Kazakhstan từ chối gia nhập BRICS
Tờ Intellinews (Đức) đưa tin, Kazakhstan mới đây tuyên bố, nước này không có ý định nộp đơn xin gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) và lập trường này sẽ không thay đổi trong tương lai gần.
"Kazakhstan hiện tại và có thể trong tương lai gần sẽ không tham gia BRICS do quá trình xem xét tư cách thành viên gồm nhiều giai đoạn, cũng như các vấn đề khác liên quan đến triển vọng của tổ chức này" - Ông Berik Uali, cố vấn kiêm thư ký báo chí của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev cho hay.
Ông Uali lưu ý, Tổng thống Tokayev đã nhận được các đề xuất mời Kazakhstan gia nhập BRICS vì quốc gia này là một thành viên "có trách nhiệm và được tôn trọng" của cộng đồng quốc tế. Các đề xuất đã được tổng thống và các bộ phận chính phủ có liên quan của Kazakhstan "xem xét cẩn thận" để đảm bảo chúng phù hợp với lợi ích quốc gia.
Bên cạnh đó, mặc dù ủng hộ mục tiêu của BRICS là thúc đẩy trật tự toàn cầu "công bằng và dân chủ" và không có sự thống trị của siêu cường, nhưng ông Tokayev bày tỏ quan điểm ủng hộ mạnh mẽ đối với Liên Hợp Quốc (LHQ).
Tổng thống Kazakhstan tin rằng LHQ nên tiếp tục là thể chế toàn cầu để giải quyết các vấn đề quốc tế và thiết lập một trật tự thế giới công bằng.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Tengrinews (Kazakhstan), một số nhà quan sát cho rằng lập trường mà ông Uali đề cập không khác nào "một đòn giáng vào kế hoạch của Tổng thống Nga Vladimir Putin trong việc dựa vào BRICS để củng cố liên minh giữa các quốc gia 'Đông toàn cầu' và 'Nam toàn cầu' trong cuộc đấu tranh chống lại thế giới do phương Tây thống trị".
Trước đó, vào tháng 5 năm nay, trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, ông Tokayev nhấn mạnh "Nga là đối tác chiến lược và đồng minh quan trọng của Kazakhstan".
FirstPost: Nga "giáng đòn" ngay sau khi Kazakhstan từ chối BRICS
Theo tờ FirstPost (FP, Ấn Độ), cơ quan giám sát an toàn nông nghiệp của Nga Rosselkhoznadzor vừa đưa ra tuyên bố tạm thời cấm nhập khẩu cà chua, ớt, dưa tươi, lúa mì, hạt lanh và đậu lăng từ Kazakhstan.
"Quyết định này được đưa ra do các cơ quan có thẩm quyền tại Kazakhstan không hành động kịp thời và nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho lãnh thổ Nga" - Rosselkhoznadzor thông báo trên website.
Tuy nhiên, theo FirstPost, động thái của Nga diễn ra không lâu sau khi Kazakhstan từ chối gia nhập BRICS, điều này làm dấy lên các nhận định cho rằng Moscow đang đáp trả đồng minh, chứ không đơn thuần nằm ở vấn đề vệ sinh thực phẩm.
Quyết định của Moscow được đánh giá là có thể gây ảnh hưởng nặng tới Kazakhstan khi Nga là đối tác thương mại nước ngoài lớn thứ 3 của nước này. Việc vận chuyển hàng hóa tới Nga chiếm hơn 11% tổng kim ngạch xuất khẩu của Kazakhstan.
Phản ứng trước lệnh cấm của Nga, Hạ nghị sĩ Kazakhstan Aidarbek Kozhanazarov đề xuất nước này đáp trả bằng cách hạn chế hàng hóa Nga tiếp cận thị trường Kazakhstan.
"Những rào cản đó gây áp lực lên ngành nông nghiệp của chúng tôi và toàn bộ nền kinh tế: Các nhà xuất khẩu Kazakhstan phải đối mặt với tổn thất tài chính đáng kể, xe chở hàng không hoạt động và thời hạn giao hàng bị bỏ lỡ" - ông Kozhanazarov nói.
Vị quan chức lưu ý, quyết định của Nga có thể khiến 25,2 triệu tấn ngũ cốc bị hư hỏng, làm trầm trọng thêm vấn đề.
"Công sức lao động vất vả của những người nông dân Kazakhstan, những người đã làm việc chăm chỉ suốt cả mùa, đang trên bờ vực bị lãng phí. Những hạn chế do Rosselkhoznadzor áp đặt vi phạm các điều khoản của thỏa thuận Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU).
Hơn nữa, chúng trái ngược với các nguyên tắc cốt lõi về tự do lưu thông hàng hóa và quá cảnh giữa các quốc gia thành viên EAEU" - ông Kozhanazarov nhấn mạnh.
