“Gã khổng lồ” sở hữu cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam: Lợi nhuận đột biến nhờ bán bớt cảng, cổ phiếu lập đỉnh lịch sử mới

Hà Linh |

Cổ phiếu này đã tăng hơn 20% kể từ giữa tháng 8 qua đó leo lên lập đỉnh lịch sử mới. Vốn hóa thị trường tương ứng có thêm 3.200 tỷ đồng chỉ sau 2 tuần, đạt xấp xỉ 19.000 tỷ đồng.

“Gã khổng lồ” sở hữu cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam: Lợi nhuận đột biến nhờ bán bớt cảng, cổ phiếu lập đỉnh lịch sử mới - Ảnh 1.

Ngay trước kỳ nghỉ lễ 2/9, cổ phiếu CTCP Gemadept (GMD) đã có cú nhấn ga tăng tốc ấn tượng để leo lên lập đỉnh lịch sử mới. Trong phiên cuối cùng của tháng 8, cổ phiếu này tăng gần kịch trần và đóng cửa tại mức 62.700 đồng/cp. Thanh khoản cũng tăng đột biến với khối lượng khớp lệnh gần 6 triệu đơn vị, cao nhất trong vòng 15 tháng kể từ đầu tháng 6 năm ngoái.

Từ giữa tháng 8 đến nay, cổ phiếu GMD đã tăng hơn 20% thị giá. Vốn hóa thị trường của Gemadept tương ứng có thêm 3.200 tỷ đồng chỉ sau 2 tuần, đạt xấp xỉ 19.000 tỷ đồng. Con số này cao hơn gần 40% so với thời điểm đầu năm và là mức vốn hóa cao kỷ lục kể từ khi doanh nghiệp cảng biển này niêm yết năm 2002.

“Gã khổng lồ” sở hữu cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam: Lợi nhuận đột biến nhờ bán bớt cảng, cổ phiếu lập đỉnh lịch sử mới - Ảnh 2.

“Gã khổng lồ” ngành logistics và khai thác cảng biển

Gemadept tiền thân là một doanh nghiệp nhà nước, thành lập năm 1990. Gemadept là một trong ba công ty đầu tiên được cổ phần hóa vào năm 1993 và niêm yết trên thị trường chứng khoán rất sớm từ năm 2002. Đến nay, Gemadept đã trở thành doanh nghiệp đầu ngành trong lĩnh vực logistics và khai thác cảng.

Trong cơ cấu doanh thu của Gemadept, hoạt động khai thác thường đóng góp khoảng 70-80%, còn lại chủ yếu đến từ mảng logistics. Gemadept hiện đang sở hữu và vận hành nhiều cảng biến quy mô lớn, nổi bật nhất là Gemalink - cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam, một trong 19 cảng trên thế giới có khả năng đón được các siêu tàu lớn nhất hiện nay.

“Gã khổng lồ” sở hữu cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam: Lợi nhuận đột biến nhờ bán bớt cảng, cổ phiếu lập đỉnh lịch sử mới - Ảnh 3.

Nguồn BCTN 2022 của Gemadept (thời điểm chưa bán cảng Nam Hải Đình Vũ)

Những năm gần đây, lợi nhuận của Gemadept thường dao động trong khoảng 500-700 tỷ mỗi năm, ngoại trừ những năm lãi đột biến từ việc bán tài sản, thoái vốn các khoản đầu tư (2018). Năm 2022, Gemadept ghi nhận lợi nhuận trước thuế kỷ lục hơn 1.300 tỷ đồng, tăng 62,5% so với năm trước. Đây cũng là lần đầu tiên doanh nghiệp cảng biển này lãi trên nghìn tỷ kể từ khi hoạt động.

Bước sang năm 2023, Gemadept được kỳ vọng sẽ tiếp tục phá kỷ lục lợi nhuận nhờ thương vụ bán cảng Nam Hải Đình Vũ cho Viconship và các đối tác. Doanh nghiệp này lên kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng với mục tiêu lợi nhuận trước thuế 3.000 tỷ đồng, cao gấp 2,3 lần thực hiện năm ngoái.

