Theo kết quả nghiên cứu Đề án "Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố Hà Nội có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào" của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội (Tramoc) gửi Sở Giao thông vận tải Hà Nội, việc thu phí sẽ được thực hiện bên trong đường Vành đai 3 và được chia làm 3 giai đoạn.
Hà Nội sẽ lập 87 cổng thu phí xe vào thành phố theo 3 giai đoạn tại 68 vị trí.
Giai đoạn 1 : Thực hiện thí điểm thu phí theo điểm (theo vị trí) nhằm giảm lưu lượng xe ô tô từ xa, từ đó giảm tình trạng ùn ứ giao thông trên một số trục chính.Cụ thể bố trí các cổng thu phí nằm trên một số trục chính hướng vào nội đô có lưu lượng giao thông cao có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, vị trí các cổng thu phí nằm ngoài vành đai 3.
Các vị trí thu phí theo điểm bố trí gồm: Trần Duy Hưng, Giải Phóng, Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp, Ngô Gia Tự, QL1A trên các trục giao thông như Nguyễn Trãi, Hồ Tùng Mậu, Lê Văn Lương... Tổng cộng giai đoạn 1 dự kiến xây dựng 15 trạm thu phí tại 9 vị trí.
Giai đoạn 2: Sau khi thí điểm, đánh giá việc thu phí mang lại hiệu quả, tiếp tục đầu tư xây dựng 59 cổng thu phí tại 46 vị trí nhằm mở rộng khu phí toàn bộ vành đai 3 phía bờ Nam sông Hồng.
Giai đoạn 3: Tiếp tục đầu tư xây dựng 13 cổng thu phí tại 13 vị trí nhằm mở rộng khu vực thu phí sang bờ Bắc sông Hồng.
Sau giai đoạn 3, dự kiến có 68 vị trí với 87 cổng thu phí. Vị trí các cổng thu phí đặt bên trong ranh giới khu vực thu phí (bố trí trên các đường hướng tâm từ bên ngoài vào trung tâm thành phố) để các phương tiện quá cảnh lưu thông trên vành đai không phải trả phí. Các vị trí và số lượng đặt cổng thu phí mới là khảo sát sơ bộ. Cụ thể từng vị trí và số lượng cổng sẽ được xác định đầy đủ trong bước lập dự án đầu tư xây dựng.
Theo kết quả điều tra xã hội học Tramoc cho thấy, khoảng 22.3000 đồng/lượt là mức phí chấp nhận được của người dân. Nếu thu phí ở mức này, sẽ có khoảng 55% người sử dụng phương tiện sẽ chấp nhận trả phí để đi lại nhanh chóng bằng các phương tiện xe ôtô 4 chỗ, số còn lại sẽ chuyển sang các phương tiện khác được miễn hoặc giảm phí.
Vì vậy, mức phí tối thiểu phải lớn hơn mức sẵn sàng chi trả của người dân thì mới có tác dụng điều tiết hành vi giao thông. Việc thu phí không đặt mục tiêu lợi nhuận.
Hà Nội thường xuyên ùn tắc tại nhiều tuyến đường trong giờ cao điểm.
Thu phí không đặt mục tiêu lợi nhuận?
Về điều kiện triển khai thu phí, đại diện Tramoc cho hay, ngoài việc xây dựng các trạm thu phí tạo thành vành đai thu phí khép kín, cần đảm bảo điều kiện về công nghệ thu phí như số hóa, đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu và chia sẻ dữ liệu về hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông và trang thiết bị trên các phương tiện giao thông để có thể thực hiện được thu phí không dừng và xử lý vi phạm bằng hình ảnh (phạt nguội); đảm bảo không ùn tắc giao thông tại các khu vực thu phí.
Đáng chú ý, theo đơn vị lập đề án, việc thu phí không đặt mục tiêu lợi nhuận. Số tiền thu được từ phí dùng để bù đắp chi phí vận hành và bảo trì (O&M) hàng năm.
Sau khi bù hết chi phí O&M và chi phí đầu tư hệ thống thu phí, số tiền thu được còn lại sẽ nộp vào ngân sách thành phố và được sử dụng cho các mục đích nâng cao năng lực hệ thống giao thông đô thị, giảm ùn tắc giao thông của thành phố.
