Founder Luke Nguyen Lab: Khó nhất là được giao cho công trình quá rộng, nhiều tiền và chủ nhà không biết mình muốn gì

TRÚC HÀ/ THIẾT KẾ: HOÀNG SƠN |

Không phải biệt thự hay những công trình nguy nga, tráng lệ, KTS Tuấn M Nguyễn tạo dấu ấn riêng từ các căn hộ nhỏ, nhà kho cũ,... với phong cách tối giản, hiện đại, gần gũi thiên nhiên.

Đối với kiến trúc sư (KTS) nói riêng hay những người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo, nghệ thuật nói chung, việc sở hữu màu sắc cá nhân là điều mà bất cứ ai cũng mong muốn khẳng định. Có người theo đuổi những thứ hoành tráng, lấp lánh nhưng cũng có nhiều người chỉ thích “giải bài toán” nhỏ, làm những công trình tối giản nhưng không hề đơn giản hay nhàm chán.

Đây cũng chính là “vibe” mà KTS Tuấn M Nguyễn - founder studio Luke Nguyen Lab có tiếng ở Hà Nội sở hữu. Cái “vibe” này sẽ khó để mô tả cụ thể nhưng nếu ai vô tình lướt qua và dừng lại ngắm nghía những công trình của KTS Tuấn M Nguyễn, hẳn những ai đồng gu sẽ đều bị ấn tượng và nhớ mãi. Giống như cách một “người qua đường” để lại bình luận về các thiết kế của KTS Tuấn M Nguyễn: “Cực thích vibe này, cảm giác rất thoải mái, chill chill, có hương vị ‘nhà’ bình yên, ấm cúng, lúc nào cũng muốn trở về”.

Tạo được dấu ấn riêng đã khó, để khách hàng nhớ và tìm đến mình bởi phong cách thiết kế còn khó hơn. Đó là một hành trình dài của những nghiên cứu, trải nghiệm mà KTS Tuấn M Nguyễn đã tích lũy được trong suốt 7 năm nghiêm túc theo đuổi nghề kiến trúc.

Founder Luke Nguyen Lab: Khó nhất là được giao cho công trình quá rộng, nhiều tiền và chủ nhà không biết mình muốn gì - Ảnh 1.

Phân khúc thấp không bằng cấp cũng làm được, phân khúc cao đòi hỏi phải cực giỏi

Từ đâu anh Tuấn M Nguyễn bắt đầu nhận thấy mình có niềm đam mê, yêu thích với kiến trúc, thiết kế, nội thất?

So với bạn bè cùng trang lứa, có người đã đi làm nghề từ năm nhất Đại học thì mình có khởi đầu chậm hơn. 27 tuổi mình mới chính thức bắt đầu làm công việc kiến trúc. Trong 5 năm học kiến trúc tại Đại học Xây dựng, mình theo đuổi nhiều nghề khác như nhiếp ảnh, vũ công và thậm chí có dự định trở thành nghệ sĩ vẽ truyền thần chuyên nghiệp.

Tuy nhiên đến thời điểm mình nhận ra, nghề nào cũng có thú vị và có cả những khó khăn, đòi hỏi sự hy sinh của người làm nghề. Đam mê là 1 thứ mình cần phải bỏ công sức và thời gian để tìm kiếm và theo đuổi chứ không phải cái gì đó được sinh ra là có sẵn, mình đã bắt đầu thay đổi và định hướng để tập trung vào kiến trúc.

Trong khi nhiều người may mắn tìm ra được thứ họ thích khi còn rất sớm, thì bản thân mình được coi là “late bloomer” (nở muộn), phải trải qua nhiều mới chọn được nghề để theo đuổi. May mắn là khi đưa ra quyết định, bản thân đã có trải nghiệm nhất định trong cuộc sống, có được sự chín chắn nên từ đó đến nay mình theo đuổi kiến trúc một cách hết mình, là một đường thẳng tắp và không nhìn lại.

