Trung Quốc chuyển hướng
Các nhà nhập khẩu Trung Quốc không mua đậu nành Mỹ không phải vì mức thuế quan 25%. Theo Forbes, họ làm vậy vì chính quyền Bắc Kinh đã ra lệnh cấm mua loại mặt hàng này.
Mỹ là nhà xuất khẩu đậu nành lớn nhất thế giới. Vì vậy, khó có khả năng tất cả các công ty Trung Quốc đều đồng loạt ngừng mua hàng từ Mỹ. Chiến tranh thương mại là lí do lớn nhất cho hiện tượng này. Trong khi đó, Mỹ vẫn chưa ngừng nhập khẩu sản phẩm của Trung Quốc.
Trung Quốc đã bắt đầu "cấm vận" hạt đậu nành của Mỹ hồi năm ngoái. Về mặt lý thuyết, việc ngừng mua nông sản không phải là một dạng cấm vận chính thức.
Thay vì mua hàng từ nông dân Mỹ, Trung Quốc đã mua khoảng 13 triệu tấn đậu nành từ Brazil, đưa nhà xuất khẩu đậu nành nhiều thứ 2 thế giới lên vị trí số 1, vượt qua Mỹ.
Bob Kuylen, một nông dân với 35 năm kinh nghiệm tại bang North Dakota, nói: "Tình hình đang ngày càng xấu đi. Ông Trump đang khiến chúng tôi không thể tiếp cận được các thị trường khác. Không ai mua sản phẩm của chúng tôi nữa".
Ảnh minh họa: AP Photo/Susan Walsh
Cùng lúc đó, Trung Quốc cũng không hề mua được đậu nành với giá rẻ hơn từ Brazil. Theo số liệu so sánh mới nhất, với 60kg đậu nành ở Mỹ có giá 13,86 USD trong khi Brazil bán với giá 20,31 USD, đắt hơn 6 USD.
Những con số lạm phát mới nhất ở Trung Quốc liên quan phần lớn tới thực phẩm, tuy không nhất thiết là đậu nành, giá thịt gà hoặc thịt lợn. Nhưng rõ ràng việc Trung Quốc trả nhiều tiền hơn để mua đậu nành Brazil thay vì đậu nành Mỹ là một quyết định có tính chính trị, chứ không phải về mặt kinh doanh.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết Mỹ sẽ thu hoạch đậu nành ít hơn 18,7% trong năm nay so với năm ngoái, với tổng số khoảng 100 triệu tấn trong mùa này. Nông dân Mỹ sẽ thu hoạch đậu nành trong 3 tháng tới. Theo ước tính, 20,5 triệu tấn đậu nành sẽ được để tồn kho trong khi 29,1 triệu tấn đậu nành từ năm ngoái vẫn chưa được tiêu thụ hết do Trung Quốc ngừng nhập khẩu.
USDA cho rằng Brazil sẽ thu hoạch thêm 5,1% sản lượng so với năm ngoái, đạt 123 triệu tấn đậu nành trong năm ngay.
Mục tiêu của Bắc Kinh
Forbes cho rằng, chiến lược ngừng mua đậu nành của Trung Quốc có chủ đích rõ ràng nhằm vào ông Trump.
Vào khoảng thời gian này năm ngoái, Trung Quốc đã dừng hoàn toàn mua đậu nành và thịt lợn của Mỹ với hi vọng có thể gây ảnh hưởng tới cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11. Chiến lược này tạo nên nỗi lo lắng và áp lực kinh tế tối đa lên các bang chú trọng vào nông nghiệp của Mỹ, biến những bang này "từ đỏ sang xanh". Đảng Dân chủ chiến thắng vang dội và vì vậy, Trung Quốc hi vọng kết quả sẽ lặp lại vào tháng 11 tới.
Căn nhà có chữ ghi chữ "Trump" tại một nông trường ở Ashland, Nebraska. Ảnh: AP Photo/Nati
Nếu Bắc Kinh thực sự làm như vậy, nông dân Mỹ có thể sẽ phải tìm những thị trường mới. Có khả năng rất thấp Trung Quốc sẽ quay trở lại mua nông sản Mỹ trong tương lai gần.
Mỹ đã cố gắng đề nghị cho Trung Quốc một thỏa thuận, trong đó hoãn các hàng rào phi thuế quan đối với Huawei và cho phép Huawei mua các linh kiện Mỹ để sử dụng trong việc sản xuất điện thoại thông minh của hãng này.
Trong khi đó, Trung Quốc muốn Huawei được đưa ra khỏi danh sách đen của Bộ Thương mại Mỹ. Washington tuyên bố sẽ không gỡ bỏ bất kì cấm vận nào cho Huawei.
Tại những cuộc đàm phán gần đây, Trung Quốc cũng yêu cầu xóa bỏ hoàn toàn thuế quan nhưng không được Mỹ đáp ứng.
Hầu hết các nhà đầu tư Trung Quốc đều tin rằng thương chiến sẽ không sớm kết thúc. Nhưng rõ ràng Trung Quốc đang hi vọng các ứng cử viên Đảng Dân chủ sẽ đưa ra những quyết định có lợi hơn cho Bắc Kinh. Cả ông Joe Biden và bà Kamala Harris đều được coi là những người thân thiện với Trung Quốc.
Dù ai chiến thắng ông Trump trong cuộc bầu cử, người đó cũng sẽ dần dần xóa bỏ thuế quan, chấm dứt cuộc leo thang thuế và đưa Mỹ trở lại quỹ đạo giao dịch với Trung Quốc như trước kia. Có thể một số loại thuế quan vẫn sẽ được duy trì, nhưng sẽ chỉ nhằm vào những mặt hàng nhất định với số lượng không nhiều.
Một chiến thắng của ông Biden/bà Harris sẽ là tin tốt lành với Trung Quốc và nông dân Mỹ. Còn đối với nước Mỹ dưới thời ông Trump, sẽ còn rất lâu nữa Trung Quốc mới quay trở lại mua hàng nông sản ở vùng Trung Tây nước này.