Kazakhstan hành động khẩn
Theo hãng thông tấn Interfax ngày 18/10, ngay sau khi Rosselkhoznadzor thông báo về lệnh cấm tạm thời đối với Kazakhstan, nước này đã cử phái đoàn chính phủ do Phó Thủ tướng Serik Zhumangarin dẫn đầu thảo luận tình hình giữa hai phía trong cuộc họp của Ủy ban liên chính phủ tại Moscow.
"Vấn đề thực hiện các hạn chế tạm thời đối với việc nhập khẩu lúa mì, đậu lăng, hạt lanh, hạt có dầu, cà chua, ớt, hạt hướng dương để gieo trồng, dưa tươi từ Kazakhstan vào Nga, cùng với các vấn đề khác đã được thảo luận tại cuộc họp của ủy ban liên chính phủ Kazakhstan và Liên bang Nga vào ngày 17/10 tại Moscow" - Thông báo của Bộ Nông nghiệp Kazakhstan cho hay.
Bộ này nhấn mạnh, tất cả các sản phẩm xuất khẩu kiểm dịch của Kazakhstan đều được vận chuyển kèm theo giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Ủy ban Kiểm tra Nhà nước cấp trong tổ hợp công nghiệp nông nghiệp theo đúng các yêu cầu kiểm dịch thực vật thống nhất do Hội đồng Ủy ban Kinh tế Á-Âu phê duyệt.
Hiện chưa rõ hai phía Nga và Kazakhstan đã đi đến kết luận như thế nào sau khi trao đổi.
Mối quan hệ đồng minh đang xấu đi
Tạp chí Foreign Policy (Mỹ) lưu ý, mặc dù duy trì quan hệ chiến lược nhưng Kazakhstan từ lâu đã tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào Moscow. Vài tháng sau khi xung đột Ukraine bùng nổ, Tổng thống Tokayev đã tới thăm Thổ Nhĩ Kỳ lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức.
Đây là chuyến thăn mang tính đột phá khi Kazakhstan đồng ý trao đổi thông tin tình báo quân sự với Thổ Nhĩ Kỳ, đánh dấu lần đầu tiên một thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) - với Nga là thành viên dẫn dắt - đồng ý trao đổi thông tin tình báo nhạy cảm với một thành viên NATO.
Bên cạnh đó, mặc dù không cung cấp sự hỗ trợ nào cho Moscow trong cuộc xung đột ở Ukraine, và cũng không công nhận các vùng lãnh thổ của Ukraine được Nga sáp nhập nhưng Kazakhstan "không hề tỏ ra miễn cưỡng khi chọn phe trong cuộc xung đột được đánh giá là tương tự giữa Azerbaijan và Armenia tại Nagorno-Karabakh".
Những động thái táo bạo của ông Tokayev đã khiến nhiều người bất ngờ, vì chính Moscow đã "cứu ông Tokayev" trong sự kiện mà Tổng thống Kazahstan cáo buộc là nỗ lực đảo chính vào tháng 1/2022.
Trước các động thái của Kazakhstan, ngay từ tháng 8/2022, một bài đăng được cho là của Phó Chủ tịch Hội đồng an ninh Nga Dmitry Medvedev trên mạng xã hội đã gợi ý rằng, Moscow "có thể sẽ chú ý đến số phận của miền bắc Kazakhstan", ngụ ý miền bắc Kazakhstan có thể là đích ngắm tiếp theo của Nga sau khi Ukraine nhanh chóng bị đánh bại.
Ông Medvedev sau đó tuyên bố rằng tài khoản của ông đã bị hack, nhưng nhà báo nổi tiếng người Nga Mikhail Zygar khẳng định, nội dung từ tài khoản đó đã được biên soạn bởi đội ngũ nhân viên đông đảo của cựu Tổng thống Nga với mục đích miêu tả ông là người ủng hộ chiến tranh (với Kazakhstan).
Đáng lưu ý, tháng 8 năm nay, lần đầu tiên kể từ năm 2022, Kazakhstan ghi nhận sự sụt giảm về số lượng lớn công ty Nga đăng ký tại quốc gia này. Các chuyên gia lưu ý rằng, người Nga đang rời đi vì cả lý do kinh tế và chính trị.
Trước đó, nhiều công ty Nga đã đăng ký tại Kazakhstan để tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây. Song, trước sự ngạc nhiên của họ, Kazakhstan tuyên bố nước này sẽ tuân thủ các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Lần này, theo trang tin Kun.uz (Uzbekistan), giới phân tích đánh giá việc Kazakhstan từ chối thẳng thừng đề xuất gia nhập BRICS ở cả hiện tại và tương lai có thể xem như một "mồi lửa" làm bùng nổ "sự thất vọng vốn đã chuyển sang sự tức giận" của Moscow với đồng minh, khiến Nga đưa ra phản ứng tức thì như vậy.