Sau "cú nổ" vươn mình thành kỳ lân của VNG, nhiều năm qua, Việt Nam chưa xuất hiện thêm trường hợp thứ 2. Khởi nghiệp ở Silicon Valley, vươn mình hướng về phục vụ Việt Nam và hơn 1,5 tỷ người học tiếng Anh trên toàn cầu, Văn Đinh Hồng Vũ (Vũ Văn) kỳ vọng, công ty chị sẽ làm nên lịch sử.
Hiện tại, ứng dụng ELSA đã có mặt ở 101 quốc gia với hơn 4 triệu người dùng, được đánh giá triển vọng hàng đầu khu vực Đông Nam Á khi liên tiếp lọt top ứng dụng AI đứng đầu thế giới (Forbers, Research Snipers, Product Hunt… bình chọn), chung danh sách với các ứng dụng của tập đoàn danh tiếng như Microsoft, Google…
Cuộc sống của chị sẽ thay đổi như thế nào khi làm startup?
Vũ Văn: Khi làm founder, mức lương sẽ thấp hơn trước kia rất nhiều lần. Điều này không chỉ đúng với tôi mà còn đúng với 100% founder ở Silicon Valley. Lương của họ có thể giảm từ 2-4 hoặc 6 lần so với lúc đi làm ở các công ty lớn, tùy vào vị trí trước kia của họ.
Nếu tiếp tục công việc cũ, tôi có thể mua nhà cửa lớn ở Mỹ, tiết kiệm được rất nhiều tiền với mức sống "sang chảnh". Bây giờ, khi làm founder, tôi chỉ đủ trang trải cuộc sống bình thường, không nghĩ đến chuyện tiết kiệm, mua nhà lớn hay đầu tư xa vời.
Cách sống của tôi cũng thay đổi. Chẳng hạn, khi làm trợ lý cho TGĐ, tôi luôn bay hạng thương gia, đi ăn nhà hàng sang trọng nhưng khi làm startup lại luôn dành thời gian chọn bay vé rẻ nhất có thể. Hoặc trước kia, khi làm nhân sự cao cấp, tôi được công ty mua bảo hiểm với chính sách rất tốt còn khi làm founder những ngày đầu, tôi thậm chí không có đủ tiền mua bảo hiểm cho chính mình và phải nhờ vào quỹ Obama Care - chính sách bảo hiểm mà Chính phủ dành cho những người rất nghèo ở Mỹ.
Từ cuộc sống sang chảnh sang sống kiểu người rất nghèo, chị cảm thấy thế nào?
Vũ Văn: Cuộc sống của tôi thay đổi nhiều như vậy nhưng có một thứ, tôi đảm bảo sẽ không thay đổi, đó là hạnh phúc của mình. Bởi vì hạnh phúc không đến từ những thứ lặt vặt như thế mà sẽ tới từ trong nội tâm nhiều hơn.
Cũng có nhiều người nhìn vào thực tế ấy và cho là tôi đang có sự hy sinh thật lớn lao. Họ hỏi tôi có mệt mỏi hoặc thấy đó là sự đánh đổi? Tôi tin rằng, không có sự đánh đổi hay hy sinh nào cả.
Bản chất, phong cách sống là điều rất dễ thay đổi. Khi có tiền, ta có thể sống sung sướng hơn một chút nhưng khi ít tiền, chúng ta cũng không nghèo khổ hơn bao nhiêu mà chỉ phải chọn những thứ phù hợp hơn với túi tiền của mình. Có thể những ngày đầu chưa quen nhưng sẽ rất nhanh, bạn dần quên đi những thứ hão huyền ấy.