Mình cũng từng lo lắng, trăn trở rằng bắt đầu muộn thì sẽ bị bạn bè đồng trang lứa bỏ lại quá xa, nhưng thực sự mình tin là mỗi người có 1 tốc độ riêng trong cuộc sống và không ai giống ai cả. Mình hài lòng với tốc độ của mình và đến nay mình đã theo nghề được gần 7 năm.

Anh học được những gì trong thời gian du học kiến trúc tại Úc? Tại sao lại quyết định trở về và phát triển công ty riêng tại Việt Nam?

Mình theo học bằng Thạc sĩ Kiến Trúc tại Đại học Adelaide, Nam Úc. Thực ra việc học ở nước ngoài, bên cạnh chuyên môn, mình còn có cơ hội được trải nghiệm cuộc sống, văn hóa và cách tư duy của phương Tây. Những điều này không thể có được nếu học trong nước. Cái quan trọng nhất mình học được ở nước ngoài là cách tư duy và xử lý công việc.

Khi phải đối mặt với các vấn đề, mình học cách động não, đưa ra các quyết định của mình để giải quyết vấn đề thay vì ỉ lại và đi nhờ vả. Bản thân mình cũng thuộc dạng “công tử bột”, không phải làm gì khi ở Việt Nam nên đi du học phải tự lập, trải qua nhiều cú sốc như 2 năm liền bị trầm cảm, làm nhiều công việc chân tay,... Đó đều là những trải nghiệm đáng quý để mình trưởng thành hơn.

Trước khi về Việt Nam và xây dựng studio riêng, mình có 3 năm làm việc trong ngành kiến trúc xây dựng tại Úc. Vì vậy mình thấy rõ cơ hội mà các công ty kiến trúc và nội thất ở Việt Nam có được để tạo ra những công trình độc đáo, sáng tạo. Ở Úc do chi phí nhân công và vật liệu rất đắt đỏ nên để làm được những sản phẩm như ở Việt Nam thực sự rất khó.

Founder Luke Nguyen Lab: Khó nhất là được giao cho công trình quá rộng, nhiều tiền và chủ nhà không biết mình muốn gì - Ảnh 2.

Vừa là KTS, lại là founder của 1 studio nội thất có tiếng ở Hà Nội, anh đánh giá sự cạnh tranh trong ngành nghề này thế nào?

Sự cạnh tranh trong ngành kiến trúc và nội thất ở Hà Nội nói chung và ở Việt Nam nói riêng là khá khắc nghiệt. Ở thị trường phân khúc thấp, cảm giác ai cũng có thể làm được nghề này, kể cả những người không có chuyên môn hay bằng cấp. Ở thị trường trung và cao hơn thì rất nhiều các đơn vị giỏi và có năng lực tốt.

Nhưng sự cạnh tranh này không chỉ riêng ở ngành kiến trúc, nội thất mà ở mọi ngành nghề nói chung ở Việt Nam. Bản thân làm nghề, mình thường không quan tâm quá nhiều đến xung quanh mà chỉ tập trung vào hướng đi của studio mình phát triển. Là một người “chạy bộ đường dài”, mình hiểu tầm quan trọng của việc tập trung vào tốc độ và sức lực của bản thân để đạt được mục tiêu, thay vì so sánh với người khác.

Anh đã trải qua những hành trình như thế nào để Luke Nguyen Lab có phong cách riêng hoặc nếu nhắc đến phong cách thiết kế này - sẽ chỉ nhớ đến Luke Nguyen Lab?

Từ khi bắt đầu làm nghề, mình đã xác định phong cách riêng của studio vô cùng quan trọng trong lĩnh vực thiết kế nói riêng và các nghề sáng tạo nói chung. Vì vậy, mình thường chỉ nhận các công việc/ khách hàng có chung tiếng nói về phong cách thiết kế.

