HHV vay nợ dài hạn gần 20.000 tỷ đồng cho 3 dự án BOT
Theo báo cáo tài chính hợp nhất qúy 1/2024 của CTCP Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã CK: HHV), tính đến ngày 31/3/2024, vay và nợ thuê tài chính dài hạn của công ty là 19.168 tỷ đồng.
HHV cho biết dư nợ vay dài hạn phần lớn là các khoản đầu tư cho 3 dự án BOT: Chuỗi hầm Đèo Cả - Cù Mông - Cổ Mã - Hải Vân; Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và Hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia; với tỷ suất lợi nhuận các khoản đầu tư được Nhà nước đảm bảo ở mức 11-11,5%/năm.
Trước khi Ngân hàng quyết định cấp tín dụng đều được thẩm định về pháp lý, tính khả thi, khả năng trả nợ và hiệu quả dự án. Tài sản đảm bảo cho các khoản vay là quyền thu phí.
HHV cho biết, hiện nay, các dự án đều đã đưa vào khai thác, tạo ra nguồn thu ổn định và tăng trưởng đều hàng năm. Nguồn tiền, dòng tiền ổn định, lịch trả nợ đã được sắp xếp phù hợp với vòng thời gian thu phí hoàn vốn của dự án. Do đó, các khoản vay, lãi vay đều được trả đầy đủ, đúng hạn và không ảnh hưởng đến dòng tiền, hoạt động sản xuất kinh doanh.
"Các khoản nợ dài hạn là vấn đề rất bình thường ở các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng giao thông đặt biệt là các Dự án đầu tư hình thức PPP hiện nay, khi TMĐT lớn > 10.000 tỷ, thời gian hoàn vốn kéo dài, tỷ lệ tham gia vốn của Nhà nước thấp, khả năng cho vay và lãi suất của Ngân hàng khá cao.'' - HHV chia sẻ
Về kết quả kinh doanh, trong quý 1/2024, HHV ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 690 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 114 tỷ đồng, lần lượt tăng 28% và 37% so với cùng kỳ.
Kế hoạch từ nay đến năm 2025, Công ty tham gia nghiên cứu đầu tư gần 300km đường cao tốc là các dự án Tân Phú - Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng), TP. Hồ Chí Minh - Chơn Thành, Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương… với tổng mức đầu tư gần 60.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, HHV đang nghiên cứu đầu tư Dự án Metro 2 giai đoạn III TP.HCM có tổng mức đầu tư gần 60.000 tỷ đồng.
Tập đoàn Đèo Cả sắp có hơn 9.000 tỷ đồng
HHV cho biết, tại một số dự án do Tập đoàn Đèo Cả tham gia đầu tư đã được hoàn thành và đang vận hành khai thác vẫn còn tồn tại liên quan đến việc thay đổi trong cơ chế, chính sách của Nhà nước. Các dự án này đã được Bộ GTVT, UBND tỉnh Lạng Sơn ghi nhận báo cáo Chính phủ, Quốc hội thống nhất tháo gỡ.
Ví dụ như dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả được đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 21.612 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà đầu tư huy động là 16.564 tỷ đồng, vốn Nhà nước tham gia hỗ trợ là 5.048 tỷ đồng. Kể từ đầu năm 2021, toàn bộ các hạng mục thuộc dự án bao gồm hầm Đèo Cả, hầm Cù Mông, và mở rộng hầm Hải Vân đã được đưa vào hoạt động theo đúng cam kết tại hợp đồng BOT.
Đối với phần vốn ngân sách Nhà nước cam kết đóng góp, có 1.180 tỷ đồng nằm trong tổng số vốn 5.048 tỷ đồng đã được Quốc hội thông qua, được Thủ tướng chấp thuận chủ trương, được Bộ GTVT phê duyệt phương án tài chính tổng thể của dự án và cam kết trong hợp đồng dự án với nhà đầu tư nhưng nhiều năm chưa được giải ngân.
Ngày 29/12/2023, Chính phủ đã thống nhất bố trí bổ sung phần vốn NSNN còn thiếu cho dự án hầm đường bộ qua đèo Cả. Đến nay, Bộ GTVT và DNDA, Nhà đầu tư đang hoàn thiện và ký kết phụ lục Hợp đồng BOT làm cơ sở để giải ngân nguồn vốn.
Trạm La Sơn – Tuý Loan nằm trong số các trạm thu phí được bố trí để thu phí hoàn vốn dự án theo hợp đồng dự án được ký kết. Tuy nhiên, việc hoàn vốn cho dự án từ nguồn thu tại trạm này không được triển khai do điều chỉnh về cơ chế. Bộ GTVT đã đề xuất phương án bổ sung khoảng 2.280 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước để hỗ trợ nhằm đảm bảo phương án tài chính của dự án thay thế quyền thu phí trạm La Sơn – Tuý Loan để hoàn vốn.
Đối với dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, ngày 6/3/2024, UBND tỉnh Lạng Sơn đã báo cáo Chính phủ đề nghị hỗ trợ 5.600 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách trung ương để đảm bảo phương án tài chính, tháo gỡ các vướng mắc tồn đọng tại dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn.