Nội dung chính trong Bản tin Thực phẩm an toàn số 3:
• Bệnh viện Bạch Mai phát cảnh báo khẩn thiết về ngộ độc methanol
• WHO công bố 12 mầm bệnh kháng kháng sinh, và thực trạng đáng lo ngại tại Việt Nam
• Cúm gia cầm và chuyện "gà Tàu" ở biên giới. Cách chế biến gà an toàn
• Một số tin tức y tế - sức khỏe nổi bật trong tuần
• Công thức vàng cuối tuần: 5 bát cháo "trường sinh" của thầy thuốc 96 tuổi
Bội thực methanol
Ngày 2/3, báo Tuổi trẻ đăng bài viết: "Rượu chứa methanol có khắp nơi"!
Các năm sau kỳ nghỉ Tết, số ca ngộ độc methanol nhập viện cấp cứu trên cả nước đều ghi nhận nhận tăng cao hơn ngày thường, do các buổi tiệc tùng, lễ hội triền miên. Nhưng đến mức chết người hàng loạt (có nơi như Lai Châu 1 vụ chết 10 người) như năm nay thì vô cùng đáng báo động.
Trong buổi phản ánh về các ca ngộ độc rượu tại Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai chiều 28/2, phóng viên đã chứng kiến cảnh các nạn nhân vật vã đau đớn thế nào giữa ranh giới mỏng manh sự sống - cái chết. Có những clip đáng sợ đã được ghi lại, và vì mức độ khốc liệt của nó, chúng tôi không thể đăng tải tại đây.
BS Nguyễn Trung Nguyên, quyền phụ trách Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai phát đi cảnh báo
GS.TS Mai Trọng Khoa, phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai tiết lộ: tại Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu cứ 10 người đàn ông điều trị ung thư thì cả 10 người đều nghiện rượu.
Rượu dẫn đến các loại ung thư phổ biến bậc nhất hiện nay là vòm họng, thực quản, dạ dày, gan… Đặc biệt, người vừa nghiện rượu vừa nghiện thuốc lá thì gần như 100% là ung thư vòm họng.
Ung thư vốn không gây ra cái chết đột ngột như ngộ độc rượu, cũng vô cùng đau đớn, nhưng hơn thế, rất nhiều trường hợp gây ra tổn hại thể chất (làm suy giảm miễn dịch) và tinh thần (gây lo lắng, stress) của những người thân bệnh nhân trong thời gian dài.
Nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh, 2 yếu tố trên (suy giảm miễn dịch và stress), đến lượt nó, cũng chính là mầm mống của nhiều căn bệnh thời đại, bao gồm ung thư!
Vì vậy, sẽ là niềm hạnh phúc lớn cho toàn xã hội nếu các đấng mày râu, bậc cha - chủ của các gia đình, trước khi chiều chuộng cái miệng thì biết nghĩ đến rủi ro mà vợ - con, bố - mẹ có thể sẽ phải chia sẻ với chính họ!
Không thể cứu chữa!
Ngoài methanol, một tình trạng "bội thực" khác đang hiện hữu và tính chất đe dọa cộng đồng hơn rất nhiều lần, đó là "bội thực kháng sinh".
Việt Nam đang là một trong những nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất trên thế giới.
Có một điều ít ai để ý: Dù ung thư nhiều người sợ hãi coi như một "án tử", nhưng ngành y tế lại chưa bao giờ khẳng định nó là căn bệnh "không thể chữa khỏi". Ung thư thực sự vô cùng khó chữa, tỷ lệ tử vong rất cao, nhưng chưa bao giờ khiến các chuyên gia hay tổ chức y tế hàng đầu thế giới thốt lên tuyệt vọng.
Với kháng kháng sinh lại khác. Đã có những chủng vi khuẩn mới xuất hiện kháng mọi loại thuốc và được khẳng định là "không thể cứu chữa"!
Theo các tính toán, đến năm 2050, tình trạng kháng kháng sinh gây ra thiệt hại toàn cầu lên đến 100.000 tỷ USD, và giết chết khoảng 10 triệu người mỗi năm.
Vì sao kháng kháng sinh ngày càng tiến triển?
- Thứ nhất, do thuốc kháng sinh được bán tràn lan, thiếu các hành động kiểm soát đủ mạnh và thực chất; trong khi người dân - nhất là ở nông thôn - nhận thức chưa đủ về sự nguy hại của thói quen "hễ hắt hơi sổ mũi là ra hiệu thuốc làm 3 ngày kháng sinh"!
PGS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai kể, trong hơn 30 năm khoác áo blouse trắng, ông từng phải đau xót nhìn bệnh nhân ra đi chỉ vì bệnh rất đơn giản do vi khuẩn gây nên nhưng thuốc kháng sinh vô tác dụng.
Có cháu bé chỉ sau vài giờ phổi đã trắng xoá do loại vi khuẩn mà kháng sinh thế hệ thứ 2, thứ 3 đều bó tay. Có những loại kháng sinh lên đến 7, 8 triệu đồng một lọ và phải sử dụng nhiều lần, kết hợp nhiều loại nên có bệnh nhân khi ra viện mang theo gánh nặng về kinh tế.
"Tôi đã đi đóng giả người mua thuốc hỏi mua hai viên kháng sinh amox người bán thuốc cắt ra bán luôn và khi tôi hỏi mua cả nghìn viên người ta bảo chờ tý nữa có người mang thuốc đến".
