Đòn giáng vào "chiến thắng của Putin"
Hãng thông tấn AFP đưa tin, tập đoàn công nghệ Samsung (Hàn Quốc) ngày 27/3 thông báo sẽ ngừng hỗ trợ thẻ Mir của Nga trên dịch vụ thanh toán di động (Samsung Pay) của hãng từ ngày 3/4.
Các thẻ Mir hiện có trên ứng dụng cũng sẽ tự động bị xóa sau ngày này.
Đây được xem là đòn giáng mạnh vào Moscow, bởi Mir vốn là đối thủ hàng đầu của thẻ thanh toán quốc tế Visa và Mastercard.
Thẻ Mir (trong tiếng Nga có nghĩa "thế giới" và "bình yên") đã trở thành hệ thống thẻ thanh toán quốc tế duy nhất dành cho người Nga, sau khi 2 nhà phát hành thẻ phương Tây rút khỏi nước này vào năm 2022 do chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine.
Theo Wall Street Journal, thẻ Mir còn được xem là một đại diện cho chiến thắng của Tổng thống Nga Putin trong cuộc chiến tài chính với phương Tây. Trong khi đó, theo Business Insider, hệ thống này được Moscow xây dựng riêng suốt 8 năm qua và xem như "vũ khí tối thượng" để đối phó với các biện pháp trừng phạt.
"Bắt đầu từ ngày 3/4/2024, các thao tác thêm và sử dụng thẻ Mir trong Samsung Pay sẽ không còn khả dụng" – Thông báo của Samsung qua website chính thức cho hay.
Trên phương diện các tập đoàn công nghệ, Samsung đã trở thành "gã khổng lồ" thứ 3 trên thế giới rút Mir ra khỏi dịch vụ ví điện tử của mình. Trước đó, Apple và Google đã có các động thái tương tự.
Tháng 3/2022, Apple thông báo sẽ không tiếp tục hỗ trợ hệ thống thanh toán Mir của Nga trên Apple Pay.
Tới tháng 2/2024, Apple đã loại bỏ các ứng dụng của Hệ thống Thẻ thanh toán quốc gia là SBPay và "Привет!" (hay "Helllo" trong tiếng Anh). Trong đó, SBPay là ứng dụng di động của Nga phục vụ việc thanh toán nhanh các hàng hóa và dịch vụ bằng smartphone, còn "Привет!" cung cấp thông tin về các chương trình khuyến mãi của SBPay và Mir.
Google thì tạm dừng kế hoạch thí điểm cho phép người tiêu dùng sử dụng thẻ Mir trong hệ thống Google Pay ở Nga.
Tới ngày 27/3 vừa qua, "gã khổng lồ" công nghệ này tiếp tục thông báo đã loại bỏ ứng dụng Mir Pay ra khỏi kho ứng dụng dành cho các thiết bị chạy hệ điều hành Android.
Lý giải hành động của Samsung
Theo tờ Kyiv Independent, quyết định của Samsung có thể liên quan tới thông báo về các lệnh trừng phạt mới nhất áp đặt đối với hệ thống thanh toán quốc gia (NSPK) của Nga. Các biện pháp trừng phạt này đã được Mỹ công bố vào tháng 2/2024, đúng dịp đánh dấu 2 năm cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Trước sức ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ, giữa tháng 3 vừa qua, Armenia cũng thông báo sẽ dừng chấp nhận thẻ Mir tại gần như phần lớn các ngân hàng của nước này, bắt đầu từ ngày 30/3.
Trả lời phỏng vấn Đài Sputnik, chuyên gia tiền tệ Dmitry Golubovsky cho rằng, khó có thể xét động thái của Samsung trên cấp độ quốc gia (Hàn Quốc): "Nếu nhìn vào chính sách của Hàn Quốc trước nay, có thể thấy họ hoàn toàn thờ ơ với các biện pháp trừng phạt, không thuân thủ hoặc tuân thủ một cách miễn cưỡng. Hàn Quốc có vị thế khá độc lập so với các quốc gia khác".
"Khi đề cập tới các hệ thống thanh toán, thì Mỹ - chứ không phải Hàn Quốc – đang tỏ ra tích cực hơn trong việc gây áp lực lên các ngân hàng của quốc gia thứ ba, xét từ việc họ có khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt thứ cấp. Phía Samsung chỉ cần nhìn vào việc có một số hoạt động đang gia tăng và đưa ra quyết định" – Ông Golubovsky nói.
Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng điều này sẽ không có tác động nhiều tới Nga, bởi người dùng ở Nga có thể chuyển sang sử dụng các dịch vụ khác, thay vì ví điện tử của Samsung.
"Người dùng có thể chuyển sang các dịch vụ tương tự khác như SBPay, Yandex Pay. Bạn không cần phải sử dụng chương trình mặc định được tích hợp trong Samsung nếu tập đoàn này từ chối dịch vụ của Nga" – Ông Golubovsky nhấn mạnh.
Nga cảnh báo "gã khổng lồ" châu Á
Trả lời phỏng vấn tờ Lenta ngày 27/3, ông Mikhail Delyagin – Phó chủ tịch Ủy ban Chính sách Kinh tế của Duma Quốc gia Nga khẳng định tại Nga có các lựa chọn thay thế cho dịch vụ Samsung Pay, đồng thời cảnh báo phía sắp tới sẽ gặp nhiều khó khăn chính là tập đoàn Samsung của Hàn Quốc.
"Samsung Pay chỉ liên quan tới những người sử dụng điện thoại Samsung, không phải tất cả những người dùng hệ điều hành Android. Chúng ta vẫn còn Yandex Pay và các hệ thống không tiếp xúc khác. Chúng ta có các hệ thống thay thế, sẽ không có rắc rối nào ở đây" – Ông Delyagin cho hay.
Ngoài ra, vị quan chức cho biết ông đã từ bỏ việc sử dụng các thiết bị của Samsung.
"Tôi đã sử dụng điện thoại của Samsung cho tới khi tôi phát hiện ra nó thu thập thông tin về tình trạng sức khỏe của tôi. Trên thực tế, càng ít điện thoại Samsung ở Nga càng tốt, như Apple vậy. Như thế, ít thông tin về chúng tôi bị rò rỉ hơn" – ông Delyagin nói.