Cả ngày chỉ việc ăn diện gọn gàng, trang điểm xinh xắn, đi nhẹ nói khẽ cười duyên trên máy bay sau đó sẽ được vi vu khắp thế giới chẳng mất đồng nào, thậm chí còn được trả cả đống tiền... Đó là những gì nhiều người thường nghĩ về nghề tiếp viên hàng không .
Mà thoạt nhìn thì công việc của tiếp viên hàng không đúng là chỉ có vậy. Tóm gọn trong 2 chữ: giàu và sướng. Nhưng đi sâu tìm hiểu, mọi thứ liệu có đúng như vậy hay không thì chưa chắc. Và nếu theo dõi câu chuyện của Hồ Thị Phương Linh - nữ tiếp viên hàng không xinh đẹp đang làm việc cho hãng EVA Air có trụ sở tại Đài Loan dưới đây, bạn hẳn sẽ "À" lên trước các tâm sự đậm chất "người trong cuộc" của cô nàng đấy.
Hồ Thị Phương Linh
Cơ duyên và những nỗ lực hiện thực hóa khát khao từ bé
Phương Linh sinh ra và lớn lên tại TP.HCM. Mơ ước được làm tiếp viên hàng không đã nung nấu trong cô nàng sinh năm 1990 này từ bé nhưng vì nhiều yếu tố tác động, cộng với tâm lý lo xa, Linh chọn thi vào ngành Quản trị khách sạn - du lịch của ĐH Hoa Sen.
Bởi theo cô nàng, cả hai ngành đều có những điểm chung là được gặp gỡ, giao tiếp với nhiều người mà lại không quá gò bó về thời gian như đi làm công sở.
Cô nàng từng theo học ngành Quản trị khách sạn - du lịch
Đồ án tốt nghiệp của Phương Linh được thực hiện tại một khách sạn 4 sao trong thành phố. Sau 3 tháng thực tập, Linh nhận được lời đề nghị ở lại làm việc.
Chính lúc này, cô nàng đứng giữa hai sự lựa chọn: tiếp tục công việc mình đã học suốt 4 năm qua hay quẳng gánh lo đi, nộp hồ sơ vào các hãng hàng không để bắt đầu thực hiện ước mơ của mình. Cuối cùng, đam mê đã chiến thắng. Linh từ chối lời mời từ khách sạn và bắt đầu thử sức mình vào các cuộc thi tuyển tiếp viên của nhiều hãng khác nhau.
"Vì chưa có kinh nghiệm nhiều nên mình nộp hồ sơ vào hầu hết những hãng hàng không đang tuyển ở thời điểm đó như Vietnam Airlines, Emirates, Asiana Airlines và đều được gọi đi phỏng vấn. Thế nhưng có buổi bị hoãn lại vì nhiều lý do, có buổi không suôn sẻ về hồ sơ dự tuyển và có buổi thì trượt ở vòng trả lời câu hỏi", Linh hồi tưởng lại.
Cái cảm giác thất bại đối với một cô gái vừa bước ra đời khi ấy thật kinh khủng nhưng Linh không cho phép mình nản lòng. Nỗ lực kiên trì đã giúp Phương Linh cuối cùng cũng tìm được bến đậu là hãng hàng không 5 sao nhiều năm liền đứng top thế giới - EVA Air, nơi cô nàng sẽ gắn bó 8 năm thanh xuân và có thể là nhiều hơn nữa.
Được đồng hành cùng EVA Air đối với Phương Linh là cả niềm tự hào
Ngoài ra, bạn cần có đủ những chứng chỉ ngoại ngữ hoặc bằng cấp đạt yêu cầu của hãng đưa ra và khả năng giao tiếp tiếng Anh phải trôi chảy, đây là yếu tố đánh giá quan trọng nhất. Dĩ nhiên, tự tin là một điểm cộng lớn khác.
Một trong những điều Linh nhớ nhất trên con đường trở thành tiếp viên hàng không của bản thân có lẽ cũng liên quan đến vấn đề sự tự tin này. Linh kể lần thi tuyển tiếp viên hàng không đầu tiên trong đời cô là với hãng Asiana Airlines. Ở vòng trả lời câu hỏi, cô nàng nhận được câu hỏi: "What is your favorite color?" (Màu yêu thích của bạn là gì?).
"Thú thực là mình có chút hụt hẫng vì nghĩ sao câu hỏi đơn giản thế này, rồi lại chút hoang mang không biết phải trả lời thế nào. Mình lúng túng đáp: 'My favorite color is blue" (Tôi thích màu xanh). Hết, và thế là hết haha", Linh ngậm ngùi.
