Quang cảnh thành phố ban đêm nhìn từ Trạm Không gian quốc tế.
Văn bản mới này được đăng ngày 28/7 trên tạp chí BioScience và được dẫn dắt bởi các nhà nghiên cứu từ Đại học bang Oregon (Mỹ) là bản cập nhật của văn bản năm 2019 tuyên bố tình trạng "khẩn cấp về khí hậu" toàn cầu và đánh giá các dấu hiệu quan trọng của Trái đất dựa trên 31 biến, bao gồm cả lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, thay đổi nhiệt độ bề mặt, mất khối lượng băng hà, mất rừng nhiệt đới Amazon, cộng với các yếu tố xã hội khác nhau như tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu (GDP) và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch.
Không có gì ngạc nhiên khi các nhà khoa học nhận thấy rằng, các chỉ số quan trọng của Trái đất chỉ bị suy giảm trong hai năm qua, với 18 trong số 31 hạng mục của báo cáo cho thấy mức cao hoặc thấp kỷ lục mới mọi thời đại.
Báo cáo của họ cho thấy, lượng khí thải nhà kính đang ở mức cao nhất mọi thời đại, trong khi độ dày của băng ở mức thấp nhất trong 71 năm qua. Thế giới giàu có hơn bao giờ hết (đo bằng GDP toàn cầu), trong khi bầu trời ô nhiễm hơn bao giờ hết (đo bằng nồng độ carbon dioxide , methane và nitrous oxide trong khí quyển).
"Các dấu hiệu quan trọng của hành tinh được cập nhật mà chúng tôi trình bày phản ánh hậu quả của việc kinh doanh không ngừng như bình thường", các tác giả viết trong nghiên cứu. "Một bài học lớn từ COVID-19 cho thấy, việc vận chuyển và tiêu thụ dù giảm mạnh cũng không đủ và thay vào đó, cần có những thay đổi hệ thống mang tính chuyển đổi và chúng phải vượt lên trên chính trị."
Mặc dù báo cáo có đề cập đến một số xu hướng tích cực như sự gia tăng kỷ lục trong việc sử dụng năng lượng mặt trời và năng lượng gió, và các tổ chức thoái vốn khỏi ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch, nó vẽ ra một bức tranh chung ảm đạm về tương lai, được nhấn mạnh bởi sự gia tăng liên tục của các thảm họa liên quan đến khí hậu như lũ lụt, bão , cháy rừng và sóng nhiệt.
Nhóm nghiên cứu cho biết thêm, hành tinh này cũng có thể sắp vượt qua (hoặc đã đi qua) các điểm giới hạn tự nhiên quan trọng - chẳng hạn như rừng nhiệt đới Amazon trở thành nguồn cung cấp carbon chứ không phải bể chứa carbon - từ đó nó sẽ khó phục hồi.
Tất cả điều này rút ra một kết luận: Khả năng sinh sống trong tương lai của hành tinh chúng ta phụ thuộc vào hành động ngay lập tức, quy mô lớn.
Để hoàn thành nhiệm vụ này, nhóm nghiên cứu đề xuất một cách tiếp cận chính sách ngắn hạn gồm ba mũi nhọn: 1) Thực hiện một mức giá carbon toàn cầu "đáng kể" để giảm lượng khí thải; 2) loại bỏ dần và cuối cùng cấm nhiên liệu hóa thạch; và 3) khôi phục và bảo vệ các hệ sinh thái giàu carbon quan trọng, như rừng và đất ngập nước, để bảo tồn các bể chứa carbon lớn nhất hành tinh và bảo vệ đa dạng sinh học.
Các tác giả viết: “Thực hiện ba chính sách này sớm sẽ giúp đảm bảo tính bền vững lâu dài của nền văn minh nhân loại và tạo cơ hội cho các thế hệ tương lai phát triển mạnh mẽ. Tốc độ thay đổi là điều cần thiết và các chính sách khí hậu nên là một phần của kế hoạch phục hồi COVID-19."