
Đợi con Nguyễn Tuấn Giang làm thủ tục dự thi, chị Nguyễn Thanh Hà chia sẻ, đồng hành với con học chính, học thêm suốt cả năm qua, nay con chuẩn bị bước vào kỳ thi chị lo đến mức không ngủ được.
Tuấn Giang là học sinh Trường THCS Trần Đăng Ninh, quận Hà Đông, nếu thi đỗ nguyện vọng 1 vào Trường THPT Quang Trung, Đống Đa sẽ phải đạp xe đi học những 8km nhưng con yêu thích và lựa chọn trường này nên gia đình ủng hộ.
Theo chị Hà, năm nay được giảm môn thi, tinh giản chương trình nhưng cả con và gia đình lại lo đề dễ thì điểm lại cao.
Còn chị Nguyễn Thị Thu Hiền, có con trai Bùi Trọng Kiên, học sinh lớp 9, Trường THCS Thái Thịnh chia sẻ, con đi thi, bố mẹ rất áp lực. Đêm trước ngày làm thủ tục dự thi, cả mẹ và con trằn trọc mãi. Tuy nhiên, trước mặt con, chị thường động viên, khích lệ con nỗ lực, nhất là giai đoạn nước rút.
Chờ đợi, lo lắng và hi vọng có lẽ là tâm trạng chung của phụ huynh đi thi. Trong câu chuyện chia sẻ về hành trình đưa đón con học chính, học thêm, nhiều phụ huynh kể, lắm hôm hai mẹ con rời nhà từ 6 giờ 30 sáng và về nhà lúc 10 giờ đêm.
Vất vả, áp lực chỉ vì cả bố mẹ và con đều muốn đỗ ngôi trường mình mơ ước. Nếu trượt, con phải học trường ngoài công lập sẽ có mức học phí không hề nhỏ, chưa kể không phải trường tư nào cũng là mục tiêu gửi gắm con của các phụ huynh.
10.000 tình nguyện viên Thủ đô tiếp sức thí sinh
Ngày 16/7, Thành Đoàn Hà Nội cho biết, chương trình Tiếp sức mùa thi năm nay có sự tham gia của gần 10.000 tình nguyện viên. Trong số 10.000 tình nguyện viên sẽ có 5.000 tình nguyện viên cấp Thành phố trực tiếp hỗ trợ thí sinh và người thân trong 2 giai đoạn.
Giai đoạn 1: hỗ trợ thí sinh và người thân trong kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2020 - 2021 tại 172 điểm thi. Giai đoạn 2: hỗ trợ thí sinh và người thân trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại 143 điểm thi.
Thanh Hóa hơn 36.000 thí sinh dự thi
Chiều 16/7, thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm học 2020-2021 và tuyển sinh vào Trường THPT chuyên Lam Sơn đã đến các điểm thi học quy chế thi, nhận phòng thi.
Năm nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 36.192 thí sinh đăng ký dự thi tuyển sinh vào lớp 10 THTP công lập, trong đó có 894 thí sinh đăng ký dự thi vào Trường THPT chuyên Lam Sơn. Kỳ thi diễn ra trong hai ngày 17 và 18/7.