Sau lần vấp ngã này, Linh mới nhận ra nội dung câu trả lời của bạn không quan trọng bằng cách bạn trả lời. Cô rút được kinh nghiệm để áp dụng luôn cho lần phỏng vấn với EVA Air sau đó. Khi nhận về câu hỏi "Have you experienced an earthquake?" (Bạn đã trải qua một trận động đất bao giờ chưa?), lần này Linh thoải mái thể hiện lại những cảm xúc mình từng trải qua, có sợ hãi, có bất ngờ, vừa kể vừa tươi cười như đang kể lại một câu chuyện. Để rồi chính câu chuyện ấy đã đưa Linh và EVA Air đến với nhau.
Những gì mọi người đang thấy về nghề tiếp viên hàng không chỉ là bề nổi của tảng băng trôi
Theo Linh, ngành hàng không nói chung và công việc tiếp viên hàng không nói riêng luôn bị gán cho nhiều định kiến.
Trong mắt mọi người, đây là công việc hào nhoáng, xinh đẹp váy quần, du lịch khắp nơi, được đặt chân đến nhiều vùng đất mới, gặp gỡ giao lưu với đa dạng tính cách con người, với đồng nghiệp, với hành khách trên chuyến bay và cả với con người ở đất nước đó. Điều ấy rất dễ hiểu cho những nảy sinh tình cảm hoặc những mối quan hệ bạn bè hoặc trên mức bạn bè.
Thế nhưng, cô nàng cho rằng đây không phải ngoại lệ riêng mà bất kì ai ở bất kì lĩnh vực ngành nghề nào đều có thể sẽ phải đối diện với tình huống này.
"Làm sao họ có thể kiểm soát hay ngăn chặn được những mối quan hệ phát sinh trong khi tính chất công việc của họ bắt buộc phải thế. Có chăng là tùy cách mỗi người tiếp nhận như thế nào, nếu mình không phải họ, chưa chắc mình biết rõ câu chuyện của họ. Vậy nên trên quan điểm cá nhân của Linh, những tin đồn có người cho là tốt có người cho là xấu kia chỉ có chính người trong cuộc mới biết, họ đang sống cuộc đời của họ và không làm ảnh hưởng gì đến ai thì đó có nghĩa là họ đang sống tốt rồi", Linh chia sẻ.
Theo Linh, công việc nào cũng có thể tồn tại mặt trái
Có một số ý kiến còn cho rằng tiếp viên hàng không là nghề rất dễ bị... cám dỗ và có tính đào thải cao. Linh thừa nhận trong quá trình làm việc ở một không gian tương đối nhỏ hẹp và đông người với nhiều tầng lớp xã hội thì chuyện này khó tránh khỏi. May mắn là Linh chưa gặp phải trường hợp nào để lại "ấn tượng" hết:
"Mình cũng muốn chia sẻ để mọi người biết rằng tiếp viên hàng không luôn được bảo vệ bởi Luật An ninh Hàng không. Ngoài ra trên chuyến bay còn có rất nhiều đồng nghiệp với tinh thần teamwork cao và những hành khách đáng yêu xung quanh luôn sẵn sàng giúp đỡ. Nếu không may xuất hiện những vị khách cư xử khiếm nhã thì chỉ cần mình giữ tâm trạng thoải mái và điềm tĩnh, mọi việc sẽ không mấy khó khăn đâu".
Chuyện bị đào thải thì thực tế không gay gắt như nhiều người nghĩ. Bởi lẽ, tuy trẻ đẹp là điều cần thiết, và càng thêm nhiều gương mặt xinh tươi thì càng làm cho hình ảnh công ty thêm mới mẻ, nhưng điều các tiếp viên hàng không cần nhất vẫn là kinh nghiệm làm việc, khả năng nhạy bén xử lý tình huống... Môi trường năng động mỗi chuyến bay như một thử thách mới giúp hoàn thiện bản thân mỗi người.
Về phần thu nhập cao của tiếp viên khiến mọi người đều xuýt xoa, Phương Linh cũng thẳng thắn cho rằng không có công ty nào thuê bạn để bạn ngồi không mà chẳng làm gì, cũng không có người lao động nào chấp nhận làm cái việc mà mình nghĩ công sức của mình không được trả xứng đáng.
Linh bộc bạch: "Không có tiếp viên hàng không nào được đi du lịch miễn phí, chụp hình check in nơi này nơi nọ mà không cần lao động cả. Đó chỉ là bề nổi của tảng băng trôi mà người ta nhìn thấy thôi. Chẳng mấy ai biết chuyện tiếp viên hàng không sẽ phải trải qua những đợt huấn luyện gắt gao, những kì thi định kì kiểm tra năng lực mà chỉ cần không qua là không được bay rồi những vấn đề về sức khỏe. Ít ai có thể tưởng tượng khối lượng công việc của một cô gái trên máy bay nhiều bao nhiêu (hãng EVA chỉ mới tuyển tiếp viên nam cách đây 1 năm thôi). Như mình chẳng hạn, trước cũng từng mơ mộng mà sau khi nếm trải 1-2 chuyến bay đầu đời là 'vỡ mộng' ngay".
Linh chỉ muốn khẳng định một câu rằng trên đời này không có công việc nào là sung sướng nhàn hạ cả, bạn lao động thế nào thì sẽ gặt hái thành quả thế đó. Đó là chưa kể đến chuyện may rủi, nếu gặp bất cứ trường hợp khẩn cấp nào thì nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của cả đoàn bay luôn là cao nhất, và đây chính là lí do chủ yếu giải thích cho việc vì sao tiếp viên hàng không được trả lương cao.
Và lương tiếp viên hàng không cao vì công việc họ làm cũng vất vả chẳng kém ai
Bên cạnh đó, được trả lương cao chưa chắc đã đồng nghĩa với việc bạn sẽ giàu bởi lẽ mỗi người lại có một thói quen chi tiêu và mục đích sống riêng. Cô nàng nói tiếp: "Đến với công việc này chắc hẳn ai cũng có lí do cho riêng mình: có người vì yêu thích, có người vì trang trải cuộc sống, có người muốn được trải nghiệm, có người muốn được bay để gặp gỡ gia đình người thân ở nước ngoài…
Xuất phát điểm của mỗi người đã không giống nhau thì mục đích đi bay là khác nhau cũng không có gì lạ. Nhưng mình có thể đảm bảo một điều rằng cho dù là ai, hoàn cảnh ra sao thì khi bắt đầu nhiệm vụ, ai cũng sẽ như ai, đều phải trách nhiệm và nghiêm túc với công việc. Linh thấy mình 'giàu' nhất chắc ở khoản tình yêu với công việc này thôi".
Kể cả không làm tiếp viên thì vẫn sẽ tiếp tục "bay bổng"
Dù làm việc cho một hãng hàng không quốc tế nhưng Linh cho hay cô không lấy nó làm buồn vì... thích làm việc xa nhà. Đối với Linh, tiếp viên hàng không không đơn thuần là một công việc mà còn là mơ ước, là đam mê, là những mẩu chuyện nho nhỏ cô nàng góp nhặt được từ những chuyến bay. Sống xa nhà một chút nhưng được làm điều mình thích, kể ra vẫn lợi nhiều hơn thiệt đúng không?
Ngoài ra thì tuy mỗi chuyến bay rất vất vả nhưng bù lại, thời gian nghỉ ngơi giữa các chuyến của Linh cũng khá thoải mái: "Chuyến bay xa nhà nhất của mình chắc cũng chỉ cỡ 2 tuần thôi. Người ta bảo 'đi để trở về', đi để thấy về nhà vui hơn gấp nhiều lần nên mình dễ có động lực lắm".
Linh tự nhận mình là một người có tâm hồn rất "bay". Cô nàng yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp và hay mơ mộng. Nhưng vì sợ nói trước bước không qua nên Linh không dám tiết lộ các dự định tương lai của mình. Còn khi được hỏi sẽ làm tiếp viên đến bao giờ, Linh trung thành với đáp án duy nhất là "Đến khi sức khỏe không cho phép nữa".
Đặc biệt hơn, cô nàng này còn có sở thích là chia sẻ lại kinh nghiệm trong nghề cho các bạn trẻ đang có mơ ước trở thành tiếp viên hàng không. Được biết, cô nàng đã lập luôn cả một trang hỏi đáp "chuyên" giải đáp các thắc mắc có liên quan và tới nay, cô nàng đã đưa ra gần 2000 câu trả lời đầy tâm huyết rồi.
Trước thắc mắc thích truyền đạt kinh nghiệm như vậy, có lúc nào Linh nghĩ việc mở lớp đào tạo không thì Linh cho biết 2000 chia sẻ cô từng soạn ra đã là quá đủ rồi:
"Cái chính là mình muốn truyền động lực cho những ai có đam mê 'bay bổng' như mình. Mình muốn giúp các bạn tự tin bằng nỗ lực của chính các bạn mà không phải phụ thuộc vào ai khác để trở thành một tiếp viên hàng không. Mình cũng kiêm luôn công việc lắng nghe tâm sự của các bạn về cuộc sống về tình cảm, mà điều đó thì một lớp học không thể nào làm được rồi".
Ảnh: NVCC