Ngoài ra, mình còn dành thời đọc, nghiên cứu từ các tiền bối đi trước. Nếu thấy công trình bản thân thích và có sự đồng điệu, mình sẽ tìm hiểu về tác giả, nguyên lý và nguyên tắc thiết kế của họ. Thậm chí mình còn tìm hiểu cả về đời tư, sở thích cá nhân và niềm tin trong cuộc sống của họ để hiểu hơn về ý tưởng thiết kế cá nhân. Tức là, mình sẽ trải nghiệm công trình thực tế chứ không chỉ dừng lại qua tranh ảnh.

Bên cạnh các dự án hơi mang tính thương mại, mình vẫn làm các dự án mang tính cá nhân hoặc thử nghiệm mà nhiều khi không được trả tiền hay chỉ là các dự án nội bộ trong công ty. Ở các dự án kiểu này, chúng mình được thỏa sức sáng tạo và tìm hiểu bản thân, bỏ qua các yếu tố khách hàng, vật chất hoặc tính khả thi, ngân sách. Mình nghĩ điều này rất quan trọng để định hình được phong cách riêng của studio nói chung và cá nhân các kiến trúc sư ở công ty nói riêng.

Founder Luke Nguyen Lab: Khó nhất là được giao cho công trình quá rộng, nhiều tiền và chủ nhà không biết mình muốn gì - Ảnh 3.
Founder Luke Nguyen Lab: Khó nhất là được giao cho công trình quá rộng, nhiều tiền và chủ nhà không biết mình muốn gì - Ảnh 4.
Founder Luke Nguyen Lab: Khó nhất là được giao cho công trình quá rộng, nhiều tiền và chủ nhà không biết mình muốn gì - Ảnh 5.
Founder Luke Nguyen Lab: Khó nhất là được giao cho công trình quá rộng, nhiều tiền và chủ nhà không biết mình muốn gì - Ảnh 6.

Kiêu Kỳ House - Biến nhà kho cũ thành căn nhà nghỉ dưỡng gần gũi thiên nhiên

Các dự án nổi bật của anh đều mang màu sắc thiết kế nội thất hiện đại, tối giản và có cả phong cách Wabi Sabi. Theo anh, tại sao phong cách này lại xu hướng được nhiều người trẻ hướng tới?

Mình nghĩ quan điểm về nhà của giới trẻ hiện nay khác nhiều so với thế hệ ông cha. Ngôi nhà vẫn rất quan trọng, nhưng những người trẻ như mình giờ muốn dành nhiều thời gian vào tận hưởng cuộc sống, du lịch, có các trải nghiệm mới hơn là dành toàn bộ tiền của và thời gian vào bảo hành, bảo dưỡng ngôi nhà. Như vậy không phải chúng ta đang sở hữu ngôi nhà mà chính nó đang sở hữu chúng ta.

Vậy nên các thiết kế đơn giản nhưng tinh tế về không gian, ít phải bảo dưỡng và tu sửa hiện nay được nhiều bạn trẻ hướng tới. Một số khác như bản thân mình thì di chuyển liên tục nên tối giản gần như trở thành phong cách sống chứ không chỉ riêng ở phong cách thiết kế. Mình thường chỉ sống ở 1 nơi tối đa 3 năm rồi sau đó lại sang một nơi mới nên hiện mình không có sở hữu tài sản nhà cửa hay xe cộ. Đồ đạc cũng rất tối giản để khi cần có thể xách vali và đi luôn.

Founder Luke Nguyen Lab: Khó nhất là được giao cho công trình quá rộng, nhiều tiền và chủ nhà không biết mình muốn gì - Ảnh 7.

Khái niệm “rẻ - đẹp - bền” khá khó trong kiến trúc

Có ý kiến cho rằng kiến trúc, nội thất tối giản nhưng thực chất khi bắt tay vào làm lại khá cầu kỳ mới ra được đúng chất đó. Anh nghĩ sao về nhận định này?