PGS Dũng giật mình vì trên thế giới này, chỉ có Việt Nam là mua kháng sinh dễ như thế. Dễ như nhai kẹo!
PGS Nguyễn Tiến Dũng là bác sĩ nhi khoa uy tín được rất nhiều phụ huynh tin cậy.
Sau công bố nêu trên của WHO, chúng tôi trao đổi thêm với TS Nguyễn Khánh Hòa ở Canada, người từng nêu cảnh báo khẩn thiết: Kháng kháng sinh ở Việt Nam ở mức cao, nguy cơ hết thuốc điều trị (xem bài chi tiết).
Anh cho rằng, "vấn đề kháng kháng sinh về mặt thông tin và nhận thức của người dân gần như đã đủ ở thành phố rồi. Ở nông thôn khó khăn hơn rất nhiều. Về các chợ huyện, xã sẽ thấy thuốc bán lung tung, không cần đơn, không cần hướng dẫn".
Từ đó, BS Hòa cho rằng giải quyết vấn đề này rất cần các hành động quyết liệt và minh bạch của Bộ Y tế, trực tiếp nhất là Cục Quản lý Dược, trong việc quản lý thuốc kháng sinh trên thị trường.
- Nguyên nhân thứ hai là tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi.
Kháng sinh bị trộn vào thức ăn cho lợn, gà, trâu bò… một cách quá dễ dãi, không ai kiểm soát. Và hậu họa là, một tỷ lệ không nhỏ thịt lợn, thịt gà bán trên thị trường bị tồn dư kháng sinh, đi vào cơ thể người.
Báo Quân đội nhân dân dẫn một thống kê của ngành nông nghiệp thì có đến 75% kháng sinh trong chăn nuôi được nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng không được quản lý chặt chẽ trong tiêu thụ.
Nói cách khác, người dân đang bị "đầu độc kháng sinh" bởi chính những kẻ hám lợi bất chấp an toàn của cộng đồng.
Gian thương thời nào cũng có, nhưng có vẻ bây giờ chúng nhiều hơn, ngang nhiên hơn và rất tàn nhẫn, bất chấp tính mạng con người!
Mới thấy, chuyện SỐ 0 TRÒN TRĨNH sau 3.000.000 cuộc thanh kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm mà chúng tôi nêu ở Bản tin số 2 ngày càng trở nên nóng bỏng và bức thiết đến nhường nào.
Phân biệt thịt có tồn dư kháng sinh. Nguồn: VTC14
Gà Tàu ở chợ biên giới, và cách chế biến gà an toàn
Virus cúm gia cầm, trong đó chủng H7N9 cực độc, đang có nguy cao cơ xâm nhập vào nước ta từ Trung Quốc và bùng phát bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, tại các chợ gần biên ở thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, việc mua bán gia cầm không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch vẫn rất phổ biến.
Tại chợ số 3, một trong những chợ trung tâm nhất của thành phố, không khó để hỏi mua một con gà làm sẵn trông bóng nhẫy bắt mắt, được gọi là gà trọc, hay gà Tàu. Đây là loại gà thải, được cho là xuất xứ từ Trung Quốc và chưa hề được qua kiểm dịch.
Theo phản ánh trong phóng sự phát ngày 2/3 trên VTV, các đơn vị quản lý thị trường và thú y, kiểm dịch nơi đây đang bị vô hiệu hóa, bởi: Khi lực lượng này xuất hiện thì tất cả các loại gà này được mang đi cất giấu, và người bán hàng sẽ mang ra bán sau khi lực lượng chức năng đi khỏi.
Có lẽ, để kiểm soát hiệu quả tình hình buôn bán gà Tàu thì cách "đóng giả người mua" như PGS Nguyễn Tiến Dũng kể ở trên không hề khó chút nào! Vậy nhưng không hiểu vì sao đến lúc này, lực lượng chức năng tại Móng Cái vẫn trần tình là "lực bất tòng tâm"?
Một số sự kiện y tế - sức khỏe nổi bật tuần qua
• VTV24 phát loạt phóng sự điều tra lật tẩy con đường làm nem chua rán từ bì lợn bẩn, với quy trình sản xuất dùng nhiều loại hóa chất không rõ nguồn gốc. Quý vị có thể xem phóng sự tại đây.
• Hà Nội thí điểm lập hồ sơ y tế điện tử tại một số phường xã, tiến tới áp dụng toàn thành phố vào tháng 9/2017. Bộ Y tế hướng đến mục tiêu mỗi người dân sẽ có một hồ sơ sức khỏe được cập nhật và theo dõi trọn đời.
• Liên tiếp các vụ bóng bơm khí hydro phát nổ gây bỏng khiến nhiều bậc phụ huynh phải giật mình vì lâu nay vẫn chiều theo sở thích của con mình.
Lời khuyên chuyên gia
PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa Trường ĐHKH Tự nhiên Hà Nội: "Để đảm bảo an toàn, cha mẹ không cho trẻ con chơi bóng bay bơm khí hydro. Các gia đình không nên mua bóng bay số lượng nhiều để trang trí sự kiện hay những bữa tiệc trong nhà".
Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng Khoa Bỏng Bệnh viện Xanh Pôn: Khi bị bỏng do nổ bóng bay, các gia đình có thể sơ cứu cho nạn nhân bằng cách ngâm những vùng bỏng vào nước, loại bỏ những vụn bóng trên người, cuốn một lớp gạc y tế mỏng để tránh nhiễm trùng và nhanh chóng đến bệnh viện cấp cứu.