Đại diện đơn vị tư vấn đề án của Trường Giao thông vận tải cho biết, qua nghiên cứu, đánh giá, khi thực hiện thu phí sẽ giảm khoảng 20% lưu lượng giao thông đi vào khu vực thu phí, từ đó giảm ùn tắc giao thông.
“ Nếu đề án được HĐND TP thông qua, UBND TP trình báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2022. Đến năm 2024 tiến hành thí điểm, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2025 và chính thức triển khai áp dụng từ năm 2025, việc triển khai thực hiện Đề án mới phù hợp với các quy định hiện hành. Nếu chậm sẽ gặp khó khăn do Nghị quyết 115 hết hiệu lực. Khi đó, để có cơ sở pháp lý thu phí cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách thu phí (điều chỉnh luật) và khó có thể triển khai thí điểm trước năm 2030 ”, đại diện Tư vấn cho hay.
Hà Nội sẽ có gần 100 trạm thu phí khép tìn từ Vành đai 3 trở vào?
Đây là loại phí mới: Phí ùn tắc giao thông
Theo phương án tổ chức giao thông vành đai thu phí đối với phân luồng giao thông: Trước khi xe tới các cổng thu phí sẽ có các biển báo cảnh báo, chỉ dẫn cho các người điều khiển phương tiện biết rằng họ sắp đi vào thu vực thu phí.
Cùng đó, sẽ có các phương án kết nối giao thông tại các điểm trung chuyển, các điểm dừng xe buýt phục vụ vùng thu phí. Có phương án phân luồng và tổ chức giao thông xung quanh các tuyến đường có bố trí cổng thu phí, bố trí các bãi đỗ xe và trạm trung chuyển (bãi Park&Ride -P&R)
Bố trí các bãi P&R gần với các ga đường sắt đô thị, xe buýt nhanh (BRT), điểm dừng đỗ xe buýt và gần với các vành đai thu phí. Các bãi đỗ P&R bố trí trong phạm vi đi bộ thuận lợi, tối đa không quá 300 m so với các ga, điểm dừng đỗ tuyến vận tải công cộng.
Hệ thống mạng lưới vận tải công cộng bằng xe buýt cũng sẽ được điều chỉnh phù hợp với các cổng thu phí. Phương án vận tải công cộng đảm bảo kết nối cho hành khách trong trường hợp không muốn trả phí thì vẫn có thể di chuyển được.
Theo Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện, đây là một loại phí mới, không trùng lặp với bất kỳ loại phí/thuế đã ban hành. Phí ùn tắc giao thông là một loại phí mang tính trách nhiệm khi buộc các chủ thể phải gánh chịu một phần chi phí cho hoạt động gây ra ùn tắc của mình.
“Phí ùn tắc giao thông không đặt mục đích ưu tiên thu ngân sách và được xác định là phi lợi nhuận, tác động để người dân lựa chọn tuyến đường, phương tiện phù hợp với nhu cầu của mình” , ông Viện nói và cho biết, mục tiêu xa hơn là hướng tới việc chuyển đổi từ phương tiện cá nhân sang các phương tiện giao thông công cộng, góp phần hình thành văn hóa đi bộ và các nền tảng giao thông “phi cơ giới”.
Đối với những người sử dụng phương tiện lựa chọn trả phí để quá cảnh qua khu vực thu phí thì thời gian chuyến đi sẽ được rút ngắn đáng kể nhờ vào việc cải thiện tốc độ lưu thông trên các trục đường trong khu vực thu phí.
Hà Nội hiện có hơn 7,6 triệu phương tiện, trong đó hơn một triệu ô tô, gần 6,5 triệu môtô các loại, khoảng 180.000 xe máy điện. Con số này chưa bao gồm phương tiện của lực lượng vũ trang, xe biển ngoại giao, biển quốc tế và của các tỉnh khác lưu thông trên thành phố.
Năm 2017, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Đề án tăng cường quản lý xe cá nhân đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó xác định nhiệm vụ xây dựng thu phí phương tiện cơ giới vào khu vực có nguy cơ ùn tắc, là một trong các giải pháp để hạn chế xe cá nhân và ô nhiễm môi trường.