Sau 6 tháng, Gemadept đã hoàn thành hơn 83% kế hoạch cả năm với lợi nhuận trước thuế gần 2.500 tỷ đồng, gấp 3,5 lần cùng kỳ. Nguyên nhân chủ yếu giúp Gemadept ghi nhận lợi nhuận tăng đột biến trong quý vừa qua đến từ khoản doanh thu tài chính 1.863 tỷ đồng, chủ yếu là khoản lãi ghi nhận từ việc bán vốn của cảng Nam Hải Đình Vũ.

“Gã khổng lồ” sở hữu cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam: Lợi nhuận đột biến nhờ bán bớt cảng, cổ phiếu lập đỉnh lịch sử mới - Ảnh 4.

Hoạt động khai thác cảng phục hồi

Theo tính toán của SSI Research, nếu không tính khoản lãi bất thường, lợi nhuận trước thuế cốt lõi 6 tháng đầu năm của Gemadept sẽ giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu do tổng sản lượng container thông qua cảng trong nửa đầu năm chỉ đạt 1,3 triệu TEU (giảm 17,4% so với cùng kỳ), giảm mạnh hơn mức giảm bình quân 8% của ngành, do Gemadept có nhiều hoạt động sang thị trường Mỹ/Châu Âu thông qua cảng Gemalink.

Mặc dù khó khăn nhưng hoạt động khai thác cảng được kỳ vọng đã tạo đáy trong nửa đầu năm và sẽ sớm hồi phục. Theo SSI Research, nhu cầu ở nước ngoài sẽ bắt phục hồi từ nửa cuối năm 2023, do các hoạt động giải phóng hàng tồn kho của các doanh nghiệp đầu bán lẻ toàn cầu giảm tốc và mùa lễ mua sắm vào cuối năm đang đến gần.

Bộ phận phân tích này kỳ vọng tổng sản lượng qua cảng của Gemadept trong 6 tháng cuối năm sẽ đạt 1,4 triệu TEU, tăng 9,5% so với nửa đầu năm 2023. Tương ứng, tổng sản lượng trong cả năm 2023 sẽ đạt 2,9 triệu TEU, giảm 6% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng của Gemalink ước tính đạt 900 nghìn TEU, giảm 18% so với cùng kỳ.

Năm 2024, Bộ phận phân tích này kỳ vọng sản lượng sẽ phục hồi cùng với việc bổ sung hàng tồn kho và xu hướng phục hồi kinh tế. Sản lượng của Gemadept dược dự phóng sẽ đạt 3,5 triệu TEU, tăng 22%, trong đó sản lượng của Gemalink ước đạt 1,3 triệu TEU, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2023.

“Gã khổng lồ” sở hữu cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam: Lợi nhuận đột biến nhờ bán bớt cảng, cổ phiếu lập đỉnh lịch sử mới - Ảnh 5.

SSI Research dự báo doanh thu sẽ tăng 6,3% so với cùng kỳ trong năm 2023 do mảng cảng phục hồi (tăng 9% so với cùng kỳ) nhờ sản lượng qua cảng tăng lên. Tuy nhiên, mảng logistics được dự báo sẽ ghi nhận doanh thu thấp hơn 50% so với cùng kỳ với giả định các hợp đồng cho thuê tàu sẽ được gia hạn với giá cho thuê ở mức bình thường.

Năm 2023, SSI Research ước tính lợi nhuận trước thuế cốt lõi của Gemadept đạt 1.350 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận trước thuế cốt lõi nửa cuối năm ước đạt 712 tỷ, tăng 21% so với cùng kỳ và tăng 10% so với nửa đầu năm 2023. Trong năm 2024, nhờ sản lượng qua cảng phục hồi mạnh, lợi nhuận trước thuế của Gemadept dự phóng đạt 1.600 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ nếu tính riêng hoạt động cốt lõi (giảm 49% so với cùng kỳ theo giá trị danh nghĩa).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại