Forbes: Tàu ngầm mới nhất của Nga không giống bất cứ thứ gì mà Hải quân Mỹ có

QS |

Theo Forbes, có một khía cạnh trong hoạt động tác chiến ngầm mà Nga và Mỹ có quan điểm khác nhau. Chiếc tàu ngầm mới nhất gia nhập biên chế Hải quân Nga đã cho thấy điều này.

Tạp chí Mỹ cho biết, B-274 Petropavlovsk-Kamchatsky không giống với bất cứ con tàu nào trong biên chế Hải quân Mỹ bởi nó chạy bằng năng lượng thông thường, hay nói cách khác là không trang bị lò phản ứng hạt nhân. Lần cuối cùng Hải quân Mỹ biên chế tàu ngầm phi hạt nhân là trong những năm 1950.

Con tàu mới của Nga là tàu ngầm lớp Kilo cải tiến. Đây là 1 trong 13 chiếc thuộc đề án tàu ngầm diesel-điện 636.3 dự kiến được trang bị cho Hải quân Nga.

Lớp tàu ngầm phi hạt nhân cuối cùng có mặt trong biên chế Hải quân Mỹ là lớp Barbel, được chế tạo trong giai đoạn 1956-1958. Sau đó, Mỹ chỉ chế tạo tàu ngầm hạt nhân, một phần là vì Hải quân Mỹ cần có những con tàu có khả năng di chuyển xa căn cứ để tới những nơi chúng cần được triển khai.

Các tàu ngầm hạt nhân gần như có phạm vi hoạt động không giới hạn, hạn chế duy nhất của chúng là kíp thủy thủ. Các đợt tuần tra của tàu ngầm hạt nhân Mỹ thường kéo dài hơn 1 tháng và thỉnh thoảng lâu hơn, trong khi đó, phần lớn tàu ngầm phi hạt nhân chỉ có thể thực hiện nhiệm vụ trong vài tuần.

Forbes: Tàu ngầm mới nhất của Nga không giống bất cứ thứ gì mà Hải quân Mỹ có - Ảnh 1.

Tàu ngầm B-274 Petropavlovsk-Kamchatsky tại St. Petersburg ngày 25/11/2019. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga

Tàu ngầm hạt nhân cũng có tốc độ nhanh hơn và nhiều năng lượng dư thừa hơn, nguồn năng lượng này có thể được sử dụng để vận hành các mảng sonar lớn.

Tại vùng biển rộng lớn, điều này sẽ khiến tàu ngầm hạt nhân trở nên đáng gờm hơn bởi chúng có thể phát hiện tàu ngầm của đối phương từ khoảng cách xa hơn, sau đó di chuyển nhanh hơn tới vị trí cần thiết hoặc tránh được rắc rối.

Mỹ không phải là quốc gia duy nhất từ bỏ các tàu ngầm phi hạt nhân. Hải quân Anh và Pháp cũng làm điều tương tự.

Ưu thế nổi bật nhất của tàu ngầm phi hạt nhân là chúng có kích cỡ nhỏ hơn, nên chi phí chế tạo rẻ hơn. Chúng còn có thể tắt gần như toàn bộ các hệ thống và nằm im lìm dưới đáy biển, điều này khiến chúng cực kỳ khó bị phát hiện.

Yếu tố địa lý khiến Nga cần nhiều tàu ngầm tuần tra tương đối gần căn cứ, nhất là các tàu của Hạm đội Baltic và Hạm đội Biển Đen. Các tàu ngầm phi hạt nhân được Nga trang bị cho tất cả các hạm đội, kể cả tới vùng Thái Bình Dương rộng lớn – nơi tàu ngầm B-274 sắp được triển khai.

Không giống như nhiều quốc gia khác, Nga vẫn chưa ứng dụng rộng rãi Động cơ đẩy không khí độc lập (AIP). Điều đó khiến các tàu ngầm lớp Kilo và Lada phải nổi lên gần mặt biển để chạy động cơ diesel thường xuyên hơn.

AIP mang lại cho tàu ngầm một giải pháp khác để chạy chân vịt mà không cần nổi lên gần mặt nước, từ đó làm tăng phạm vi hoạt động và khả năng "tàng hình" của tàu ngầm. Đã có một số báo cáo cho biết tàu ngầm lớp Lada sẽ được trang bị AIP nhưng cho tới nay, điều đó vẫn chưa được hiện thực hóa.

Do đó, Hải quân Nga vẫn sẽ coi trọng các tàu ngầm phi hạt nhân, chúng sẽ đóng vai trò bổ trợ cho các tàu ngầm hạt nhân. Mức độ tĩnh lặng cao sẽ mang lại cho các tàu ngầm phi hạt nhân nhiều lợi thế trong một số tình huống, đặc biệt là tại những vùng nước nông.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại