G7 tìm kiếm lập trường thống nhất về Trung Quốc sau động thái “lạ” của Tổng thống Pháp

Kiệt Linh |

Các nhà ngoại giao hàng đầu của nhóm các nước phát triển G7 bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán tại Nhật Bản trong ngày hôm qua (17/4) nhằm tìm cách đưa ra một thông điệp thống nhất của nhóm này trước những quan ngại về Trung Quốc sau những phát biểu gây tranh cãi gần đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

G7 tìm kiếm lập trường thống nhất về Trung Quốc sau động thái “lạ” của Tổng thống Pháp - Ảnh 1.

Ngoại trưởng các nước G7 muốn vượt qua “cơn bão” gây ra từ những phát biểu “lạ thường” của Tổng thống Pháp Macron sau chuyến đi của ông này tới thủ đô Bắc Kinh. Cụ thể, Nhà lãnh đạo Macron đã thẳng thừng kêu gọi Châu Âu nên tránh "những cuộc khủng hoảng không phải của chúng ta" và không nên theo đuôi Mỹ trong vấn đề Đài Loan. Trên thực tế, Trung Quốc đã có trong chương trình nghị sự của nhóm nước G7 ngay cả trước khi các cuộc đàm phán chính thức bắt đầu được khai màn vào sáng ngày hôm qua.

Sau khi đến thị trấn nghỉ dưỡng miền núi Karuizawa trên một chuyến tàu cao tốc đặc biệt, Ngoại trưởng các nước thành viên G7 đã tổ chức một bữa tối làm việc về Trung Quốc và Triều Tiên. Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi đã nói với những người đồng cấp rằng "sự thống nhất của G7 là vô cùng quan trọng".

Phiên họp chính thức đầu tiên ngày hôm qua một lần nữa tập trung vào Trung Quốc và các thách thức trong khu vực. Ngoại trưởng Hayashi đã mở đầu cuộc đàm phán bằng cách cảnh báo cộng đồng quốc tế đang "ở thời điểm bước ngoặt của lịch sử".

Ông kêu gọi các đối tác "chứng minh cho thế giới thấy quyết tâm mạnh mẽ của G7" để bảo vệ "trật tự quốc tế dựa trên pháp quyền".

Nước chủ nhà Nhật Bản muốn được đặt lên hàng đầu chương trình nghị sự các thách thức trong khu vực và các sự kiện gần đây bao gồm những cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc xung quanh Đài Loan và các vụ thử tên lửa của Triều Tiên.

Khi Ngoại trưởng các nước thành viên bắt đầu các cuộc đàm phán, Hải quân Mỹ tuyên bố họ đã đưa một tàu khu trục có tên lửa dẫn đường đi qua Eo biển Đài Loan trong một hoạt động thể hiện sự tự do hàng hải, và Bắc Kinh nói rằng họ đã theo dõi chặt chẽ con tàu này.

Những tranh cãi xoay quanh các phát biểu của Tổng thống Pháp Macron gần đây sẽ thúc đẩy các nước cân nhắc kỹ lưỡng hơn về cách sử dụng ngôn từ trong một tuyên bố cuối cùng về Trung Quốc cũng như những lời đe dọa của Bắc Kinh về việc chiếm giữ hòn đảo Đài Loan.

Chuyến đi tới Bắc Kinh của Tổng thống Macron và các quan chức G7 khác "sẽ là một chủ đề thảo luận", một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ hồi cuối tuần vừa rồi đã tiết lộ như vậy.

"Tôi nghĩ rằng sẽ có một cuộc thảo luận về cách chúng ta có thể tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau để có được một cách tiếp cận chung và thống nhất" trong vấn đề Trung Quốc, vị quan chức của Mỹ cho hay.

Các quan chức của nhóm G7 đã rất muốn tránh đổ thêm dầu vào lửa và Ngoại trưởng Pháp Catherine Colonna khẳng định không có sự thay đổi chính sách đối với Trung Quốc và Đài Loan.

Ông Jacques deLisle - Giám đốc chương trình châu Á tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Philadelphia, cho rằng, bất chấp tất cả những biểu hiện thống nhất bên ngoài, những bình luận của Tổng thống Macron phản ánh thực tế rằng có những khác biệt thực sự giữa các đồng minh trong vấn đề liên quan đến Trung Quốc.

“Đánh giá của châu Âu về Trung Quốc và quan điểm về Đài Loan đã hướng tới những lập trường mà Mỹ ủng hộ. Nhưng điều này đã không mang lại sự đồng thuận”, ông Jacques deLisle cho hay.

"Quan điểm của Washington về Trung Quốc ngày càng trở nên tiêu cực hơn và do đó, các tín hiệu ủng hộ Đài Loan ngày càng mạnh mẽ hơn, dẫn đến sự khách biệt trong lập trường giữa châu Âu và Mỹ", Giám đốc chương trình châu Á tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Philadelphia cho hay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại