Chia sẻ với báo GD&TĐ, thầy giáo Phạm Duy Diễn – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi, cho biết: "Sáng nay, sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi, cả thầy trò tra cứu kết quả từng bạn, thấy quá nhiều bạn đạt được trên 9 điểm. Chúng tôi rất tự hào và vui mừng trước những thành tích mà các em đạt được”.
Theo thầy giáo Phan Duy Diễn cho biết, lớp 12A4 có 31 em trong đó 29 em đạt từ 9 điểm trở lên ở môn Ngữ Văn. Trong đó, có 4 em đạt 9,75 điểm (Hà Tĩnh không có điểm 10 môn Ngữ văn). Tất cả học sinh của lớp đều đăng ký nguyện vọng vào khối D01.
Lớp 12A4 có 39/41 học sinh đạt điểm 9 trở lên ở môn Ngữ văn.
Lớp 12A5 có 36 học sinh thì có 32 em đạt điểm 9 môn Ngữ Văn, có 4 học sinh đạt 9,75 điểm. Điểm bình quân môn Ngữ văn của lớp là hơn 9,3 điểm. Đây là lớp 100% các em đều đăng ký khối C00, có 25/36 học sinh đạt từ 27 điểm trở lên, trong đó có 4 em đạt 28,75 điểm. Ngoài ra, điểm bình quân môn Lịch sử của lớp 12A5 cũng 9,3 điểm. Có 30 em đạt từ 9 điểm trở lên, trong đó có 3 điểm 10 môn Lịch sử.
Thầy Diễn cho hay kết quả này ngoài sự hướng dẫn của thầy cô còn là là nỗ lực suốt 3 năm học của các em. Là giáo viên giảng dạy bộ môn Ngữ văn tại lớp 12A4, thầy Diễn cho biết, ngoài năng khiếu về bộ môn, các em cũng thường xuyên học hỏi, chịu khó tìm tòi. Các giáo viên nhà trường luôn tìm cách truyền cảm hứng cho học sinh trong mỗi giờ học.
Về phương pháp giảng dạy, thầy Diễn cho biết: “Thầy trò đều không "dạy tủ, học tủ" mà hướng rèn luyện cho học sinh phương pháp đọc, viết, nói và nghe thông qua các hoạt động trải nghiệm trong và ngoài lớp học. Đặc biệt, trong quá trình học và làm đề tôi luôn chú trọng rèn dũa các em kỹ năng trình bày nhất là chữ viết”.
Thành tích của các em là nỗ lực suốt 3 năm học của thầy và trò trường THPT Nguyễn Văn Trỗi.
Về đề thi ngữ văn năm nay, thầy Diễn đánh giá đề bám sát cấu trúc của Bộ, chú trọng vào kiến thức cơ bản chương trình Ngữ văn 12, đánh giá được năng lực của người học. Đề đã có những sự phân hóa riêng trong mỗi phần. Đặc biệt, vế phụ của câu Nghị luận văn học đã cho thấy sự phân hóa khá rõ giữa đối tượng khá giỏi và trung bình, yếu. Nếu học sinh nắm chắc vấn đề, hiểu rõ về sự phát triển từ văn học hiện thực phê phán đến văn học hiện thực cách mạng thì các em sẽ làm bài rất tốt.
“Kết quả đạt được đã phản ánh những nỗ lực của thầy, cô giáo và bản thân các em học sinh. Kết quả của các em là những quả ngọt của nhà trường trong suốt một năm học”, thầy Diễn chia sẻ.