Mình hoàn toàn đồng ý với nhận định này. Để làm được 1 sản phẩm tối giản là 1 quá trình cân đo đong đếm về công năng, lược bỏ đi những thứ không cần thiết và chỉ giữ lại những gì quan trọng nhất. Sau đấy là cách sử dụng không gian, hình khối, bề mặt, ánh sáng tự nhiên và các vật liệu... để tạo ra 1 không gian đơn giản nhưng có chiều sâu và có sự hấp dẫn. Nhìn có vẻ đơn giản nhưng phía sau đấy là nhiều các ý tưởng và tính toán. Thiếu đi các yếu tố này, không gian sẽ trở nên đơn điệu nhàm chán chứ không còn là tối giản nữa. Bởi cá nhân mình thấy ranh giới giữa tối giản và đơn điệu là rất mong manh.

Vậy còn nhận xét phong cách tối giản hay Wabi Sabi làm ra những ngôi nhà na ná nhau, lúc nào cũng là tone gỗ, ấm, nhìn nhiều bị nhàm, anh quan niệm thế nào về điều này?

Theo mình cảm giác bị nhàm chán là do 1 phong cách Wabi Sabi nói riêng và các phong cách khác nói chung bị lạm dụng quá nhiều mà chính những người làm có khi cũng không hiểu bản chất thực sự của phong cách đấy. Chỉ đơn thuần là bắt chước theo ảnh mẫu.

Cũng giống như kiến trúc hiện đại của thế kỷ trước, do tính tối ưu về kinh tế và thời gian xây dựng nhanh nên đã bị lạm dụng. Rất nhiều các sản phẩm vô hồn được dựng lên và được chụp mác “kiến trúc hiện đại”, chỉ đơn thuần là nó đơn giản và không có chi tiết nhưng không hề có những nguyên tắc hay triết lý thiết kế của kiến trúc hiện đại phía sau.

Bản thân mình khi làm việc thường dựa trên các nguyên tắc thiết kế cơ bản nhất. Vì thế sẽ không bị phụ thuộc vào trend thiết kế năm nay là gì, hoặc mã gỗ hay mẫu bàn ghế gì đang là trào lưu. Có thể có sự lặp lại về vật liệu hay cách xử lý chi tiết trong thiết kế nhưng được sử dụng 1 cách linh hoạt, thay đổi tùy theo bối cảnh, hiện trạng công trình và khách hàng. Phong cách Wabi Sabi là 1 trong số rất nhiều phong cách, cũng có được mình sử dụng nhưng chỉ khi mình thấy thích hợp.

Founder Luke Nguyen Lab: Khó nhất là được giao cho công trình quá rộng, nhiều tiền và chủ nhà không biết mình muốn gì - Ảnh 8.
Founder Luke Nguyen Lab: Khó nhất là được giao cho công trình quá rộng, nhiều tiền và chủ nhà không biết mình muốn gì - Ảnh 9.
Founder Luke Nguyen Lab: Khó nhất là được giao cho công trình quá rộng, nhiều tiền và chủ nhà không biết mình muốn gì - Ảnh 10.

Căn chung cư 44m2 thiết kế theo phong cách hiện đại, tận dụng triệt để ánh sáng tự nhiên

Nhiều KTS, công ty kiến trúc nội thất hướng đến những công trình biệt thự, nguy nga, tráng lệ để phô diễn tài năng của KTS. Tại sao Tuấn M Nguyễn lại gắn mình với những không gian như căn hộ nhỏ, cải tạo nhà cũ, nhà cổ,...? Điều này có đang tự làm khó chính mình?

Mình cũng có được giới thiệu để vào làm những công trình biệt thự nguy nga nhưng đều phải từ chối do cảm thấy không hợp. Tệp khách hàng này được rất nhiều các đơn vị thiết kế săn đón, sẵn sàng chiều chuộng, phục vụ 24/7 và thường có xu hướng khá áp đặt ý tưởng của họ lên người thiết kế. Điều này bên mình không sẵn sàng đáp ứng.

Mình tin là để phô diễn tài năng thì không phụ thuộc vào độ lớn của công trình hay mức đầu tư bao nhiêu. Các căn hộ nhỏ, nhà cũ và cổ là các bài toán khó nhưng thường đề bài khá rõ ràng, nhiều manh mối và gợi ý để giải. Các chủ nhà mình từng làm cùng thường rất có gu và hiểu họ muốn gì. Kết quả cuối cùng nhiều khi ra được các sản phẩm rất hay, thú vị khiến mình và cả chủ nhà đều ngạc nhiên, hứng thú nên mình không nghĩ đó là tự làm khó bản thân. Mà nhiều khi giao cho mình 1 công trình quá rộng, nhiều tiền và chủ nhà không biết bản thân muốn gì, đối với mình đó còn là 1 bài toán khó giải hơn.

Founder Luke Nguyen Lab: Khó nhất là được giao cho công trình quá rộng, nhiều tiền và chủ nhà không biết mình muốn gì - Ảnh 11.
Founder Luke Nguyen Lab: Khó nhất là được giao cho công trình quá rộng, nhiều tiền và chủ nhà không biết mình muốn gì - Ảnh 12.
Founder Luke Nguyen Lab: Khó nhất là được giao cho công trình quá rộng, nhiều tiền và chủ nhà không biết mình muốn gì - Ảnh 13.

Căn hộ gác lửng 28m2 tại Hà Nội sau khi được cải tạo

Vậy cảm xúc của anh khi tham gia các dự án thường sẽ đến từ việc cảm mến không gian nhận đề bài hay đến từ quá trình trò chuyện với chủ đầu tư/khách hàng?

Cảm xúc của mình thường được bắt đầu từ đề bài đưa ra, chẳng hạn khu đất hoặc hiện trạng này có gì thú vị không. Nên khi làm việc, mình sẽ xin khách hàng các thông tin, ảnh hiện trạng cụ thể để nghiên cứu trước khi gặp mặt.

Sau đó mới đến quá trình trò chuyện với chủ đầu tư. Giai đoạn này cũng rất quan trọng, góp phần quyết định xem 2 bên có chung tiếng nói và có thể hợp tác hay không.

Người ta vẫn hay nói “ngon - bổ - rẻ” nhưng liệu trong kiến trúc nói chung, có khái niệm “rẻ - đẹp - bền” không?

Khái niệm rẻ mình thấy khá vô cùng, có khi rẻ với người này nhưng không rẻ với người khác. Nhưng thường khái niệm “rẻ - đẹp - bền” khá khó trong kiến trúc và xây dựng, vì bản chất xây dựng là đã rất tốn kém rồi. Làm nhà thì tốn mà.

Còn tổng mức đầu tư của một công trình lớn hay nhỏ phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách và yêu cầu của mỗi gia chủ. KTS sẽ triển khai xây dựng các phương án thiết kế, thống nhất với gia chủ đến khi đi vào thi công xây dựng hoàn thiện công trình.

Founder Luke Nguyen Lab: Khó nhất là được giao cho công trình quá rộng, nhiều tiền và chủ nhà không biết mình muốn gì - Ảnh 14.

Nghệ thuật - chi phí - công năng, anh sắp xếp những yếu tố này theo thứ tự như thế nào khi làm một ngôi nhà? Tại sao?

Cả 3 yếu tố đều quan trọng để tạo nên thành công của một dự án. Mình sẽ cố gắng cân đối cả 3 chứ không bỏ phần nào.

Ví dụ 1 thiết kế công năng hợp lý và rất nghệ thuật nhưng chi phí quá đắt, cũng mãi chỉ nằm trên giấy. Mình muốn các dự án của mình được hiện thực hóa. Quan sát các dự án tâm đắc được dần dần thành hình trên thực tế mang lại cho mình và team rất nhiều sự thỏa mãn, hài lòng khi làm nghề. Tương tự, nếu thiếu công năng thì ngôi nhà sẽ không đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng. Thiếu tính nghệ thuật sẽ không còn là kiến trúc nữa, và như vậy có lẽ không cần đến KTS nữa.

Cảm ơn anh về những chia sẻ!

Founder Luke Nguyen Lab: Khó nhất là được giao cho công trình quá rộng, nhiều tiền và chủ nhà không biết mình muốn gì - Ảnh 15.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại