Tối ngày 6/3 (giờ Việt Nam), tạp chí uy tín Forbes đã chính thức công bố danh sách những tỷ phú USD thế giới. Việt Nam lần đầu tiên có 4 đại diện là ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO Vietjet Air, ông Trần Đình Long – Chủ tịch Hoà Phát và ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Trường Hải.
Đây là lần ghi danh nhiều nhất trong danh sách tỷ phú thế giới của các doanh nhân người Việt, kể từ khi ông Phạm Nhật Vượng được tạp chí Forbes xếp hạng vào tháng 3/2013. Tổng tài sản của nhóm 4 tỷ phú Việt trong danh sách năm nay đạt 10,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.
Với 4,3 tỷ USD, ông Phạm Nhật Vượng lần đầu góp mặt vào top 499 tỷ phú giàu nhất thế giới. Đây là bước tiến dài của vị tỷ phú này so với vị trí top 870 và tổng tài sản 3,1 tỷ USD của bảng xếp hạng năm 2017. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo có 3,4 tỷ USD, xếp hạng 766 thế giới.
Hai doanh nhân mới góp mặt là ông Trần Đình Long có 1,3 tỷ USD, xếp hạng 1.756 thế giới. Trong khi đó, ông Trần Bá Dương có 1,8 tỷ USD, xếp hạng 1.339 thế giới. Đây cũng là 2 doanh nhân nằm trong lĩnh vực sản xuất đầu tiên của Việt Nam trở thành tỷ phú thế giới. Trước đó, ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo đều là tỷ phú có nguồn gốc tài sản từ bất động sản và dịch vụ.
4 tỷ phú USD của Việt Nam có tổng tài sản lên tới 10,5 tỷ USD. Thiết kế: Đỗ Linh.
Ông Trần Đình Long sinh năm 1961, nguyên quán tại Hải Dương, tốt nghiệp cử nhân đại học Kinh tế Quốc dân năm 1986. Năm 30 tuổi, ông bắt đầu nghiệp kinh doanh khi khởi nghiệp cùng nhóm bạn đại học vào năm 1992, thành lập nên Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng Hòa Phát, chủ yếu buôn đồ cũ từ Nga về, trước khi chuyển hướng xuất nhập khẩu bài bản.
Từ năm 1992 đến năm 1996, ông Long giữ vai trò Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH thiết bị phụ tùng Hòa Phát. Năm 1996, công ty chuyển hướng kinh doanh thép, rồi sản xuất thép, ông trở thành Chủ tịch HĐQT các công ty thuộc nhóm Hòa Phát. Từ năm 2005 đến nay, ông Long gắn bó với chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát.
Ông Trần Bá Dương là Chủ tịch của Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (THACO) từ năm 2007. Công ty này được ông xây dựng từ năm 1997, sau khi nghỉ việc tại xí nghiệp cơ khí giao thông Đồng Nai. Năm 2000, ông mở xưởng lắp ráp xe tải hạng nhẹ mang thương hiệu KIA, rồi làm xe du lịch Thaco, Kinglong…
Trường Hải hiện là công ty duy nhất tại Việt Nam sản xuất lắp ráp và cung ứng đầy đủ 3 dòng xe: xe du lịch, xe tải và xe bus với tỉ lệ nội địa hóa từ 16% - 50% Hệ thống phân phối của công ty trải dài trên toàn quốc với lượng nhân sự vượt 16.000 người.
Kể về con đường lập nghiệp, ông chủ Trường Hải nói bản thân lớn lên trong thời bao cấp, cha mất sớm, mẹ bươn chải nuôi các anh em ăn học.
"Tốt nghiệp Trường Đại học Bách khoa TP HCM, tôi xin làm công nhân sửa chữa ô tô, công việc đầu tiên của tôi là vét mỡ bò.
Sau đó, nhờ kiến thức trong nhà trường, tôi đưa ra dự án 'Chuyển đổi tay lái nghịch', dự án của tôi được Bộ GT-VT chấp nhận. Công ty giao cho tôi quản lý tổ sửa chữa lưu động, làm khoán, từ đó tôi có điều kiện tích luỹ và phát huy khả năng của mình. Năm 1997 tôi xin nghỉ và thành lập xưởng sửa chữa của riêng mình".