Khi startup có nhà đầu tư, họ cũng không muốn founder phải nhận mức lương quá thấp vì như vậy sẽ gặp áp lực tài chính, không đủ sức lo lắng cho công ty. Cho nên việc của founder lúc này là phải tính toán ra một mức lương đủ sống để không cảm thấy quá chật vật và tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Khái niệm "đủ" sẽ tùy thuộc mỗi người và số lượng con cái mà họ có…
Nếu phải chọn ra một khó khăn "dữ dội" nhất trong những ngày đầu, nhất là khi khi phải chuyển từ vị trí làm thuê với mức sống cao sang làm chủ với mức sống nghèo khó, đó là gì?
Vũ Văn: Khác biệt lớn nhất giữa người làm thuê và làm chủ là founder phải tự đưa ra quyết định. Những lựa chọn đó đúng hay sai, đôi khi sẽ tạo ra bước ngoặt, quyết định công ty đi tiếp hay dừng lại.
Mức sống, điều kiện vật chất là thứ không đáng ngại nhưng làm sao vượt qua sự cô đơn, nỗi sợ hãi thất bại, chấp nhận việc mất cân bằng trong cuộc sống… mới là những thách thức lớn lao hơn.
Tuy nhiên, nếu phải kể ra một khó khăn lớn nhất trong giai đoạn đầu thì tôi nghĩ, đó là quá trình tìm kiếm người làm chung. Suốt 5-6 tháng đầu tiên, sau khi quyết định nghỉ việc để ra làm startup, tôi đã đi khắp nơi, luôn đau đáu với việc tìm người khởi nghiệp cùng mình.
Nhắc đến chuyện tìm người làm chung, tôi nghe nói chị đã phải mời TS. Xavier Anguera tới nhà mình sống chung suốt 3 tháng. Tại sao lại như vậy và quãng thời gian đó có gì thú vị?
Vũ Văn: Sau nhiều tháng tìm kiếm co-founder giỏi về công nghệ, tôi gặp Xavier (TS Bồ Đào Nha, chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo và nhận diện giọng nói) ở hội thảo. Cả hai chưa từng quen biết trong khi đó, nếu muốn làm công ty với nhau thì phải có sự thấu hiểu và tin tưởng nhất định.
Cách của tôi là mời Xavier từ Bồ Đào Nha qua Mỹ làm chung vì giai đoạn đầu, việc ngồi gần nhau sẽ giúp công việc được xử lý nhanh hơn.
Ở Silicon Valley, chi phí rất đắt đỏ. Vì không đủ tiền thuê khách sạn cho Xavier trong thời gian dài nên tôi đã mời anh tới nhà ở cùng. Chúng tôi nói với nhau rằng, nếu 2 đứa ở chung một căn hộ nhỏ như vậy mà từ sáng tới tối chạm mặt bao nhiêu lần, biết hết thói xấu của đối phương nhưng vẫn "không giết chết nhau" thì có nghĩa sẽ làm việc đường dài được.
Quãng thời gian 3 tháng giúp tôi và Xavier hiểu nhau hơn rất nhiều. May mắn, anh ấy cũng từng là một founder nên cách sống rất dễ chịu theo kiểu ở nhà ga, ăn mì gói qua ngày vẫn thấy ổn.
Khi đến Mỹ, Xavier chỉ hỏi tôi mua giúp một tấm nệm vì anh bị đau lưng, không thể ngủ dưới đất. Chúng tôi cũng xác định rõ sẽ chỉ là những người cộng sự chứ không phải là bạn thân thiết ngoài cuộc sống. Đây cũng là phong cách ở Mỹ, khi xa công sở thì ai có cuộc sống riêng của người đó. Ranh giới này giúp chúng tôi thấy thoải mái, rõ ràng và tôn trọng lẫn nhau.
Sau đó, Xavier quay lại Bồ Đào Nha và tới giờ, suốt 4 năm, chúng tôi vẫn đồng hành cùng nhau trong công việc. Với tôi, đó là thành công rất lớn vì thực tế, không hiếm chuyện co-founder không hợp, phải chia tay nhau rồi sau đó mọi chuyện xấu đi.
Những ngày đầu "chen chân" vào lĩnh vực công nghệ nhận diện giọng nói, ELSA làm thế nào để chứng minh tiềm năng của mình khi tạo ra sản phẩm mới?
Vũ Văn: Công nghệ nhận diện giọng nói là thứ đã không còn mới mẻ. Tuy nhiên, ứng dụng nó trong việc dạy học thì chưa có ai làm được. Vì thế, dự án của chúng tôi gặp rất nhiều hoài nghi.
Giới công nghệ cho rằng, ứng dụng này cần nguồn dữ liệu khổng lồ, tiêu tốn nhiều thời gian, tiền bạc. Các "cá lớn" như Google có thể mất 3-4 năm nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới nhưng nếu startup cũng mất thời gian như vậy thì họ không có đủ nguồn lực tồn tại.
Câu hỏi đặt ra là, một công ty không đủ người, tiền bạc như ELSA có thể làm ra sản phẩm công nghệ AI phức tạp, chính xác? Nếu chúng tôi làm được, nhiều "gã khổng lồ" như Google, Amazon, Alexa... chắc chắn sẽ làm được. Vậy công ty tôi lấy gì để cạnh tranh, tồn tại trước các đối thủ lớn như thế?
Ở phía người dùng, dù họ biết học phát âm tiếng Anh rất quan trọng nhưng không ai tin, máy có thể sửa cho mình. Ngay cả khi nói sai, được máy sửa lại thì họ vẫn tin mình nói đúng và cho rằng AI đã sai.
Tất cả đều là những khó khăn của người tiên phong. Không còn cách nào khác là phải nhanh chóng biến 0 thành 1, chứng tỏ cho giới công nghệ, nhà đầu tư và khách hàng thấy được tiềm năng của mình bằng cách nhanh nhất tạo ra sản phẩm chất lượng với độ chính xác thật cao.
Khi vượt qua những thách thức này rồi thì sẽ có nhiều khó khăn khác trong việc gọi vốn, phát triển và vận hành công ty. Nhưng nếu những bài toán ban đầu không được giải quyết thì rất khó để đi tiếp.
Tạo ra sản phẩm tốt rất quan trọng nhưng trên thị trường, có nhiều công ty sở hữu công nghệ tốt, sinh lời được nhưng không thể gọi vốn. Đối với ELSA, theo chị đâu là điểm hấp dẫn giúp công ty vượt qua vòng gọi vốn series A trong khi vẫn chưa có lãi sau 4 năm?
Vũ Văn: Mỗi nhà đầu tư sẽ có lựa chọn khác nhau. Có nhà đầu tư cần startup sinh lời trong thời gian ngắn. Trong khi đó, nhiều người lại tìm startup có thị trường rộng. Cá biệt hơn, một số nhà đầu tư lại quan tâm đến sản phẩm xem liệu nó có đủ tính cách mạng làm thay đổi cả thế giới mà không ai có thể làm được hay không?
Đối với ELSA, lợi nhuận không phải vấn đề nhà đầu tư quan tâm ngay từ những ngày đầu. Họ chú ý nhiều hơn đến AI – công nghệ được kỳ vọng có khả năng thay đổi thế giới nhanh chóng và mạnh mẽ.
Hiện nay, các công ty công nghệ đều phát triển AI nhưng có thể tạm chia thành 2 nhóm: AI-first, tự xây dựng AI từ đầu tới cuối và AI-inrerble, dùng nhiều phần mềm có AI để bổ trợ cho sản phẩm chính. ELSA được xếp vào nhóm AI-first, đây là thế mạnh riêng biệt, ít công ty có được.
Tuy nhiên, nếu chỉ có công nghệ tốt vẫn chưa đủ vì nhà đầu tư không có nhu cầu rót vốn chỉ để đổi lấy lõi công nghệ. Họ thích thú vì công nghệ của ELSA có tiềm năng tiếp cận thị trường lớn với tệp khách hàng lên khoảng 1,5 tỷ người đang có nhu cầu học tiếng Anh.
