Mustafa Sejari, đại diện cấp cao của FSA, cho biết trong chuyến đi tới Washington vừa qua, giới chức của nhóm đối lập Syria này đã giải thích với các quan chức Mỹ về những hạn chế trong quyết định của tổng thống Donald Trump, liên quan đến việc đóng cửa chương trình do CIA tiến hành nhằm cung cấp vũ khí cho một số lực lượng nổi dậy tại Syria, với mục tiêu chống lại chính quyền tổng thống Bashar al-Assad.
"Chúng tôi đề nghị [Mỹ] nối lại viện trợ, và lý giải các mối nguy hiểm khi Mỹ bỏ mặc không hỗ trợ lực lượng nổi dậy ôn hòa FSA," ông Sejari nói.
Theo ông này, các giải pháp trên là cần thiết để thực hiện ý định của ông Trump là "đối đấu Iran" trong khu vực, và kiềm chế các hoạt động được cho là "Iran bành trướng mà không gặp rào cản".
"Bất chấp tất cả các tuyên bố của Mỹ về sự cần thiết phải chống lại ảnh hưởng của Iran, thì Iran vẫn mở rộng [ảnh hưởng] ở Syria, trong khi các lực lượng đối lập ôn hòa mà Washington hậu thuẫn lại bị cắt viện trợ và trở nên suy yếu," đại diện FSA than phiền.
Chương trình hỗ trợ của CIA với các nhóm nổi dậy Syria được khởi động vào năm 2013.
Tháng 3/2016, cơ quan tình báo Mỹ bị chỉ trích gay gắt khi một nhóm đối lập do họ bảo trợ ở miền Bắc Syria bị tấn công bởi Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) của người Kurd, do... Lầu Năm Góc hậu thuẫn.
Trước đó vào năm 2015, CIA thừa nhận rằng số lượng lớn vũ khí dự tính viện trợ cho phe đối lập Syria bị phát hiện rơi vào tay của các nhóm khủng bố như Nhà nước Hồi giáo (IS) hay Al-Nusra, trong đó nguyên nhân không nhỏ do các thành viên FSA đào tẩu "tuồn" ra chợ đen.
Thổ Nhĩ Kỳ phản đối kế hoạch vùng biên giới của Mỹ. Nguồn: RT
Trong khi FSA kêu gọi Mỹ nối lại viện trợ quân sự, chính nhóm này lại đang lập liên minh với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tiêu diệt SDF.
Mới đây, liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu tại Syria tuyên bố xúc tiến kế hoạch tạo ra Lực lượng Biên giới Syria (SBF), với nòng cốt là 30.000 tay súng thuộc SDF. Đặc biệt, SBF sẽ đồn trú thường trực tại các địa bàn của người Kurd dọc biên giới Syria với Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như tại Thung lũng Sông Euphrates.
Để đáp trả, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hôm 14/1 gọi kế hoạch của liên quân Mỹ là mối đe dọa an ninh đối với lãnh thổ và chủ quyền nước này, đồng thời tuyên bố "kiên quyết tiêu diệt toàn bộ mối nguy hại, và có đủ năng lực để làm việc đó". Ankara chỉ trích Mỹ đã phạm sai lầm khi hợp tác với lực lượng của người Kurd.
Trong khi căng thẳng giữa liên minh FSA-Thổ với SDF leo thang nghiêm trọng thời gian qua - với thông tin về việc liên minh sẵn sàng tổ chức một đợt tấn công vào SDF ở thị trấn Afrin, ngoại ô Aleppo, việc FSA bất ngờ "cầu viện" Mỹ có thể là một diễn biến bước ngoặt, nhưng đồng thời khiến tình hình khu vực diễn biến phức tạp.