Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov với người đồng cấp UAE Sheikh Abdullah bin Zayed, tại Abu Dhabi.
Trong lúc sự chú ý dồn hết vào màn thị uy quân sự của Nga gần biên giới Ukraine, không mấy ai nhận ra trong khoảng hơn một tháng trở lại đây, đôi chân của Ngoại trưởng Sergey Lavrov đã in dấu trên khắp Trung Đông.
Vào tháng 3, ông đến thăm UAE, Saudi Arabia và Qatar. Tiếp đó, ông trở lại khu vực với chuyến thăm Ai Cập và Iran vào ngày 12-13/4.
Nga vẫn bận rộn khắp Trung Đông
Nga đã trở thành thế lực quan trọng ở Trung Đông sau khi đưa nguồn lực đến Syria vào tháng 9/2015 để ngăn chặn sự thay đổi quyền lực được thúc đẩy bởi các quốc gia bên ngoài.
Đạt được mục tiêu khá nhanh chóng, phối cảnh ngoại giao của nước này đã bao hàm tất cả các quốc gia trong khu vực, xây dựng mối quan hệ ngày càng thắt chặt giữa các bên trong lĩnh vực năng lượng, kinh tế và quốc phòng, đồng thời tìm cách theo đuổi hòa bình và an ninh tại đây.
Trong chuyến thăm tới vùng Vịnh, Ngoại trưởng Lavrov đã thúc đẩy vai trò của UAE trong việc tăng cường ổn định ở Syria, điều mà người đồng cấp Sheikh Abdullah bin Zayed Al-Nahyan cũng ủng hộ mạnh mẽ, khi chỉ trích các lệnh trừng phạt đối với Syria và ủng hộ việc nước này tái gia nhập Liên đoàn Ả Rập.
Tại Doha, Ngoại trưởng Lavrov đã định hình thế chân vạc Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Qatar để thảo luận về hòa bình ở Syria như một sáng kiến bổ sung cho tiến trình Astana. Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar có cùng động lực giải quyết vấn đề Idlib, khu vực 3 triệu dân với sự hiện diện của hàng nghìn chiến binh được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Các tương tác quan trọng nhất của Ngoại trưởng Lavrov là ở Saudi Arabia, với Thái tử Mohammed bin Salman và Ngoại trưởng Faisal bin Farhan. Các cuộc họp này diễn ra trong bối cảnh có một số mâu thuẫn liên quan đến quan điểm của chính quyền mới ở Mỹ về các vấn đề an ninh khu vực.
Trong kịch bản này, Nga có thể đóng vai trò “người cân bằng” hữu ích đối với hai cuộc cạnh tranh lớn của vương quốc với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran - bằng cách tạo điều kiện cho đối thoại giữa các bên.
Một khi đạt được sự tin tưởng lẫn nhau giữa các nước láng giềng vốn là những đối thủ không đội trời chung, Nga sẽ tìm cách đạt được sự ổn định ở Trung Đông thông qua một cấu trúc an ninh khu vực mới được định hình đồng thuận bởi hành động chung của các quốc gia.
Giống như trường hợp của các nước khác ở vùng Vịnh, chương trình nghị sự của Nga với Saudi Arabia được thúc đẩy bởi các mối quan hệ song phương khá tốt đẹp dựa trên thương mại, bao gồm xuất khẩu ngũ cốc và hợp tác quốc phòng, cũng như trở thành đối tác trong đối thoại OPEC + nhằm đảm bảo sự ổn định trên thị trường năng lượng thế giới.
Quở trách Thổ Nhĩ Kỳ
Nga vẫn đang thực hiện nhiều việc cùng một lúc ở Trung Đông.
Chuyến công du của Ngoại trưởng Lavrov tới các quốc gia vùng Vịnh vào tháng 3 được bổ sung bằng các chuyến thăm của ông tới Ai Cập và Iran vào tháng 4.
Mặc dù một số nhà bình luận coi chuyến thăm Cairo là một hành động cố ý quở trách Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người có cuộc gặp tổng thống Ukraine tại Istanbul cùng lúc, nhưng bản thân việc tiếp cận với Ai Cập vẫn rất quan trọng.
Nga đã củng cố quan hệ quốc phòng với Cairo thông qua bán khí tài quân sự, bao gồm máy bay chiến đấu, xe tăng, trực thăng tấn công và hệ thống tên lửa, cũng như có với nhau các cuộc tập trận chung thường xuyên.
Bên cạnh đó, Nga đang xây dựng một nhà máy điện hạt nhân và phát triển mỏ khí đốt ở nước này, đồng thời trở thành nhà cung cấp ngũ cốc lớn cho Ai Cập. Mối quan hệ của Nga với Ai Cập được củng cố hơn nữa nhờ một công ty Ai Cập đang trở thành nhà sản xuất vắc xin Sputnik V của Nga đầu tiên trong khu vực.
Ở Cairo, xét về chương trình nghị sự khu vực, hai lợi ích chính của Nga là Libya và Syria. Nga và Ai Cập được cho là có cùng chí hướng trong cuộc xung đột ở Libya, khi so kè với Chính phủ Tripoli được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và giờ đây họ cũng trở thành đối tác trong tiến trình hòa bình của quốc gia này. Về vấn đề Syria, cả hai cũng có chung quan điểm, khi Ai Cập cũng nhiều lần phản đối thay đổi chính quyền hợp pháp ở Damascus.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Lavrov tới Tehran diễn ra trong bối cảnh hai bên phối hợp lập trường về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran.
Hai nước đồng ý rằng vấn đề này cần được tách biệt với các vấn đề khác liên quan đến an ninh khu vực và cần có “cách tiếp cận đồng bộ” để Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và Iran quay trở lại khuôn mẫu của Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA).
Vào tháng 1, Nga và Iran đã ký kết một thỏa thuận về thông tin và an ninh mạng nhằm tăng cường khả năng phòng thủ mạng của Iran trước các cuộc tấn công thù địch, chủ yếu từ Israel.
Trong khi Nga ủng hộ Iran về vấn đề hạt nhân, nước này cũng nhạy cảm với những lo ngại về an ninh của Israel và các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh, do đó, ủng hộ mạnh mẽ việc Tehran tham gia vào một hiệp định an ninh khu vực diễn ra trong khuôn khổ kế hoạch hòa bình mà Moscow đã đưa ra vào tháng 7/2019.
Mặc dù Ankara không có trong hành trình của Ngoại trưởng Lavrov, nhưng quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ là một phần quan trọng trong lợi ích khu vực của Nga.
Trong khi mối quan hệ song phương đã nở rộ về năng lượng, kinh tế và quốc phòng, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một đối tác khó ứng phó khi nước này tìm cách duy trì quyền tự chủ chiến lược trong các vấn đề khu vực và gắn bó với Mỹ.
Có khả năng là sự lạnh nhạt của chính quyền Joe Biden đối với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và động thái công nhận tội ác diệt chủng người Armenia năm 1915 gây tranh cãi mới đây sẽ đẩy Ankara sâu hơn vào vòng tay của Nga.
Có một sự xáo trộn đang được nhìn thấy trong chính trị Trung Đông, khi các quốc gia khu vực khẳng định lợi ích mới, đóng vai trò mới, tham gia với những thách thức mới và xây dựng các liên minh để phục vụ lợi ích ý thức hệ và an ninh.
Khi Mỹ rút lui khỏi khu vực Trung Đông, Nga sẽ nổi lên như nhân vật trung tâm trong thế chân vạc khu vực và có khả năng mang lại hy vọng tốt nhất cho hòa bình và an ninh.