Với những lợi thế như vậy, việc ELSA trong 5-7 năm đầu chưa có lãi sẽ không trở thành điểm trừ trong mắt giới đầu tư. Các nhà đầu tư, chẳng hạn quỹ Gradient Ventures của Google, muốn chúng tôi xây dựng một sản phẩm tốt có thể gây ảnh hưởng tích cực trên quy mô thế giới với hy vọng công ty này trở thành kỳ lân lớn trên toàn cầu.
Chi phí ở Silicon Valley rất đắt đỏ. Dù là một 5 ứng dụng dạy tiếng Anh đứng đầu thế giới, đội ngũ của Elsa vẫn phải tiết kiệm chi phí hoạt động, với phòng họp chính khá nhỏ hẹp và giản dị.
Luôn muốn là người không thể thay thế, chị dành thời gian làm việc, chăm sóc gia đình và trau dồi bản thân như thế nào vì chị còn có con nhỏ vừa mới 7 tháng tuổi?
Vũ Văn: Kỹ năng của founder phải mạnh lên từng ngày nên quá trình học hỏi sẽ diễn ra liên tục, không ngừng lại. Việc học hỏi đến từ nhiều thứ, ví dụ nói chuyện, làm việc với ai đó cũng là học hỏi.
Khi làm startup, hầu hết thời gian của founder sẽ dành cho công việc. Không có sự cân bằng trong cuộc sống. Hoặc nếu có, nó chỉ đến theo cách là khi mệt mỏi, cần thời gian cho gia đình thì tôi có thể sắp xếp thời gian. Lúc này, cần cách tính toán và tiêu xài thời gian sao cho hiệu quả để 30p-1h ở bên mọi người thực sự là quãng thời gian chất lượng.
Đối với tôi, lịch trình mỗi ngày đều chặt chẽ, không lãng phí và thay đổi liên tục. Khi có con nhỏ, ngay từ lúc bé trai vừa 2 tháng tuổi, tôi đã phải để con ở nhà cho chồng chăm sóc để đi ra ngoài làm việc. Tôi nghĩ, vấn đề có con nhỏ không nên biến thành trở ngại trong công việc.
- Nỗ lực rất nhiều để cược hết vào ván bài tương lai cùng ELSA và giả dụ nếu công ty thực sự trở thành kỳ lân như mục tiêu đề ra, chị nghĩ nó sẽ giúp ích hoặc thay đổi điều gì?
Vũ Văn: Ở Silicon Valley, nhà đầu tư thường cho đó là cái nôi khởi nghiệp toàn cầu nên ít chú ý đến chỗ khác, ngoại trừ Trung Quốc – quốc gia thứ hai sở hữu nhiều kỳ lân, có Tiktok đã vượt cả Uber về giá trị. Startup ở Đông Nam Á gần như không được nhắc đến. Nhưng Grab đã phần nào làm thay đổi điều đó từ khi họ trở thành kỳ lân quy mô toàn cầu, thâu tóm lại thị trường Đông Nam Á, đánh bật Uber.
Tôi nghĩ Việt Nam nếu muốn ghi danh toàn cầu thực sự rất cần 1-2 ví dụ như Grab. Điều đó tuy không có nghĩa là các nhà đầu tư sẽ tin rằng tất cả công ty đến từ Việt Nam đều thành công nhưng ít nhất, họ sẽ quan tâm nhiều hơn. Thứ hai, nó sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam theo cách là những thế hệ sau có thêm tự tin để đi ra toàn cầu ngay từ đầu. Trong khi đó, nhiều startup đang định hướng đi từ trong nước ra thế giới thì rất khó để trong vòng 3-4 năm nữa sẽ thay đổi được cơ cấu công ty.