Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49B) - Bộ Công an xác nhận, vừa phối hợp với lực lượng Thanh tra, Cục Thú y thuộc Bộ NN-PTNN, Chi cục Thú y TP.HCM phát hiện 1 lò giết mổ khủng tiêm thuốc an thần cho lợn.
Hiện các đơn vị nói trên đang tiếp tục làm rõ, xử lý.
Theo thông tin ban đầu, vài tháng trở lại đây, lực lượng C49B nắm bắt thông tin ở TP.HCM có một số cơ sở tiêm thuốc an thần cho lợn rồi giết mổ, bán ra thị trường.
Chiêu thức này làm cho lợn ngủ li bì, hạn chế hoạt động, vệ sinh để giảm tối thiểu hao hụt trọng lượng và làm cho màu sắc của thịt đẹp hơn, thịt dẻo, mềm.
Hóa chất được pha trộn để tiêm vào lợn trước khi giết mổ |
Từ thông tin điều tra sơ bộ, 22h30 tối 28/9, lực lượng C49B phối hợp với nhiều đơn vị đã bất ngờ ập vào kiểm tra tại cơ sở giết mổ Xuyên Á (nằm trên đường số 50, ấp Chợ, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi). |
Khu lò giết mổ này do bà Nguyễn Thị Tuyết N (SN 1977, ngụ Q.12) làm chủ và có khoảng 20 lò mổ của những cơ sở khác thuê lại.
Tại thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có 13 lò mổ tiêm thuốc an thần vào khoảng 4.626 con lợn.
Các đơn vị bắt quả tang Vũ Văn V (SN 1989, quê Nam Định) đang lần lượt tiêm thuốc an thần cho lợn, còn ông Nguyễn Văn D (SN 1976, ngụ quận Gò Vấp) dùng sơn đánh dấu các con lợn đã được tiêm thuốc.
Bước đầu xác định, loại thuốc được sử dụng là combistress (loại 50ml) và lactated ringers (loại 500ml) đã pha thuốc an thần để tiêm vào các con lợn.
Lúc kiểm tra, trong khu giết mổ có 5.231 con lợn nhưng có đến 4.626 con đã bị ngấm thuốc an thần, ngủ li bì…
Lực lượng tại hiện trường đã lập biên bản thu giữ 6 lọ thuốc combistress và 51 chai lactated ringers đã pha thuốc an thần. Đồng thời, cơ quan chức năng lấy hàng trăm mẫu nước tiểu của lợn để xét nghiệm.
Cơ quan chức năng làm việc với chủ khu giết mổ |
13/20 chủ cơ sở trong khu giết mổ khi làm việc với đoàn công tác đã thừa nhận là tiêm thuốc an thần cho lợn. Còn bà N. cho rằng, cho các chủ lò mổ thuê cơ sở chứ hoàn toàn không giám sát các hoạt động giết mổ. |
Theo đó, lợn được thu mua từ các tỉnh thành khác nhau, đưa về khu giết mổ của bà N., đến 21h đêm thì việc nhập lợn coi như hoàn tất. Sau đó lực lượng nhân công được phân chia nhiệm vụ tiêm thuốc an thần để lợn ngủ li bì.
Tầm 0h rạng sáng hôm sau, lợn được đem ra giết mổ, khi trời sáng thì có người đến chở đi tiêu thụ.
Cơ quan chức năng bước đầu lập biên bản yêu cầu các chủ lò ngưng hoạt động giết mổ gia súc tại khu giết mổ này và tiếp tục làm rõ để xử lý theo quy định.
Theo các chuyên gia, việc tiêm thuốc an thần cho lợn trước khi giết mổ có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân sử dụng, bởi lượng thuốc chưa bài thải hết trong thịt. Người tiêu dùng có thể có nguy cơ mắc bệnh về tiêu hóa, thận, thần kinh, gây đãng trí, trầm uất, run tay chân… |