Trong một động thái có thể làm trầm trọng thêm mối lo ngại từ Ấn Độ, Tập đoàn Công nghiệp và Khoa học Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (tên viết tắt: CASIC, đồng thời là nhà sản xuất tên lửa lớn nhất tại nước này) hiện đang phát triển mẫu máy bay không người lái có khả năng tránh được sự tấn công của các loại vũ khí phòng không.
"Công ty đang tập trung phát triển một mẫu máy bay không người lái tàng hình, có khả năng hoạt động trong thời gian dài và một mẫu máy bay không người lái hoạt động ở vùng cận vũ trụ" - Wei Yiyin, Phó giám đốc của CASIC, đồng thời là thành viên của Ủy ban Quốc gia CPPCC nói với tờ China Daily.
CASIC dự kiến đưa ra mẫu máy bay mới vào năm 2020 và sẽ giới thiệu trên thị trường xuất khẩu.
Máy bay không người lái Wing Loong của Trung Quốc.
Chương trình phát triển này được xúc tiến sau khi vào tháng Hai năm nay, Trung Quốc thông báo nhận được một đơn đặt hàng từ nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay cho máy bay trinh sát - tấn công không người lái Wing Loong II.
Đây là sản phẩm của Viện nghiên cứu và thiết kế máy bay Thành Đô. Bắc Kinh không tiết lộ tên quốc gia khách hàng, quy mô và giá trị hợp đồng.
Trong khi đó, cơ quan nghiên cứu quốc phòng Ấn Độ DRDO đã bắt đầu nhận được đợt quỹ ngân sách đầu tiên từ chính phủ trung ương kể từ tháng Năm năm ngoái.
Trao đổi với Sputnik, một số nguồn tin quốc phòng cho biết mô hình kim loại với kích thước thực của dự án máy bay chiến đấu không người lái Ghatak dự kiến sẽ hoàn thiện trong vài tuần tiếp theo để khảo sát phạm vi phát hiện (mục tiêu) và tiết diện radar.
Chính phủ Ấn Độ đã quyết định sẽ trang bị cho Ghatak khả năng tàng hình mà nước này tự nghiên cứu, phát triển.
Các nhà khoa học Ấn Độ đang nhờ tới sự hỗ trợ của tập đoàn Dassault Aviation (Pháp) để trang bị công nghệ và phần mềm cần thiết cho dự án Ghatak.
Bản kế hoạch phát triển Ghatak do tờ Thời báo Kinh tế Ấn Độ đăng tải năm 2015.
"Nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch thì cũng phải tới năm 2025, UAV chiến đấu của Ấn Độ mới có thể ra mắt. Trong khi đó, công ty Trung Quốc đặt ra thời hạn sớm hơn 5 năm (so với Ấn Độ)" - Nguồn tin nói.
Các nhà phân tích nghi ngờ cam kết của Ấn Độ, khi xét tới thành tích mà nước này đã đạt được.
"Ấn Độ rất cần có một chương trình UAV chất lượng, bởi Trung Quốc đã có hơn 1.500 UAV và họ đang sản xuất từ 40-50 loại UAV khác nhau. Một số lượng lớn các nhà sản xuất tại Trung Quốc đang tham gia chế tạo UAV.
Trong khi đó, cho tới thời điểm này, chúng ta vẫn đang phụ thuộc vào các hệ thống của Israel" - ông Anil Chopra, một trung tướng không quân về hưu của Ấn Độ cho biết.
Trung Quốc đã xuất khẩu máy bay không người lái do nước này sản xuất tới 10 quốc gia trên thế giới và đang thảo luận với một số quốc gia khác để cung cấp UAV Wing Loong II, bên cạnh các mẫu máy bay đã có mặt trên thị trường xuất khẩu như WJ-500, WJ-600 và WJ-600A/D.
Ấn Độ đã lên kế hoạch cho nhiều chương trình UAV khác nhau như Rustam, Nirbhay. Các dự án này đã được tiến hành trong nhiều năm. Một số chương trình như Nishant không gặt hái được thành công.
Tháng 11 năm ngoái, mẫu UAV TAPAS 201 tầm trung của Ấn Độ đã tiến hành chuyến bay đầu tiên.
UAV đa nhiệm TAPAS 201 được phát triển để thực hiện các nhiệm vụ tình báo-giám sát-trinh sát (ISR) cho 3 lực lượng vũ trang với thời gian hoạt động 24 giờ liên tục.
"TAPAS 201 có khả năng mang theo các cảm biến quang học tầm trung và tầm xa, radar khẩu độ tổng hợp, trí thông minh điện tử/thông tin liên lạc, hệ thống nhận biết tình huống dành cho các hoạt động cả ngày lẫn đêm" - Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết.
TAPAS 201 sử dụng 2 động cơ NPO Saturn 36T do Nga sản xuất, với công suất 100 mã lực mỗi chiếc.