Sự trỗi dậy của nền kinh tế dữ liệu gây ra tranh cãi khi các công ty thường né thuế tại những thị trường nơi họ có hàng triệu người dùng nhưng không có văn phòng hay hiện diện vật lý khác.
G-20, nhóm các nền kinh tế lớn gồm Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Trung Quốc cùng các nước mới nổi, đang đánh giá lại quy định đánh thuế quốc tế được hình thành gần một thế kỷ trước nhằm cập nhật hơi thở thời đại.
Cách tiếp cận mới sẽ phân bổ doanh thu chịu thuế dựa trên quy mô kinh doanh tại một thị trường cụ thể, không dựa vào vị trí của trụ sở công ty.
Các bộ trưởng tài chính và giám sát ngân hàng trung ương G-20 sẽ gặp nhau vào ngày 8-9/6 tại Fukuoka (Nhật Bản) để thống nhất về chính sách mới. Theo nguồn tin của Nikkei, họ hi vọng đạt được thỏa thuận cuối cùng vào năm 2020.
Từ mùa hè năm 2018, Mỹ, Anh và các nước mới nổi đã đưa ra đề xuất để thảo luận giữa 20 nước thành viên. Họ kêu gọi phương pháp đánh thuế cơ bản như nhau và doanh thu chịu thuế được phân bổ đến các nước có người dùng dịch vụ kỹ thuật số.
G-20 cũng cân nhắc áp thuế lên 4 công ty công nghệ lớn của Mỹ - Google, Amazon, Facebook, Apple – và các công ty đang hoạt động toàn cầu.
Quy định mới có thể có nhiều cách tính. Chẳng hạn, G-20 tính toán công thức với các yếu tố dữ liệu cá nhân, sức mạnh thương hiệu hay phương án thuế được chia sẻ giữa các nước thành viên dựa trên dấu hiệu như doanh số, lượng người dùng theo từng nước.
Facebook đang có 1,4 tỷ người dùng toàn cầu. Trong số này, 490 triệu tại châu Á – Thái Bình Dương, 270 triệu tại châu Âu, 180 triệu tại Bắc Mỹ. Tuy nhiên, Facebook lại đóng thuế tại Ireland để tận dụng chính sách thuế ưu đãi. Một khi quy định mới được giới thiệu, Facebook sẽ phải nộp thuế tại những nơi có người dùng.
Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) sẽ ước tính quy định mới ảnh hưởng đến doanh thu từ thuế tại mỗi nước và tìm ra phương pháp tính cụ thể, xác định công ty nào là đối tượng của hệ thống.
Cũng nằm trong bàn nghị sự là vấn đề của các thiên đường thuế. G-20 dự tính đặt ra mức thuế tối thiểu mà các chính phủ nên tôn trọng nhằm tránh tình trạng ưu đãi thuế để hấp dẫn các doanh nghiệp.
Dù vậy, để các quy định quốc tế mới có tác dụng, các nước phải xem lại quy định thuế riêng. Do đó, nó cần có thời gian để thay đổi có hiệu lực.